Diễn biến tình hình và xu hướng phát triển thị trường mặt hàng cao su của tỉnh Tây Ninh tháng 6 năm 2024

Thứ năm - 29/08/2024 10:31 22 0
Diễn biến tình hình và xu hướng phát triển thị trường mặt hàng cao su của tỉnh Tây Ninh tháng 6 năm 2024
Theo ông Võ Hoàng An-Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cho biết, thời gian qua, nhiều Hội viên trong Hiệp hội đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, nâng cao giá trị cao su Việt Nam. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp trong hiệp hội đã chủ động chuyển đổi phù hợp các tiêu chí về phát triển bền vững của các tổ chức thế giới và đạt được các chứng chỉ xanh như quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế (VFCS/PEFC-FM) hay chứng chỉ về truy xuất nguồn gốc, quy trình sản xuất sản phẩm (PEFC-CoC). Để thực hiện được các chứng chỉ này không đơn giản song đại diện của VRA đánh giá phát triển bền vững là yếu tố quan trọng giúp ngành cao su Việt Nam gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 6/2024 xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 153.487 tấn, trị giá 246,96 triệu USD, tăng 81,7% về lượng và 83,4% về trị giá so với tháng trước, còn so với cùng kỳ năm ngoái giảm 15,1% về lượng và 3,1% về trị giá. Lũy kế, 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu mặt hàng này đạt 726.652 tấn, trị giá 1,1 tỷ USD, tăng 5,5% về lượng so với cùng kỳ.
Giá cao su xuất khẩu bình quân của nước ta trong tháng 6/2024 đạt 1.609 USD/tấn, tăng nhẹ 0.9% so với tháng trước và tăng tới 21,4% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân trong 6 tháng đầu năm 2024, giá xuất khẩu cao su đạt 1.525 USD/tấn, tăng 11,3% so với cùng kỳ.
Thị trường xuất khẩu cao su 6 tháng đầu năm chủ yếu là Trung Quốc (khối lượng đạt 489.370 tấn, trị giá 717,9 triệu USD, giảm 16% về lượng và giảm 8% về trị giá so với cùng kỳ), Ấn Độ ( khối lượng đạt 58.152 tấn, trị giá gần 94,4 triệu USD, tăng 28,6% về lượng và tăng 49,3% về trị giá so với cùng kỳ), Hàn Quốc (khối lượng đạt 23.775 tấn, tăng 11,1%), Thổ Nhĩ Kỳ (đạt 11.926 tấn, tăng 9,9%), Đài Loan (đạt 12.506 tấn, tăng 16,9%)....
Số liệu Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 6/2024, kim ngạch xuất khẩu cao su của các doanh nghiệp đăng ký mã số thuế tại Tây Ninh đạt 39,66 triệu USD, tăng mạnh 48,7% so với tháng trước và tăng tới 43,3% so với cùng kỳ.  lũy kế 6 tháng đầu năm, Tây Ninh đã xuất khẩu cao su với kim ngạch xuất khẩu đạt 163,47 triệu USD, tăng nhẹ 10,7% so với cùng kỳ. Với kết quả này, Tây Ninh đứng vị trí thứ 4 cả nước về xuất khẩu cao su chiếm 14,8% tổng kim ngạch toàn ngành và chiếm 20,6% trong tổng số 793,57 tỷ USD của khu vực Đông Nam bộ.
6 tháng đầu năm 2024, Tây Ninh đã xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc tiếp tục với kim ngạch đạt 78 triệu USD, giảm 19,5% so với cùng kỳ. Đồng thời thị phần của Trung Quốc trong tổng kim ngạch xuất khẩu cao su của tỉnh đã giảm xuống còn 47,7% so với mức 65,6% của cùng kỳ. Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu cao su của Tây Ninh sang Campuchia-thị trường xuất khẩu lớn thứ hai đạt 22,4 triệu USD, chiếm 13,7% tổng xuất khẩu cao su của tỉnh Tây Ninh trong 6 tháng đầu năm, tăng so với mức 8,4% của cùng kỳ. Thị trường Ấn Độ cũng là thị trường có kim  ngạch tăng mạnh đến 2,1 lần so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 20,36 triệu USD.
Ngoài ra, xuất khẩu cao su của tỉnh Tây Ninh sang nhiều thị trường khác cũng tăng rất mạnh trong 6 tháng đầu năm 2024 như Hàn Quốc (đạt 13,86 triệu USD, tăng 90%), Nga (đạt 5,17 triệu USD, tăng 23,1%), Mỹ (đạt 3,37 triệu USD, tăng 48%)…
Nhu cầu lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam đã giảm liên tiếp trong 3 tháng trở lại đây so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc đang có xu hướng chậm lại và điều này dự kiến sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu cao su của nước ta trong thời gian tới.
Nhu cầu yếu từ Trung Quốc cũng khiến giá cao su thế giới trở lại trong thời gian gần đây, mặc dù vậy mặt bằng giá cao su được dự báo sẽ vẫn cao hơn cùng kỳ năm ngoái trong thời gian tới do thiếu hụt nguồn cung toàn cầu.
Theo dự báo của Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), tình trạng thiếu hụt nguồn cung cao su tự nhiên trên toàn cầu trong năm nay có thể lên tới 1,24 triệu tấn. Bên cạnh đó, ANRPC thì người dân trồng cao su tại nhiều nước, đặc biệt là ở các nước sản xuất cao su truyền thống như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, tiếp tục cho thấy tín hiệu chưa sẵn sàng mở rộng diện tích vùng trồng trở lại.
Đồng thời, điều kiện khí hậu kém thuận lợi trong giai đoạn El Nino chuyển sang pha La Nina cùng với bệnh rụng lá đang tác động tiêu cực đến nguồn cung cao su toàn cầu. ANRPC cảnh báo tình trạng thiếu hụt nguồn cung cao su tự nhiên trên toàn cầu có thể kéo dài tới năm 2028 với mức thiếu hụt rơi vào khoảng 600-800.000 tấn/năm.

Tác giả: quản trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây