Sở Công thương tỉnh Tây Ninhhttps://socongthuong.tayninh.gov.vn/uploads/logoportal.png
Thứ sáu - 13/12/2024 14:32470
Tây Ninh là tỉnh có diện tích trồng sắn (khoai mì) lớn thứ hai cả nước sau tỉnh Gia Lai. Diện tích sản xuất sắn toàn tỉnh hiện nay trên 61.000 ha, chiếm 23% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Sản lượng sắn hàng năm trên 2 triệu tấn. Năng suất bình quân đạt 33,2 tấn/ha, cao nhất cả nước. Tính đến tháng 10 năm 2024, diện tích sắn trồng mới trên địa bàn tỉnh đạt 4.639 ha, bằng 99,5% so với cùng kỳ năm 2023. Dịch khảm trên cây sắn còn 41.410 ha bị nhiễm, phần lớn ở mức độ nhiễm nhẹ, tập trung ở các huyện Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu. Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn giảm so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi, lượng sắn tồn kho cao, đang gây sức ép lên giá sắn trong nước và xuất khẩu. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 10/2024, Việt Nam xuất khẩu được 176,38 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 76,14 triệu USD, tăng 45,7% về lượng và tăng 34,2% về trị giá so với tháng 9/2024; Tuy nhiên so với tháng 10/2023 vẫn giảm 34,2% về lượng và giảm 44,1% về trị giá, đây là tháng giảm thứ 3 liên tiếp so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 10 tháng năm 2024, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 2,09 triệu tấn, trị giá 955,41 triệu USD, giảm 12,7% về lượng và giảm 7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Tính riêng mặt hàng sắn, trong tháng 10/2024, xuất khẩu sắn đạt 24,65 nghìn tấn, trị giá 6,3 triệu USD, tăng 239,7% về lượng và tăng 208,3% về trị giá so với tháng 9/2024; Tuy nhiên so với tháng 10/2023 vẫn giảm 35% về lượng và giảm 44,3% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân ở mức 255,6 USD/tấn, giảm 9,2% so với tháng 9/2024 và giảm 14,4% so với tháng 10/2023. Lũy kế 10 tháng năm 2024, xuất khẩu sắn đạt 391,65 nghìn tấn, trị giá 102,06 triệu USD, giảm 49,3% về lượng và giảm 53% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Trong mấy tháng gần đây, nhu cầu nhập khẩu sắn của Trung Quốc giảm đã tác động tới giá sắn Việt Nam. Do nhu cầu thị trường giảm mạnh nên giá sắn lát xuất khẩu trong năm nay thường xuyên ở mức thấp. Tháng 10/2024, giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn ở mức 431,7 USD/tấn, giảm 7,9% so với tháng 9/2024 và giảm 15,1% so với tháng 10/2023. Lũy kế 10 tháng năm 2024, giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 456,4 USD/tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong tháng 10/2024, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 93,79% về lượng và chiếm 92,25% về trị giá trong tổng xuất khẩu sắn và các sản từ sắn của cả nước với 165,43 nghìn tấn, trị giá 70,24 triệu USD, tăng 47,1% về lượng và tăng 34,9% về trị giá tháng 9/2024; Tuy nhiên so với tháng 10/2023 vẫn giảm 31,4% về lượng và giảm 43,6% về trị giá, đây là tháng giảm thứ 3 liên tiếp so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 10 tháng năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 1,93 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 873,03 triệu USD, giảm 11,6% về lượng và giảm 6,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, trong tháng 10/2024, lượng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu sang các thị trường như Malaysia, Nhật Bản và Pakistan tăng so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên, lượng xuất khẩu sang các thị trường này đều ở mức thấp. Trong khi đó, xuất khẩu sang các thị trường như: Đài Loan, Philippin, Hàn Quốc lại sụt giảm so với cùng kỳ năm 2023. Nhìn chung, trong 10 tháng năm 2024, mặc dù lượng sắn xuất khẩu giảm, nhưng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang một thị trường vẫn tăng trưởng tốt cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2023 như: Đài Loan, Malaysia và Pakistan. Tuy nhiên xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Philippin đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2023. Tháng 10/2024, xuất khẩu sắn và khẩu sắn và các sản phẩm sắn của tỉnh Tây Ninh tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 10/2024, trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của các doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh đạt 27,97 triệu USD, tăng 9,9% so với tháng 9/2024, nhưng giảm 0,8% so với tháng 10/2023, chiếm 69,81% trong tổng trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của vùng Đông Nam Bộ và chiếm 36,74% trong tổng trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của cả nước trong tháng 10/2024 (trong khi đó, tháng 10/2023, trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của tỉnh Tây Ninh chiếm 54,38% trong tổng trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của vùng Đông Nam Bộ và chiếm 20,70% trong tổng trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của cả nước). Tính chung 10 tháng năm 2024, trị giá xuất khẩu xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của các doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh đạt 308,09 triệu USD, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của tỉnh Tây Ninh chiếm 63,04% trong tổng trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của vùng Đông Nam Bộ và chiếm 32,25% trong tổng trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của cả nước trong 10 tháng năm 2024, cao hơn nhiều so với 10 tháng năm 2023 (10 tháng năm 2023, trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của tỉnh Tây Ninh chiếm 46,61% trong tổng trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của vùng Đông Nam Bộ và chiếm 22,46% trong tổng trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của cả nước). Trong tháng 10/2024, sắn và các sản phẩm sắn của Tây Ninh được xuất khẩu sang 14 thị trường trên thế giới. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của tỉnh Tây Ninh, chiếm 95,22% tổng trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của tỉnh Tây Ninh với 26,63 triệu USD, tăng 10,8% so với tháng 9/2024 và tăng 4,6% so với tháng 10/2023. Luỹ kế 10 tháng năm 2024, trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Tây Ninh sang Trung Quốc đạt 282,47 triệu USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm 2023. Đứng thứ hai là thị trường Mỹ, chiếm 1,56% tổng trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của tỉnh Tây Ninh, đạt 435,58 nghìn USD, giảm 31,3% so với tháng 9/2024, nhưng tăng 916,8% so với tháng 10/2023; Luỹ kế 10 tháng năm 2024, trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Tây Ninh sang thị trường Mỹ đạt 3,43 triệu USD, tăng 549% so với cùng kỳ năm 2023. Qua số liệu thống kê cho thấy, trong 10 tháng năm 2024, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Tây Ninh sang các thị trường phần lớn đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2023, trong đó đáng chú ý như: Trung Quốc, Mỹ, Đài Loan, Malaysia, Tây Ban Nha, Indonesia, Philippin... Tuy nhiên, trừ Trung Quốc, các thị trường còn lại chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của tỉnh Tây Ninh. Trong khi đó, xuất khẩu sang một số thị trường có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2023 như: Hàn Quốc, Hà Lan, Australia, Singapore, Anh… Trong tháng 11/2024, xuất khẩu sắn và tinh bột sắn của Việt Nam khả quan hơn so với tháng trước, nhưng vẫn chậm hơn so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu của Trung Quốc yếu. Theo ước tính, tháng 11/2024, cả nước xuất khẩu được khoảng 250 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 96,2 triệu USD, tăng 41,7% về lượng và tăng 26,3% về trị giá so với tháng 10/2024; Tuy nhiên so với tháng 11/2023 vẫn giảm 6,9% về lượng và giảm 28,5% về trị giá. Lũy kế 11 tháng năm 2024, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt khoảng 2,34 triệu tấn, trị giá 1,05 tỷ USD, giảm 12,1% về lượng và giảm 9,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Từ đầu năm 2024, đến nay Trung Quốc liên tục giảm nhập khẩu sắn lát do nhu cầu sử dụng sắn lát của các nhà máy giảm. Bên cạnh đó, giá ngô thấp nên các nhà máy tăng tỷ lệ sử dụng ngô thay cho sắn lát. Do Trung Quốc giảm mạnh nhập khẩu sắn lát nói chung và nhập khẩu từ Việt Nam nói riêng, nên trong năm nay, sắn lát Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này giảm rất mạnh. Trong các tháng tới, dự báo nhu cầu tiêu thụ sắn và tinh bột sắn của sắn của Trung Quốc sẽ khả quan hơn khi nhu cầu thực phẩm phục vụ cho sản xuất hàng hóa cuối năm tăng. Tuy nhiên, tại thị trường này, sắn và tinh bột sắn của Việt Nam đang bị cạnh tranh mạnh với sắn và tinh bột sắn của Thái Lan, Lào và Campuchia. Để cạnh tranh với Thái Lan trong việc xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn sang Trung Quốc, các doanh nghiệp sắn Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ vững và mở rộng thị phần tại thị trường Trung Quốc. Nhất là khi hiện nhiều nhà máy sản xuất tinh bột sắn của Trung Quốc đang tích cự đầu tư vào các nhà máy sản xuất Lào do giá của sắn và nhân công rẻ hơn. Những năm qua, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính sắn và các sản phẩm sắn của Việt Nam. Để sắn và các sản phẩn từ sắn của Việt Nam hạn chế phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp xuất khẩu sắn cần tận dụng được các cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mà Việt Nam đã có hiệp định thương mại tự do (FTA) như: EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ... Tại các thị trường này, lượng sắn và các sản phẩm từ sắn nhập khẩu từ Việt Nam còn rất thấp. Trân trọng./.