Sở Công thương tỉnh Tây Ninhhttps://socongthuong.tayninh.gov.vn/uploads/logoportal.png
Chủ nhật - 07/01/2024 10:011.0140
Tháng 7 năm 2023, một số nhà máy tinh bột sắn tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên bắt đầu sản xuất trở lại, giá thu mua sắn tại các nhà máy dao động quanh ngưỡng 3.750 đồng/kg, nhưng nguồn cung sắn chưa có nhiều do củ sắn vẫn còn non. Giá thu mua sắn tươi của các nhà máy tinh bột sắn tại Tây Ninh dao động ở mức 3.300-3.500 đồng/kg, tăng nhẹ so với tháng trước
Giao dịch tinh bột sắn qua cửa khẩu Móng Cái vẫn ảm đạm. Tỷ giá CNY/VND giảm mạnh, cùng với việc nhận hàng chậm tại các cửa khẩu biên giới nên các đơn vị có hàng tinh bột sắn có xu hướng chuyển sang xuất khẩu qua đường biển nhiều hơn. Đối với tinh bột sắn xuất khẩu qua đường biển, các nhà máy tinh bột sắn Tây Ninh ký xuất khẩu với giá dao động ở mức 520-530 USD/tấn FOB. Theo ước tính, tháng 7 năm 2023, cả nước xuất khẩu được khoảng 200 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 95 triệu USD, tăng 37,7% về lượng và tăng 32,2% về trị giá so với tháng trước, tuy nhiên so với tháng cùng kỳ giảm 3,2% về lượng và giảm 1,9% về trị giá. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt khoảng 1,84 triệu tấn, trị giá 761 triệu USD, giảm 13,4% về lượng và giảm 18,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Tây Ninh mặc dù được xem là thủ phủ của cây sắn, với số lượng diện tích trồng sắn và nhà máy chế biến tinh bột sắn lớn (chiếm hơn 35% sản lượng toàn ngành sắn cả nước), nhưng ngành sản xuất và chế biến sắn của Tây Ninh vẫn còn nhiều hạn chế khi chưa có liên kết trong đầu tư, thu mua nguyên liệu giữa nhà máy chế biến và người nông dân. Tỉnh chưa hình thành cơ chế chính sách liên kết vùng sản xuất cây sắn để đảm bảo sản lượng sắn cung cấp ổn định lâu dài cho sản xuất. Ngoài ra, dịch bệnh khảm lá trên sắn làm giảm năng suất và sự cạnh tranh của các loại cây trồng có giá trị cao như cây mía, cao su, cây ăn trái... cũng ảnh hưởng rất lớn đến diện tích trồng sắn ổn định của tỉnh. Hiện tỉnh Tây Ninh có 65 nhà máy chế biến tinh bột sắn, với công xuất mỗi năm đạt hơn 4 triệu tấn củ sắn tươi; những năm qua, diện tích trồng sắn của toàn tỉnh liên tục tăng nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất. Năm 2023, Tây Ninh có gần 62 nghìn ha đất trồng sắn, năng xuất bình quân trên 32 tấn/ha. Với giá sắn là gần 4.000 đồng/kg (sắn 30 chữ tinh bột) người trồng sắn có thể thu lãi khoảng 128 triệu đồng/1ha. Hiện nay, để đảm bảo nguyên liệu sản xuất, các doanh nghiệp chế biến tinh bột sắn của tỉnh phải nhập sắn từ Campuchia và tỉnh Bình Phước để chế biến. Từ đầu năm 2023 đến nay, xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của tỉnh Tây Ninh gặp nhiều khó khăn, trị giá luôn đạt mức thấp và liên tục giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Trong tháng 7 năm 2023, mặc dù trị giá xuất nhập khẩu sắn và các sản phẩm sắn của tỉnh Tây Ninh tăng mạnh so với tháng trước và so với cùng kỳ năm 2022, nhưng trị giá xuất khẩu vẫn ở mức thấp. Trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của tỉnh Tây Ninh đạt 26,31 triệu USD, tăng 71% so với tháng trước và tăng 9,2% so với tháng cùng kỳ, chiếm 63,12% trong tổng trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của vùng Đông Nam Bộ và chiếm 36,65% trong tổng trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của cả nước trong tháng 7 năm 2023, cao hơn so với cùng kỳ năm 2022. 7 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của Tây Ninh đạt 128,04 triệu USD, giảm 49,6% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của tỉnh Tây Ninh trong 7 tháng đầu năm 2023 chiếm 42,68% trong tổng trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của vùng Đông Nam Bộ và chiếm 19,3% trong tổng trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của cả nước, thấp hơn nhiều so với 7 tháng đầu năm 2022. Trong tháng 7 năm 2023, sắn và các sản phẩm sắn của Việt Nam được xuất khẩu sang 36 thị trường trên thế giới. Tính riêng tỉnh Tây Ninh được xuất khẩu sang 18 thị trường, trong đó Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của tỉnh Tây Ninh, chiếm 90,93% tổng trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của tỉnh Tây Ninh với 24,48 triệu USD, tăng 79,8% so với tháng trước và tăng 10,4% so với tháng cùng kỳ. Luỹ kế 7 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Tây Ninh sang Trung Quốc đạt 116,42 triệu USD, giảm 51,3% so với cùng kỳ năm 2022. Hiện nay ngành sắn Việt Nam vẫn còn tồn tại tình trạng phát triển tự phát, chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu cụ thể. Từ đó, dẫn đến tình trạng không đảm bảo sự cân đối giữa nguyên liệu và sản xuất chế biến. Các doanh nghiệp nhỏ lẻ còn chưa chú trọng liên kết trong sản xuất, thiếu đầu tư đổi mới công nghệ, dẫn đến tình trạng phát triển không bền vững, kém hiệu quả, ảnh hưởng đến sự ổn định vùng nguyên liệu. Theo nhu cầu và xu thế của thị trường, thì chế biến sâu sau tinh bột là điều tất yếu để ngành sắn phát triển đa dạng, có chiều sâu trong tương lai là yếu tố cần thiết và cần ưu tiên hàng đầu để đảm bảo phát triển bền vững cây sắn trong thời gian tới. Để cho ngành sắn phát triển một cách ổn định, bền vững và có chất lượng, Việt Nam cần tái cơ cấu lại ngành sắn trong nước; đảm bảo cân đối nguyên liệu trong sản xuất. Đồng thời, xây dựng Trung tâm Phát triển giống sắn có sự liên kết, nhằm tạo nguồn giống mới đáp ứng kịp thời nhu cầu giống cho bà con nông dân; đảm bảo công bằng chính sách tín dụng và chính sách thuế; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; khuyến khích, tiếp sức cho doanh nghiệp đầu tư xử lý môi trường và sản xuất chế biến có chiều sâu để nâng cao giá trị sau tinh bột. Thời gian tới, dự báo nhu cầu tiêu thụ sắn và tinh bột sắn của Trung Quốc có thể sẽ sôi động trở lại khi nước này vào mùa sản xuất bánh trung thu. Tuy nhiên, tại thị trường này, sắn và tinh bột sắn của Việt Nam đang bị cạnh tranh mạnh với sắn và tinh bột sắn của Thái Lan, Lào và Campuchia. Để cạnh tranh với Thái Lan trong việc xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn sang Trung Quốc đối với doanh nghiệp Việt Nam là khó, song với lợi thế giá rẻ, giao thương quen thuộc, thị trường gần, các doanh nghiệp sắn Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ vững và mở rộng thị phần tại thị trường Trung Quốc.