Với kết quả này, Tây Ninh đứng thứ 18/21 trong số các tỉnh, thành phố có tham gia xuất khẩu gạo của cả nước. Trong khi đó, TP. Hồ Chí Minh, đầu tàu xuất khẩu của cả nước đã mang về 801,1 triệu USD từ xuất khẩu gạo, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 35,5% thị phần. Đứng thứ hai là Đồng Tháp với 291,3 triệu USD, tăng 104,8% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 12,9% thị phần. Đứng thứ ba là Cần Thơ, đạt 244,86 triệu USD, tăng 21,1% và chiếm 10,9% thị phần. Kim ngạch xuất khẩu của nhiều tỉnh thành khác cũng tăng cao như Sóc Trăng tăng 17,2%, Long An tăng 62,2%, Hà Nội tăng 55,7%, Kiên Giang tăng 49%... đặc biệt Vĩnh Long dù kim ngạch xuất khẩu không cao (đạt 844 nghìn USD), nhưng tăng đột biến 78.047% so với cùng kỳ năm ngoái. Trái lại, kim ngạch xuất khẩu gạo của An Giang giảm mạnh 53,9%, Bình Dương giảm 15,7%, Hậu Giang giảm 17,7%.
Trong báo cáo mới đây, USDA đã nâng dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2023 lên mức 7,5 triệu tấn, tăng 0,3 triệu tấn so với dự báo trước và tăng 6,3% so với con số 7,05 triệu tấn của năm 2022.
Do đó, xuất khẩu gạo của Việt Nam được kỳ vọng có thể vượt 7 triệu tấn trong năm nay với kim ngạch thu về hơn 4 tỷ USD. Giá gạo xuất khẩu đang ở mức cao nhất 10 năm và khả năng còn tiếp tục tăng cao hơn nữa khi Ấn Độ mới đây thông báo cấm xuất khẩu gạo tẻ trắng (non-basmati) để hạ nhiệt lạm phát. Động thái này sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn cung gạo toàn cầu bởi Ấn Độ hiện đang chiếm khoảng 40% thương mại gạo thế giới. Tháng 9 năm ngoái, quốc gia Nam Á này cũng đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo 100% tấm và áp thuế 20% đối với các lô hàng gạo trắng và gạo lứt để ổn định thị trường trong nước.
Trong khi đó, hiện tượng El Nino được dự báo sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động canh tác nông nghiệp của nhiều quốc gia trên toàn cầu, vừa khiến nguồn cung giảm và khiến nhu cầu nhập khẩu lương thực tăng lên.
Tại Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, Chính phủ nước này đã khuyến cáo nông dân chỉ trồng một mùa vụ trong năm nay, thay vì hai hoặc ba vụ như thường lệ.
Nắng nóng cũng có khả năng đe dọa nhiều khu vực tại miền Nam Trung Quốc. Theo Cục Khí tượng Trung Quốc, nhiệt độ có thể lên 40 độ C tại Hồ Nam và Giang Tây, các tỉnh trồng lúa hàng đầu nước này. Cơ quan này cũng cảnh báo "rủi ro cao" là nắng nóng sẽ khiến lúa tại những nơi này chín sớm
Trong bối cảnh đó, các nhà nhập khẩu lớn tại châu Á như Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, hay các quốc gia tại châu Phi và Trung Đông… đang tích cực thu mua gạo nhằm tăng cường kho dự trữ, chuẩn bị cho kịch bản thiếu hụt nguồn cung lương thực.
Mới đây, Indonesia đã ký thoả thuận nhập khẩu 1 triệu tấn gạo từ Ấn Độ trong trường hợp El Nino khiến dự trữ gạo của Indonesia xuống thấp. Đây được xem là động thái đặc biệt, cho thấy Indonesia đang cố gắng đa dạng nguồn cung để đảm bảo chắc chắn hơn cho vấn đề an ninh lương thực; thông thường, Indonesia sẽ nhập khẩu gạo từ Thái Lan và Việt Nam.
Mặc dù triển vọng thị trường gạo cuối năm rất khả quan nhưng trước biến động khó lường của thị trường các doanh nghiệp được khuyến cáo thận trọng giao dịch.
Bộ Công Thương khuyến cáo trong bối cảnh thị trường gạo thế giới đang biến động, giá thóc trong nước và giá xuất khẩu gạo cũng biến động tương tự, các doanh nghiệp nên thận trọng trong việc ký kết các hợp đồng. Bộ cũng đề nghị thương nhân duy trì mức dự trữ, lưu thông theo quy định, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước và đảm bảo an ninh lương thực.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam phối hợp tăng cường đôn đốc các hội viên, nhất là doanh nghiệp lớn, giữ vai trò dẫn dắt, tổ chức thu mua và tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa, bảo đảm lợi ích cho người trồng lúa theo chính sách hiện hành.
Phòng QLTM-SCT