Tình hình hoạt động thương mại biên giới 3 tháng đầu năm 2020 của tỉnh Tây Ninh

Thứ hai - 13/04/2020 23:00 1.543 0
3 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 216,13 triệu USD giảm 20% so cùng kỳ (268,59 triệu USD)

I. TÌNH HÌNH THƯƠNG MẠI BIÊN GIỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH 3 THÁNG ĐẦU NĂM 2020.

1. Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu và trị giá mua, bán trao đổi hàng hóa của doanh nghiệp, cư dân biên giới.

a) Kim ngạch xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu của doanh nghiệp.

- 3 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 216,13 triệu USD giảm 20% so cùng kỳ (268,59 triệu USD). Trong đó, xuất khẩu đạt 111,66 triệu USD tăng 26% so cùng kỳ (88,59 triệu USD), nhập khẩu 104,48 triệu USD giảm 42% so cùng kỳ (180,01 triệu USD).

Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa với Campuchia của các doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh 3 tháng đầu năm 2020 đạt 53,53 triệu USD chiếm 24,77% tổng kim ngạch XNK qua các cửa khẩu, giảm 44% so với cùng kỳ (95,85 triệu USD). Trong đó, xuất khẩu đạt 2,94 triệu USD tăng 37% so cùng kỳ (2,15 triệu USD), nhập khẩu đạt 50,59 triệu USD giảm 46% so cùng kỳ (93,70 triệu USD).

- Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: hàng hóa do phía Việt Nam sản xuất: xi măng, túi nhựa, bã mì, bột cá, cá hộp, chất tẩy, cám các loại, thức ăn cho heo, gà vịt, hóa chất, dầu ăn, hàng tạp hóa, rau củ quả các loại…; Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: củ mì tươi, mì lát khô, gỗ điều xẻ, gỗ tạp, cao su thiên nhiên, gỗ các loại, hạt điều tươi chưa bóc vỏ, mía…

b) Trị giá mua, bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu của cư dân
biên giới.

Tổng trị giá mua, bán, trao đổi của cư dân biên giới 3 tháng đầu năm 2020 đạt 2,27 triệu USD tăng 129% so cùng kỳ (0,99 triệu USD). Trong đó, trị giá bán: 2,25 triệu USD tăng 133% so cùng kỳ (0,96 triệu USD),
trị giá mua: 0,026 triệu USD giảm 14% so cùng kỳ (0,03 triệu USD).

Mặt hàng mua, bán chủ yếu của cư dân biên giới: rau củ quả, hàng tạp hóa, xi măng, Ván ép, Dầu chai nước, Than củi...

2. Khu kinh tế cửa khẩu.

a) Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài.

Hiện tại, Khu Thương mại-Công nghiệp Mộc Bài chỉ còn duy nhất Công ty cổ phần thương mại Sài Gòn Tây Nam hoạt động mua bán hàng hóa với các mặt hàng chủ yếu là dầu ăn, sữa các loại, nước giải khát, cá hộp, linh kiện máy tính và bánh kẹo các loại….

Công ty TNHH Thương mại Thế Kỷ Vàng kinh doanh bán hàng miễn thuế tại Trạm Kiểm soát Liên hợp cửa khẩu quốc tế Mộc Bài đã xin tạm dừng hoạt động bán hàng tại cửa hàng miễn thuế trong đợt dịch Covid-19.

b) Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát.

Hoạt động thương mại tại khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát tập trung chủ yếu là xuất nhập khẩu hàng hóa còn thương mại và dịch vụ tại chỗ chưa phát triển.

c) Tình hình thu phí đối với phương tiện ra, vào cửa khẩu.

3 tháng đầu năm 2020, tổng thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng đối với phương tiện ra, vào 02 cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài, Xa Mát) và cửa khẩu chính Chàng Riệc đạt: 58,03 tỷ đồng. Trong đó,

Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài thu 46,515 tỷ đồng (doanh thu phí đối với phương tiện quá cảnh 39,228 tỷ đồng) đạt 14,39% so với chỉ tiêu được giao năm 2020 là 323,1 tỷ đồng.

Cửa khẩu quốc tế Xa Mát thu 9,092 tỷ đồng (doanh thu đối với phương tiện quá cảnh 4,541 tỷ đồng) đạt 25,25% so với chỉ tiêu được giao trong năm 2020 là 36 tỷ đồng.

Cửa khẩu Chàng Riệc thu 2,627 tỷ đồng đạt 16,42% so với chỉ tiêu được giao năm 2020 là 16 tỷ đồng.

3. Mạng lưới chợ và trung tâm thương mại.

Toàn tỉnh hiện có 20 chợ đang hoạt động/22 chợ/14 xã biên giới (còn 06 xã chưa có chợ là Tân Hòa, Tân Bình, Long Khánh, Long Phước, Phước Chỉ và Hòa Hội). Cụ thể, Chợ biên giới: 15 chợ, Chợ liên xã: 03 chợ, chợ cửa khẩu: 03 chợ (có 02 chợ ngưng hoạt động là chợ Vạc Sa và Chàng Riệc) và 01 chợ Khu dân cư.

Hàng hóa trao đổi của cư dân ở các chợ biên giới: hàng Việt Nam gồm đồ dùng gia đình bằng nhôm, nhựa gia dụng, mì ăn liền, dầu ăn, trái cây, bột giặt, vật liệu xây dựng,…; hàng của cư dân Campuchia gồm mì (sắn) lát, mì tươi, hạt điều nguyên liệu, đậu các loại, lúa gạo.… 

4. Xuất nhập cảnh qua biên giới.

- Tổng số xuất, nhập cảnh 3 tháng đầu năm 2020: 127.563 lượt người giảm 76% so cùng kỳ (538.561 lượt người). Trong đó, xuất cảnh 65.353 lượt người giảm 75% so cùng kỳ (260.388 lượt người), nhập cảnh 62.210 lượt người giảm 784% so cùng kỳ (277.973 lượt người).

- Xuất, nhập cảnh vùng biên giới 3 tháng đầu năm 2020: 146.947 lượt người tăng 35% so cùng kỳ (109.091 lượt người). Trong đó, xuất cảnh 72.487 lượt người tăng 85% so cùng kỳ (39.152 lượt người), nhập cảnh 74.460 lượt người  tăng 6% so cùng kỳ (69.939 lượt người).

6. Công tác kiểm dịch y tế biên giới, kiểm tra giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm nhập khẩu qua các cửa khẩu.

Hiện nay công tác kiểm dịch y tế đang triển khai hoạt động tại 07 cửa khẩu trên địa bàn tỉnh: cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài, Xa Mát), cửa khẩu chính (Kà Tum, Chàng Riệc, Phước Tân) và cửa khẩu phụ (Vạc Sa, Tống Lê Chân).

a) Công tác kiểm dịch y tế biên giới.

Trong 03 tháng đầu năm 2020, ngành Y tế đã thực hiện các nội dung sau:

- Tăng cường phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân như: các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa như bệnh tay chân miệng, sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thuỷ đậu, các bệnh cúm, tiêu chảy, liên cầu lợn, ...

- Tăng cường thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định của Bộ Y tế và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh đối với công tác phòng, chống dịch bệnh do vi rút Covid-19; Chủ động kiểm tra, giám sát tất cả các đối tượng phải kiểm dịch y tế qua các cửa khẩu, nhằm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Tăng cường công tác kiểm tra sức khỏe đối với hành khách xuất, nhập, quá cảnh từ vùng dịch hoặc đi qua vùng dịch, kịp thời phát hiện các trường hợp nghi ngờ dịch bệnh ngay tại các cửa khẩu. Kịp thời phát hiện các trường hợp nghi ngờ bệnh dịch, có biện pháp cách ly, xử lý theo quy định của Bộ Y tế.

- Thực hiện các kỹ thuật xét nghiệm nhanh tại cửa khẩu nhằm phát hiện các tác nhân gây bệnh như hóa chất độc hại, phẩm màu, nấm mốc…trong thực phẩm và các xét nghiệm khác liên quan đến công tác kiểm dịch y tế.

- Thực hiện hoạt động giám sát đối với các bệnh truyền nhiễm, các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng theo quy định của pháp luật.

- Kiểm tra hành khách nhập cảnh: 121.161 lượt người, Kiểm tra hành khách xuất cảnh: 148.495 lượt người.

- Tổng số bệnh nhập cảnh: 289 ca.     

- Số ca bệnh phải kiểm dịch là 34 ca, trong đó, 18 ca nghi ngờ cúm, 16 ca nghi ngờ Covid-19 và đã xử lý cách ly.

- Kiểm tra y tế đối với thi hài xuất cảnh: 01 thi hài.

- Kiểm tra y tế đối với thi hài nhập cảnh: 01 thi hài.

- Kiểm tra y tế hài cốt liệt sĩ nhập cảnh: 22 bộ hài cốt liệt sĩ.

- Tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý y tế theo quy định đối với phương tiện vận tải, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam qua các cửa khẩu trên đại bàn tỉnh Tây Ninh. Kết quả: Phương tiện vận tải: giám sát: 63.316 lượt (kiểm tra: 61.339 lượt, xử lý: 22.270 lượt); Hàng hóa nhập khẩu: giám sát: 491.868,78 tấn, kiểm tra: 448.318,78  tấn, xử lý: 0; xử lý y tế khu vực cửa khẩu: 04 lần.

- Phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện các biện pháp xử lý y tế đối với các thực phẩm bị nhiễm độc, nhiễm khuẩn, các hóa chất bảo vệ thực vật tồn dư trong thực phẩm.

b) Công tác kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm nhập khẩu qua các cửa khẩu.

- Thực hiện kiểm tra hàng hóa nhập khẩu: 448.318,78  tấn (hàng nông sản, hàng thực phẩm, hàng hóa khác).

- Kiểm tra thực phẩm xách tay nhập qua cửa khẩu: tổng cộng 82 lần, trong đó thực hiện test xét nghiệm nhanh: 10 lần. Cụ thể:

+ Lấy mẫu và test nhanh phẩm màu: 05 lần (lạp xưởng, khô cá lóc, tương ớt).

+ Lấy mẫu và test nhanh hàn the: 05 lần (lạp xưởng, khô cá lóc, bò viên).

* Kết quả đều đạt, không phát hiện hàn the, phẩm màu độc hại trong các mẫu thực phẩm đã được xét nghiệm.

7. Công tác chống buôn lậu, vận chuyển hàng gian, hàng giả qua biên giới.

a) Kết quả công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ, xử lý của các lực lượng chức năng

3 tháng đầu năm 2020, lực lượng chức năng và Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thành phố phát hiện và bắt giữ 359 vụ/245 đối tượng, tang vật vi phạm trị giá khoảng 8.101,59 triệu đồng.

Hàng hóa vi phạm chủ yếu: Thuốc lá điếu: 120.553 bao, rượu ngoại: 432 chai, đường cát: 11.338 kg, mỹ phẩm 938  hộp, ma túy tổng hợp: 2.360 gam, pháo hoa: 13,49 kg, khẩu trang y tế: 1.466.379 cái…

b) Công tác xử lý hành chính

3 tháng đầu năm 2020, lực lượng chức năng đã xử lý vi phạm hành chính tổng cộng: 251 vụ. Tổng số tiền thu ngân sách: 4.916,16 triệu đồng. Trong đó: Phạt tiền: 4.720,16 triệu đồng; tiền bán hàng thanh lý: 196 triệu đồng

- Trị giá hàng hóa tịch thu trong kỳ ước khoảng: 4.252,68 triệu đồng.

c) Công tác xử lý hình sự

03 tháng đầu năm 2020, các lực lượng khởi tố 13 vụ/17 đối tượng về hành vi mua bán trái phép chất ma tuý, pháo nổ và vận chuyển khẩu trang trái phép qua biên giới.

8. Công tác phát triển hạ tầng giao thông biên giới.

a) Dự án đường huyện 12 xã Biên Giới, huyện Châu Thành.

Quy mô đầu tư: Tổng chiều dài tuyến là 5,557Km. Điểm đầu giao với  đường ĐH.7, điểm cuối giáp sông Vàm Cỏ tại Bến Băng Dung. Chiều rộng mặt đường 5,5m đắp sỏi đỏ, lề đường 1mx2 bên = 2m, tổng chiều rộng nền đường 7,5m. Làm mới cầu BTCT bắc qua kênh Biên Giới sử dụng dầm 33m, mặt cắt chữ I bằng bê tông cốt thép dự ứng lực, mặt cầu rộng 7m, lan can và gờ chắn 1,0m x 02 bên, tổng bề rộng cầu 9,0m. Tổng mức đầu tư dự án là 14.904.459.000 đồng.

- Tiến độ thực hiện: Đã thi công hoàn thiện bản mặt cầu, đang thi công  lắp đặt lan can cầu và đắp đất đường vào cầu; Đắp đất cấp II nền đường đoạn Km2+970 đến Km5+557 được 24.000m3/24.000m3. Dự kiến hoàn thành nghiệm thu đưa công trình vào khai thác sử dụng ngày 30/4/2020.

b) Dự án đường ra Biên giới thuộc xã Ninh Điền, huyện Châu Thành.

- Quy mô đầu tư: Tổng chiều dài tuyến đường là 13,535 km. Điểm đầu giao với đường tỉnh ĐT.796 (Xóm mía), điểm cuối giao với đường Tuần tra biên giới  khu vực làng Thanh niên lập nghiệp dài 8,998Km và 03 tuyến nhánh: đường vào trung tâm xã Ninh Điền dài 3,876Km, đường vào đồn Biên phòng 845 dài 0,392Km, đường vào trường Mẫu giáo dài 0,269Km. Mặt đường láng nhựa rộng 7m, lề đường đắp sỏi đỏ rộng 1m x 02 bên, tổng bề rộng nền đường 9,0m. Tổng mức đầu tư là 110.048.637.000 đồng, thời gian thực hiện dự án năm 2019 - 2023.

- Tiến độ thực hiện: Đã ban gạt và đảm bảo giao thông trên toàn tuyến xong; Đang triển khai thi công đắp sỏi đỏ bù phụ nền đường lớp 01 được 7,5Km/10,30Km và  lớp 2 hoàn thiện được 6,5Km/10,30Km; Thi công lắp đặt cống ngang đường được 05/10 cống, hoàn thiện cống dọc được 02/02 cống và đang thi công tường đầu tường cách; Đã thi công xong thân, nắp và tường đầu cống hộp 2x3mx3m ngang đường đoạn 02 và đang thi công tường cánh cống; Gia công cốt thép và đổ bê tông các đốt mương dọc tại bãi.

c) Dự án nâng cấp, mở rộng ĐT.793 – ĐT.792 (đoạn từ ngã tư Tân Bình đến cửa khẩu Chàng Riệc).

- Quy mô đầu tư: Điểm đầu tại ngã tư Tân Bình thuộc địa bàn thành phố Tây Ninh, điểm cuối tại cửa khẩu Chàng Riệc thuộc địa bàn huyện Tân Biên, tổng chiều dài tuyến là 45,482Km. Phần đường: Mặt đường bê tông nhựa 11m, chiều rộng nền đường 12,00m. Phần cầu: Cầu Suối Núc dài 25,34m; Cầu Kênh Tân Hưng dài 25,34m; Cầu Suối Ky chiều dài 10,7m. Cầu 16 dài 25,34m. Tổng mức đầu tư là 669.344.991.000 đồng, thời gian thực hiện dự án năm 2019 - 2022.

- Tiến độ thực hiện:

+ Gói thầu số 01 (ĐT.793 - từ Km0+00 đến Km24+00): Hoàn thiện thảm BTN bù vênh mặt đường và cống ngang đường. Đang thi công đào mở rộng nền đường và đắp sỏi đỏ; Đắp sỏi đỏ hoàn thiện và ra đá 4x6 lớp 4 bên trái tuyến được 2,8Km/24Km; cầu Suối Núc đã thi công khoan cọc thử mố M1 và hoàn thiện lan can cầu bên trái; cầu kênh Tân Hưng đã thi công hoàn thiện cọc khoan nhồi mố M2 và hoàn thiện lan can cầu bên trái; cầu Suối Ky đã thi công hoàn thiện cọc khoan nhồi mố M1, M2 và hoàn thiện lan can cầu bên phải.

+ Gói thầu số 02 (ĐT.973  từ Km24+00 đến Km40+44,84 và ĐT.792 từ Km0+00 đến Km1+600): Trái tuyến: Đắp sỏi đỏ nền đường được 2,6Km/21,8Km; đang ra đá lớp 1 được 2,6Km/21,8Km.

+ Gói thầu số 8 (cầu 16 và ĐT.792 Km1+600 – cửa khẩu Chàng Riệc): Phải tuyến: Đắp sỏi đỏ nền đường lớp 1 được 1,7Km/3,8Km.

d) Dự án đường 781 từ thị trấn Châu Thành đến cửa khẩu Phước Tân: Dự án đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt dự án đầu tư số 2368/QĐ-UBND ngày 31/10/2019. Hiện nay, Ban QLDA đang tiến hành công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công – dự toán.

9. Công tác chỉ đạo điều hành hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh người và phương tiện qua lại biên giới trong tình hình dịch bệnh COVID-19.

- Sở Công Thương thông báo đến doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân trên địa bàn tỉnh tham gia hoạt động hỗ trợ đầu tư, hợp tác sản xuất tại các tỉnh giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia niên vụ 2019-2020 danh sách các lối mở được phép vận chuyển nông sản sau thu hoạch về Tây Ninh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân trong thời gian diễn ra dịch COVID-19; Bổ sung tuyến đường ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành vào danh sách các tuyến đường vận chuyển nông sản sau thu hoạch về Tây Ninh niên vụ 2019-2020 trong thời gian diễn ra dịch COVID-19.

- BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh tham mưu UBND tỉnh tạm dừng hoạt động qua lại cửa khẩu phụ, lối mở qua biên giới tỉnh Tây Ninh trong thời gian 30 ngày, bắt đầu từ ngày 19/3/2020 do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

- Trước các diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, cả Việt Nam và Campuchia đã bắt áp dụng các biện pháp chặt chẽ hơn tại cửa khẩu biên giới đất liền như việc phía Campuchia tạm thời đóng cửa biên giới với Việt Nam nhằm phòng ngừa sự lây lan của dịch COVID-19. Từ đây, đã bắt đầu phát sinh hiện tượng ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận chuyển tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài khiến việc thông quan hàng hóa gặp khó khăn do các tài xế không thể qua lại biên giới (do sợ cách ly hoặc không được nhập cảnh). Để vừa thống nhất triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý, phòng chống dịch bệnh, vừa tránh những tác động tiêu cực đối với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, ngày 19/3/2020, UBND tỉnh Tây Ninh đã tổ chức họp với các Sở, ngành liên quan của Việt Nam và Campuchia để giải quyết vấn đề xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu Mộc Bài trong, theo đó, thống nhất 03 phương án sau để doanh nghiệp lựa chọn để triển khai thực hiện trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, cụ thể:

Phương án 1: Tài xế vận chuyển hàng hóa phải mặc đồ bảo hộ (theo tiêu chuẩn quy định tại Công văn số 829/BYT-MT ngày 21/02/2020 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn kiểm dịch y tế biên giới phòng chống COVID-19 đối với phương tiện và người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa) qua các địa điểm sang hàng của 2 bên, đảm bảo không tiếp xúc với các nguồn có khả năng lây bệnh, quay về quốc gia mình xử lý tiêu hủy đồ bảo hộ, phương tiện vận tải được cơ quan y tế phun trùng, sát khuẩn; tài xế được kiểm tra y tế tại cửa khẩu, không cách ly tập trung.

Phương án 2: Tài xế 2 nước đến cột mốc biên giới 171, đổi tài không tiếp xúc, tài xế Việt Nam trước khi nhận phương tiện vận tải trở về Việt Nam được kiểm tra y tế tại cửa khẩu, không cách ly tập trung; phương tiện vận tải được cơ quan y tế phun trùng, sát khuẩn trước khi đổi tài xế.

Phương án 3: Hàng hóa giao nhận tại cột mốc biên giới 171, đổi phương tiện của nước giao hàng chuyển sang phương tiện của nước nhận hàng, khi quay về Việt Nam được cơ quan y tế phun trùng, sát khuẩn; tài xế vận chuyển được kiểm tra y tế tại cửa khẩu, không cách ly tập trung.

10. Công tác khác

- Sở Công Thương thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình xuất nhập khẩu qua biên giới của tỉnh để kịp thời báo cáo UBND tỉnh, Bộ Công Thương để có chỉ đạo kịp thời; Xin ý kiến UBND tỉnh về tổ chức buổi làm việc giữa Sở Thương mại tỉnh Tboung Khmum và Sở Công Thương Tây Ninh tại Tây Ninh theo đề nghị của Giám đốc Sở Thương mại tỉnh Tboung Khmum.

- Sở Công Thương, Cục Hải quan, Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Y tế, BCH Biên phòng tỉnh thực hiện công tác xác nhận phương tiện, kiểm tra, giám sát việc hỗ trợ đầu tư, hợp tác sản xuất nông sản tại các tỉnh giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia và vận chuyển nông sản sau thu hoạch về Tây Ninh niên vụ 2019-2020.

- Sở Ngoại vụ tham mưu UBND tỉnh tổ chức sơ kết 01 năm thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh Tây Ninh và Ban Hành chính tỉnh Tboung Khmum và Kampong Cham. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp nên UBND tỉnh đang tạm hoãn; Tham mưu UBND tỉnh báo cáo nhu cầu cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thiết yếu và bố trí nhân sự tại cửa khẩu quốc tế Tân Nam chuẩn bị tổ chức Lễ công bố cửa khẩu quốc tế Tân Nam.

II. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Thuận lợi

- Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ Công Thương trong hoạt động thương mại biên giới; sự phối hợp quản lý cửa khẩu của các cơ quan chính quyền phía Việt Nam và phía Campuchia trong các hoạt động quản lý, kiểm tra, giám sát và tham mưu xử lý các vấn đề phức tạp nảy sinh trên tuyến biên giới nhằm đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội, tạo môi trường ổn định cho cư dân biên giới yên tâm buôn bán, trao đổi hàng hóa, thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới, góp phần phát triển đời sống cư dân khu vực biên giới.

- Chính phủ đồng ý nâng cấp cửa khẩu phụ Tân Nam (xã Tân Bình, huyện Tân Biên) lên thành cửa khẩu quốc tế; nâng cấp cửa khẩu phụ Phước Tân lên thành cửa khẩu chính góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi qua biên giới giữa Việt Nam và Campuchia.

 - Hoạt động hỗ trợ đầu tư, hợp tác sản xuất nông sản với các tỉnh giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cư dân tỉnh Tây Ninh góp phần khuyến khích sản xuất, giải quyết việc làm và cải thiện đời sống cho người lao động và giữ vững an ninh quốc phòng khu vực biên giới.

2. Khó khăn

- Dịch bệnh COVID-19 đã gây một số khó khăn như sau:

+ Ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới làm cho kim ngạch xuất, nhập khẩu qua biên giới, các chỉ tiêu về tổng số thu và thuế qua lại cửa khẩu (thuế xuất nhập khẩu, phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng đối với phương tiện ra, vào cửa khẩu...).

+ Tình trạng ách tắc giao thông, tồn đọng hàng hóa xuất khẩu tại cửa khẩu Mộc Bài (đoạn từ ngã tư cửa khẩu đến Trạm Kiểm soát Liên hợp Mộc Bài) vẫn còn tiếp diễn do doanh nghiệp vẫn chưa lựa chọn được phương án xuất nhập khẩu hàng hóa phù hợp đối với doanh nghiệp mình.

+ Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên tuyến các huyện biên giới có chiều hướng gia tăng nhất là mặt hàng khẩu trang y tế. Lợi dụng tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 các đối tượng buôn lậu, mua bán vận chuyển trái phép khẩu trang y tế từ Việt Nam qua các đường mòn, lối mở để xuất lậu sang Campuchia tiêu thụ nhằm trục lợi.

+ Các Sở, Ngành đã hạn chế các lối mở (từ 9 lối mở theo Quyết định số 2626/QĐ-UBND ngày 02/12/2019 của UBND tỉnh xuống còn 06 lối mở) cho phép doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân tỉnh Tây Ninh hỗ trợ đầu tư, hợp tác sản xuất tại các tỉnh giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia và vận chuyển nông sản sau thu hoạch về Tây Ninh niên vụ 2019-2020 đã làm giảm năng suất của nông sản và tăng thêm chi phí vận chuyển.

- Do đặc điểm tình hình đường biên giới tương đối dài khoảng 243 km với nhiều cửa khẩu, đường mòn trải dài trên toàn tuyến trong khi đó lực lượng trực tiếp làm công tác phòng ngừa, đấu tranh các hành vi xâm phạm hoạt động thương mại biên giới, buôn lậu ít nên còn khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa, phương tiện qua lại biên giới.

- Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn vẫn còn diễn biến phức nhất là buôn lậu, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới với phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi như ngụy trang, cất giấu trong hàng hóa, hành lý xuất nhập, tìm cách vô hiệu quá chức năng của máy soi, chó nghiệp vụ để tránh sự phát hiện của các lực lượng chức năng.

- Các đối tượng lợi dụng các khu vực cửa khẩu phụ, lối mở để vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới nhằm trốn tránh sự kiểm tra, giám sát và kiểm soát của các lực lượng chức năng; sử dụng phương tiện chuyên chở hàng lậu là ghe máy, xe mô tô có phân khối lớn chạy với tốc độ cao, gây khó khăn trong đấu tranh, ngăn chặn.

- Phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác còn thiếu nên chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống các hoạt động vi phạm thương mại biên giới.

Phòng KHTH - SCT


  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây