THÔNG TIN CHÍNH SÁCH MỚI

Thứ sáu - 11/11/2016 01:00 1.550 0
Tạm ngừng nhập khẩu lạc từ Hồng Kông (Trung Quốc) và Sudan; Những nhóm hàng nông sản Việt Nam được cắt, giảm thuế sang EAEU; Việt Nam tạm ngừng nhập khẩu bột bã ngô từ Hoa Kỳ; Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN; Việt Nam- Campuchia áp dụng thuế suất 0% nhiều mặt hàng; Không khai thác hải sản tầng đáy tại vùng biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế
1. Tạm ngừng nhập khẩu lạc từ Hồng Kông (Trung Quốc) và Sudan.
60 ngày trở đi kể từ ngày 17-10, Việt Nam sẽ tạm ngừng nhập khẩu lạc từ thị trường Hồng Kông (Trung Quốc) và Sudan.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT: Từ tháng 3 đến ngày 7-10-2016, 44 container lạc, tổng khối lượng là hơn 784 tấn nhập khẩu từ Sudan và 87 container lạc với hơn 1.600 tấn lạc nhập khẩu từ Hồng Kông (Trung Quốc) vào Việt Nam qua cảng Hải Phòng bị phát hiện nhiễm mọt Trogoderma granarium Everts và Caryedon serratus Oliveier còn sống.
Đây là hai loài mọt cực kỳ nguy hiểm thuộc danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam và chưa có trên lãnh thổ nước ta.

2. Những nhóm hàng nông sản Việt Nam được cắt, giảm thuế sang EAEU
Sau đây là mức thuế đối với từng nhóm hàng nông sản:
Thủy sản: EAEU cam kết mở cửa có lộ trình với 95% dòng thuế, tối đa trong 10 năm. Ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, 71% dòng thuế đã giảm thuế NK về mức 0%...
Rau quả: Mức thuế suất thuế NK hàng hóa thuộc nhóm 0810 đã về 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực.
Cao su: 100% dòng thuế được cắt, giảm thuế NK, trong đó 97% dòng thuế đã xóa bỏ ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực.
Cà phê: Ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, thuế suất thuế NK cà phê nguyên liệu chưa rang từ Việt Nam đã giảm từ 10% xuống 0%.
Chè: Mức thuế suất thuế NK chè nguyên liệu từ Việt Nam đã giảm từ 20% xuống 0%.
Gạo: Sau khi Hiệp định có hiệu lực, mức thuế suất thuế NK gạo từ Việt Nam chỉ còn 0% đối với 10.000 tấn trong hạn ngạch (EAEU chỉ cho Việt Nam mức hạn ngạch này vì trong Liên minh có sản xuất gạo và các Chính phủ có chính sách hỗ trợ).
Đồ gỗ: 76% dòng thuế được cắt, giảm; trong đó 65% dòng về mức 0%, tối đa trong 10 năm.
 
3. Việt Nam tạm ngừng nhập khẩu bột bã ngô từ Hoa Kỳ
Ngày 17-10, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đã ký quyết định tạm ngừng nhập khẩu bột bã ngô từ Hoa Kỳ, đồng thời ký quyết dịnh tạm ngừng nhập khẩu lạc từ Sudan và Hồng Kông. Các quyết định tạm ngừng nhập khẩu này có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày ký. Việc tạm nhập khẩu bột bã ngô (Distiller's dried grains with soluble - DDGS) từ Hoa Kỳ bị tạm ngừng nhập khẩu do bị nhiễm mọt Trogoderma variabile Ballion là đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam. Riêng đối với lạc (Arachis hypogaea) từ Sudan và Hồng Kông bị tạm ngừng nhập do bị nhiễm mọt cứng đốt Trogoderma granarium Everts và mọt lạc serratus Caryedon serratus Olivier là đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam.
Cùng với hai quyết định trên, Bộ NN&PTNT giao Cục Bảo vệ thực vật kiểm dịch chặt chẽ các lô bột bã ngô nhập khẩu từ Hoa Kỳ; các lô lạc nhập khẩu từ Sudan, Hồng Kông trong thời gian quyết định tạm ngừng chưa có hiệu lực.
Bộ NN&PTNT chính thức thông báo chính thức cho cơ quan có thẩm quyền về kiểm dịch thực vật của Hoa Kỳ, Sudan, Hồng Kông biết để có biện pháp khắc phục triệt để và tổ chức kiểm tra, xác nhận biện pháp khắc phục của Hoa Kỳ, Sudan, Hồng Kông và báo cáo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.
 
4. Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN
Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư về thực hiện Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN.
Theo đó, Thông tư này quy định thực hiện Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia các hoạt động có liên quan đến xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định ATIGA.
Trước đó, vào tháng 1/2016, các nước ASEAN đã thống nhất các nội dung cần sửa đổi trong Chương Quy tắc xuất xứ của ATIGA và Ban Thư ký ASEAN trình lên Hội đồng AFTA phê duyệt giữa kỳ, gồm 2 nội dung: Danh mục các mặt hàng công nghệ thông tin theo HS 2012 và Thủ tục cấp và kiểm tra C/O được sửa đổi để áp dụng C/O mẫu D điện tử.
Để nội luật hóa những cam kết quốc tế này, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 22/2016/TT-BCT ngày 03/10/2016. Trong đó sửa đổi và bổ sung các Phụ lục IV Danh mục các mặt hàng công nghệ thông tin (ITA) theo mã HS 2012; Phụ lục VII Thủ tục cấp và kiểm tra C/O (bổ sung một số điều để áp dụng C/O mẫu D điện tử).
Ngoài ra, thời hạn lưu trữ hồ sơ (áp dụng cho cả hồ sơ giấy và dữ liệu hồ sơ điện tử) cũng được quy định 5 năm (thay vì 3 năm như quy định tại Thông tư 21/2010/TT-BCT trước đây)
Các Phụ lục khác cơ bản không thay đổi và được hợp nhất từ Thông tư số 21/2010/TT-BCT và Thông tư số 42/2014/TT-BCT. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2016.
 
5. Việt Nam- Campuchia áp dụng thuế suất 0% nhiều mặt hàng
29 mặt hàng của Việt Nam khi nhập khẩu vào Campuchia và 39 mặt hàng của Campuchia nhập khẩu vào Việt Nam được hưởng thuế suất bằng 0%. Đó là nội dung bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa hai nước vừa được ký kết sáng 26-10 tại Hà Nội, bên lề Hội nghị cấp cao ACMECS lần thứ 7, CLMV lần thứ 8 và Diễn đàn Kinh tế thế giới về khu vực Mekong.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia PAN Sorasak đã ký bản Thỏa thuận tại Trung tâm Hội nghị quốc gia dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Hun Sen.
Theo đó, phía Việt Nam được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0% áp dụng đối với 29 mặt hàng khi nhập khẩu vào thị trường Campuchia gồm sữa và kem, tinh bột sắn, sản phẩm thịt, chế phẩm từ gạo, bánh kẹo, sơn, sản phẩm nhựa, giấy, gốm sứ, sắt thép và sản phẩm sắt thép.
Ngược lại, việc dành ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu 0% cho 39 mặt hàng của Campuchia, phần lớn là nông sản nguyên liệu gồm thịt, phụ phẩm tươi sống, chanh, thóc gạo, bánh gato, lá thuốc lá nguyên liệu (theo hạn ngạch), sản phẩm nhựa, sách vở, vải dệt, xe đạp sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có nguồn nguyên liệu để thực hiện các hợp đồng xuất khẩu sang các nước khác.Việc ký kết này cũng góp phần giúp hai nước phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt mục tiêu 5 tỉ USD trong thời gian tới.
 
6. Không khai thác hải sản tầng đáy tại vùng biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế
Ngày 20/10, Bộ NN-PTNT đã ra Quyết định số 4270/QĐ-BNN-TCTS về việc giao Tổng cục Thủy sản (Cục Kiểm ngư) tăng cường phối hợp tuần tra, giám sát và vận động ngư dân không sử dụng các nghề khai thác hải sản tầng đáy tại vùng biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế trong Quý IV năm 2016.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT giao Tổng cục Thủy sản (Cục Kiểm ngư) chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Thủy sản) các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế xây dựng và phê duyệt kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện tuần tra, giám sát và vận động ngư dân không sử dụng các nghề khai thác hải sản tầng đáy tại vùng biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế trong Quý IV năm 2016.
Kinh phí triển khai thực hiện: giao Tổng cục Thủy sản cân đối sử dụng từ nguồn sự nghiệp kinh tế thủy sản đã cấp cho Cục Kiểm ngư năm 2016. Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Cục trưởng Cục Kiểm ngư và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này...

Nguồn từ Trung tâm thông tin Thương mại và Công nghiệp


  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây