Hoạt động xuất, nhập khẩu tỉnh Tây Ninh tháng 4 năm 2020

Thứ bảy - 25/04/2020 01:00 1.988 0
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 4 ước tính đạt 658,2 triệu USD, giảm 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 2.295,3 triệu USD, tăng 1,6%, trong đó xuất khẩu đạt 1.293 triệu USD, tăng 22,8%; nhập khẩu đạt 1.205,6 triệu USD, giảm 16,9%.

Kinh tế - xã hội nước ta những tháng đầu năm 2020 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Cộng đồng chung châu Âu đang chứng kiến tình trạng suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế; giá dầu thô giảm mạnh do căng thẳng giữa A-rập Xê-út và Liên bang Nga, căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Mỹ và Iran, cùng với biến đổi khí hậu và đặc biệt là dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) bùng phát mạnh trên toàn cầu đã tác động tiêu cực đến kinh tế của các quốc gia trên thế giới. Diễn biến của dịch Covid-19 đang tiếp tục có những diễn biến nhanh, phức tạp và ngày càng nghiêm trọng.

Dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc từ cuối tháng 1/2020 đến nay đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động thương mại của tỉnh. Xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh trong ngắn hạn dự báo sẽ có nhiều khó khăn với những yếu tố bất lợi do diễn biến tình hình dịch bệnh đang có dấu hiệu lây lan mạnh bên ngoài Trung Quốc, đặc biệt là tại các nước châu Âu và Hoa Kỳ - những đối tác thương mại hàng đầu của tỉnh.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 4 ước tính đạt 658,2 triệu USD, giảm 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 2.295,3 triệu USD, tăng 1,6%, trong đó xuất khẩu đạt 1.293 triệu USD, tăng 22,8%; nhập khẩu đạt 1.205,6 triệu USD, giảm 16,9%. Mặc dù trước mắt còn nhiều khó khăn, nhưng kết quả này cho thấy hiệu quả của các biện pháp ứng phó và quyết tâm của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, UBND cấp huyện cũng như cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội biến "nguy thành cơ" như thông điệp mạnh mẽ được Thủ tướng Chính phủ đưa ra.

Tình hình xuất khẩu

Tháng 4 năm 2020, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 317,8 triệu USD, so tháng trước giảm 3,9%; (giảm 9,2% so với tháng cùng kỳ năm trước). Luỹ kế, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.293 triệu USD, tăng 22,8% so với cùng kỳ, ước đạt 30,5% so với kế hoạch năm 2020.

* Về xuất khẩu theo nhóm hàng

Biểu đồ: Tỷ lệ KNXK chia theo nhóm hàng

Ty le Kim ngach XK T42020.jpg


- Nhóm hàng nông, lâm, thủy sản

Kim ngạch xuất khẩu tháng 4 năm 2020 nhóm hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt 15 triệu USD, tăng 32% so với tháng trước, giảm 24% so với tháng cùng kỳ; chiếm 4,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Lũy kế, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt 45,6 triệu USD, giảm 15% so với cùng kỳ.

Với tác động của dịch Covid-19, hầu hết các sản phẩm nông sản đều có kim ngạch sụt giảm so với cùng kỳ. Vào thời điểm đầu tháng 2, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Trung Quốc, giao dịch thương mại với Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ đất liền gần như đình trệ. Với sự chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ và xử lý sát sao của Bộ Công Thương và các Bộ ngành, địa phương, hoạt động giao dịch qua các cửa khẩu đường bộ với Trung Quốc đã từng bước được tháo gỡ. Hoạt động xuất nhập khẩu tại một số cửa khẩu biên giới Việt Trung đã trở lại bình thường, tiến độ thông quan tích cực hơn thời điểm đầu tháng 2 nhưng vẫn còn khó khăn do lực lượng bốc xếp của phía Trung Quốc còn mỏng. Trong khi đó, xuất khẩu sang các thị trường châu Âu và Hoa Kỳ gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đang lan rộng tại các nước này.

Những mặt hàng bị tác động trực tiếp bởi Covid-19 có: Rau quả kim ngạch giảm 84,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 48,2%), thủy sản giảm 96,6% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng gấp 5 lần), cao su giảm 45,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 42%), sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 54% so với tháng trước và giảm 81,5% so với cùng kỳ.

- Nhóm hàng công nghiệp chế biến

 Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 291,5 triệu USD, giảm 6,6% so với tháng trước (giảm 5,3% so với tháng cùng kỳ năm trước ), chiếm tỷ trọng 91,7% so với tổng kim ngạch xuất khẩu. Luỹ kế, ước đạt 1.209,4 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ.

Đối với các mặt hàng công nghiệp chế biến, nguồn cung ứng nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu Trung Quốc. Đến nay, việc đứt gãy nguồn cung cơ bản được giải quyết, thì xuất khẩu Việt Nam hiện đang phải đối mặt với việc đứt gãy cầu khi nhu cầu tiêu thụ sụt giảm do dịch bệnh Covid -19 đã lan rộng sang các nước châu Âu và Hoa Kỳ là những nước đối tác xuất khẩu lớn của tỉnh. Cụ thể:

Đối với dệt may: xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại giảm 32,7% so với tháng trước, tăng 35,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 78,7%); vải các loại giảm 9,4% so tháng trước, giảm 3,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 56,1%); hàng dệt và may mặc giảm 26,5% so với tháng trước, giảm 6% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 7,5%).

Đối với da giày: xuất khẩu giầy, dép các loại giảm 0,4% so tháng trước, giảm 18,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 24,9%).

- Nhóm hàng hoá khác: Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 11,3 triệu USD, tăng 52,3% so với tháng trước (giảm 49,8% so với tháng cùng kỳ năm trước). Luỹ kế, ước đạt 37 triệu USD, giảm 46,5% so với cùng kỳ.

Biểu đồ: Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ yếu tháng 4 năm 2020

XK hang chu yeu T42020.jpg


- Về thị trường xuất khẩu

Biểu đồ: Tỷ lệ KNXK hàng hóa tháng 4 năm 2020 đến từng thị trường

Ty le Kim ngach NK T42020.jpg


Trong tháng 4 năm 2020, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của tỉnh với kim ngạch đạt 90,1 triệu USD, giảm 3,4% so với tháng trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 45,2 triệu USD, tăng 2,7%, thị trường ASEAN đạt 40,2 triệu USD, giảm 18,3%. Thị trường EU đạt 21,2 triệu USD, giảm 6,2%. Nhật Bản đạt 18,1 triệu USD, giảm 3,5%. Hàn Quốc đạt 7,5 triệu USD, giảm 13,2%.

Đối với các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản: cả xuất khẩu và nhập khẩu dần phục hồi trong tháng 3 do bối cảnh tình hình dịch bệnh tại các nước này đang dần được kiểm soát.

Đối với thị trường Đông Nam Á: tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn vào thời điểm tháng 3 nên đã có ảnh hưởng tới xuất khẩu hàng hóa của tỉnh. Tháng 4 năm 2020, xuất khẩu sang thị trường Thái Lan giảm 21,8% so với tháng trước (tháng 3 tăng 29,5%); Campuchia giảm 13,2% so với tháng trước (tháng 3 tăng 26,3%).

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 tại các khu vực châu Âu, Hoa Kỳ, ASEAN, Trung Đông đang có chiều hướng gia tăng, việc các nước áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian tới.

  Từ tháng 3, toàn cầu bước vào giai đoạn đại dịch với mức độ lây lan nhanh nguy hiểm. Hiện nay, do dịch bệnh, Chính phủ các quốc gia đang ban hành những biện pháp kiểm soát dịch bệnh như tạm đóng cửa xuất nhập cảnh, hạn chế tụ tập, mua sắm đông người, hạn chế hoạt động của các Trung tâm thương mại... khiến nhu cầu mua bán hàng hóa dệt may và giày dép tại nhiều thị trường giảm. Hiện tại, xu hướng chính của các đối tác là giãn thời gian giao hàng trong tháng 3, hoãn đơn hàng trong tháng 4, 5 và tạm chưa đàm phán đơn hàng từ tháng 6 trở đi (thông thường hàng năm, thời gian này đã là thời gian hai bên ngồi đàm phán cho các đơn hàng cuối năm). Chính lý do này, đã khiến các mặt hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ đang hứng chịu tác động kép từ dịch Covid-19 do nguồn nguyên liệu sản xuất vừa mới được cải thiện từ đầu tháng 3, nhưng nay lại gặp khó khăn ở thị trường đầu ra, đặc biệt EU và Mỹ là hai thị trường xuất khẩu chủ lực của tỉnh.

Tình hình nhập khẩu

Tháng 4 năm 2020, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 340,4 triệu USD, tăng 64% so với tháng trước (giảm 27,5% so với tháng cùng kỳ).

Tính chung 4 tháng, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.002,3 triệu USD, giảm 19,6% so với cùng kỳ (đạt 34,7% so với kế hoạch). Xuất khẩu chậm lại cũng kéo theo kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cũng giảm. Một số mặt hàng có giá trị kim ngạch nhập khẩu lớn có kim ngạch giảm: vải các loại đạt 76,3 triệu USD, giảm 20,8%; nguyên phụ liệu dệt may, da, giày ước đạt 76,6 triệu USD, giảm 4,8%; Bông các loại ước đạt 88 triệu USD, giảm 20,8%; sắn và các sản phẩm từ sắn ước đạt 53,6 triệu USD, giảm 19,4%. Riêng mặt hàng máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng ước đạt 164,4 triệu USD, tăng 24%; xơ, sợi dệt các loại đạt 85 triệu USD, tăng 14,1%.

* Về nhóm hàng nhập khẩu:

- Nhóm hàng cần nhập khẩu: kim ngạch nhập khẩu ước đạt 316,3 triệu USD, tăng 65% về số tương đối và tăng 169,6 triệu USD về số tuyệt đối so với tháng trước (giảm 27,5% so với tháng cùng kỳ), chiếm 92,9% so với tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong đó tăng mạnh ở các nhóm hàng như: nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may da giày tăng 31,7 triệu USD; máy móc thiết bị dụng cụ & phụ tùng tăng 25,8 triệu USD; sản phẩm từ hóa chất tăng 44 triệu USD; chất dẻo nguyên liệu tawg 4 triệu USD;...

Lũy kế, ước đạt 936 triệu USD, giảm 19,6% so với cùng kỳ, chiếm 93,4% tổng kim ngạch nhập khẩu. Các mặt hàng chủ yếu tăng so với cùng kỳ như: cao su các loại tăng 27,8% (tương đương tăng 11,8 triệu USD); xơ, sợi dệt tăng 14% (tương đương tăng 10,5 triệu USD); máy móc thiết bị dụng cụ & phụ tùng tăng 24% (tương đương tăng 31,8 triệu USD). Bên cạnh đó, có một số mặt hàng biến động giảm so với cùng kỳ như: bông các loại giảm 20,8% (tương đương giảm 45,7 triệu USD); vải các loại giảm 20,9% (tương đương giảm 20 triệu USD); nguyên phụ liệu dệt may, da giày giảm 4,8% (tương đương giảm 3,9 triệu USD); sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 19,4% (tương đương giảm 12,9 triệu USD); ...

Nhóm hàng cần nhập khẩu là những mặt hàng nhập khẩu phục vụ cho nhu cầu đầu vào cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp như: Xơ, sợi dệt các loại; vải các loại; nguyên phục liệu dệt may, da, giày; cao su các loại; hóa chất; sắn và các sản phẩm từ sắn;...

- Nhóm hàng cần kiểm soát: kim ngạch nhập khẩu ước đạt 3,6 triệu USD, tăng 191,8% so với tháng trước (giảm 21,9% so với tháng cùng kỳ năm trước), chiếm tỷ trọng 1,1% so với tổng kim ngạch nhập khẩu. Luỹ kế, ước đạt 12,4 triệu USD, tăng 27,7% so với cùng kỳ.

- Nhóm hàng hoá khác ước đạt 20,5 triệu USD, tăng 40,3 % so với tháng trước (tăng 37,9% so với tháng cùng kỳ), chiếm 6% so với tổng kim ngạch nhập khẩu. Luỹ kế, ước đạt 53,9 triệu USD, tăng 69,7% so với cùng kỳ.

Biểu đồ kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu tháng 4/2020

(ĐVT: Triệu USD)

NK hang chu yeu T42020.jpg

* Về thị trường nhập khẩu:

Nhập khẩu từ khu vực Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã bắt đầu tăng trở lại từ đầu tháng 3.

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của tỉnh với kim ngạch 122,5 triệu USD, tăng 92,% so với tháng trước. Tiếp theo là thị trường ASEAN với kim ngạch nhập khẩu ước đạt 46,1 triệu USD, tăng 18,8%; trong đó thị trường Campuchia ước đạt 27,6 triệu USD, tăng 31,6%. Thị trường EU ước đạt 49,1 triệu USD, tăng gần 4 lần so với tháng trước; trong đó, thị trường Hà Lan tăng đột biến ước đạt gần 41 triệu USD, tăng gần 10 lần so với tháng trước. Hoa Kỳ ước đạt 23,6 triệu USD, tăng 43,4% với mặt hàng chủ yếu là bông các loại (15,6 triệu USD). Đài Loan ước đạt 21,4 triệu USD, tăng 21,5%. Thị trường Nhật Bản ước đạt 20,7 triệu USD tăng 175% so với tháng trước, trong đó mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc thiết bị dụng cụ & phụ tùng (ước đạt 18 triệu USD); kế đến là thị trường Brazil ước đạt 18,5 triệu USD tăng 7,3% mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là bông các loại với kim ngạch ước đạt 17,5 triệu USD. Thị trường Hàn Quốc ước đạt 14,9 triệu USD, giảm 11,6%. 

Nguồn số liệu: Cục Hải quan

(Số liệu từ ngày 08/3 đến ngày 07/4/2020)


  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây