Diễn biến tình hình và xu hướng phát triển thị trường mặt hàng sắn và các sản phẩm từ sắn của tỉnh Tây Ninh tháng 11 năm 2024

Thứ tư - 01/01/2025 08:28 26 0
Diễn biến tình hình và xu hướng phát triển thị trường mặt hàng sắn và các sản phẩm từ sắn của tỉnh Tây Ninh tháng 11 năm 2024
- Hiện cả nước có khoảng 530.000 ha sắn, sản lượng hơn 10 triệu tấn một năm và giữ vị trí nhà xuất khẩu đứng thứ 2 của thế giới. Cây sắn có nhiều công dụng trong chế biến công nghiệp, thức ăn gia súc và lương thực thực phẩm. Củ sắn dùng để ăn tươi, làm thức ăn gia súc, chế biến sắn lát khô, bột sắn nghiền, tinh bột sắn, tinh bột sắn biến tính, các sản phẩm từ tinh bột sắn và thân sắn dùng để làm giống, làm nấm, làm củi đun, nguyên liệu cho công nghiệp xenlulo. Bên cạnh đó lá sắn được sử dụng để làm thức ăn trong chăn nuôi. Tháng 12/2024, dù đang là thời điểm chính vụ sắn nhưng một số nhà máy sản xuất tinh bột sắn đã phải đóng máy. Mặc dù giá sắn đã giảm sâu, nhưng nhu cầu mua hàng từ các nhà máy Trung Quốc vẫn rất chậm. Tồn kho tại Thanh Đảo (Trung Quốc) ở mức khoảng 120.000 tấn (ở ngưỡng rất thấp, vì với mức tiêu thụ tinh bột sắn tại thị trường Trung Quốc vào thời điểm chính vụ hàng năm). Một số đơn vị kinh doanh xuất khẩu tinh bột sắn nhận định rằng: nguyên nhân sụt giảm có thể là do nền kinh tế Trung Quốc suy giảm, chuyển dịch công xưởng từ Trung Quốc qua các nước ASEAN… Lượng hàng thực tế xuất khẩu sắn lát sang thị trường Trung Quốc rất ít, mặc dù giá mua đang ở mức rất thấp. Các nhà máy sử dụng sắn lát để sản xuất cồn vẫn e ngại việc giá sắn vụ mới 2024 - 2025 sẽ xuống thấp hơn nữa, nên hạn chế mua vào, chỉ mua lượng vừa đủ để sản xuất.
- Tỉnh Tây Ninh có diện tích trồng sắn hơn 61.000ha, đứng thứ 2 cả nước với hàm lượng tinh bột luôn ở mức cao và sản lượng hàng năm trên 2 triệu tấn. Ngoài ra, toàn tỉnh có hơn 68 nhà máy chế biến tinh bột sắn, tổng công suất đạt trên 6,4 triệu tấn củ/năm. Tây Ninh được mệnh danh là trung tâm ngành công nghiệp chế biến tinh bột sắn cả nước. Theo ước tính, một nhà máy chế biến có công suất 30 - 100 tấn/ngày sẽ sản xuất được 7,5 - 25 tấn tinh bột, kèm theo đó là 12 - 48 tấn bã (xác sắn). Theo các nhà khoa học, xác sắn có hàm lượng chất khô thấp (khoảng 20%), rất nghèo protein (1,5 - 1,6%), hàm lượng xơ thấp (10 - 11%), tỷ lệ tiêu hóa chất hữu cơ rất cao (92 - 93%). Vì vậy, giá trị năng lượng trao đổi đạt tới 13 MJ/kg chất khô, là loại thức ăn cung cấp năng lượng rất tốt cho gia súc, gia cầm. - Từ lâu, sản phẩm từ cây sắn tại Tây Ninh không chỉ dừng lại ở việc chế biến tinh bột mà tất cả các sản phẩm phụ từ cây sắn đều được tận thu.
- Giá sắn tươi tại khu vực miền Trung và Tây nguyên liên tục giảm. Theo Hiệp hội sắn Việt Nam, giá thu mua sắn tươi của các nhà máy tại Kon Tum dao động quanh mức 1.600-1.900 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg so với cuối tháng trước. Tại miền Trung giá thu mua sắn tươi của các nhà máy dao động quanh mức 1.850-2.250 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg so với cuối tháng trước. Tại miền Bắc giá thu mua sắn tươi của các nhà máy dao động quanh mức 1.750-2.050 đồng/kg, giảm 150-250 đồng/kg so với cuối tháng trước. Tại Tây Ninh, giá sắn nguyên liệu (sắn nội địa và sắn Campuchia) mua theo trữ lượng bột 30% dao động quanh mức 83,3-90 đồng/độ bột, giảm 6,7-8,3 đồng/độ bột so với cuối tháng 11/2024. Trong tháng 12/2024, giá tinh bột sắn chào bán về các cảng chính của Trung Quốc đều ở mức thấp, hiện giá tinh bột sắn xuất khẩu được các nhà máy Việt Nam chào bán ở mức 425-435 USD/tấn FOB cảng thành phố Hồ Chí Minh, giảm 20 USD/tấn so với cuối tháng trước. Giá tinh bột sắn xuất khẩu qua các cửa khẩu Lạng Sơn và Móng Cái dao động ở mức 3.130-3.250 CNY/tấn, giảm 140 CNY/tấn so với cuối tháng trước. Giá xuất khẩu sắn lát tiếp tục giảm so với cuối tháng trước. Hiện giá xuất khẩu sắn lát thực tế sang Trung Quốc dao động ở mức 225 USD/tấn FOB cảng Việt Nam, giảm 5 USD/tấn so với cuối tháng trước; Trong khi giá xuất khẩu sắn lát sang Hàn Quốc giảm xuống mức 280 USD/tấn FOB Quy Nhơn, giảm 5 USD/tấn so với cuối tháng trước.
- Trong bối cảnh thị trường đầu ra chậm và giá giảm như hiện nay, các đơn vị kinh doanh sắn lát vụ 2024-2025 có thể sẽ tập trung thu mua sắn lát theo tiêu chuẩn làm thức ăn chăn nuôi thay vì mua số lượng lớn hàng dùng cho nhà máy sản xuất cồn.
Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 11/2024, Việt Nam xuất khẩu được 230,79 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 90,75 triệu USD, tăng 30,8% về lượng và tăng 19,2% về trị giá so với tháng 10/2024; Tuy nhiên so với tháng 11/2023 vẫn giảm 14,1% về lượng và giảm 32,6% về trị giá, đây là tháng giảm thứ 4 liên tiếp so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 11 tháng năm 2024, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 2,32 triệu tấn, trị giá 1,04 tỷ USD, giảm 12,8% về lượng và giảm 10% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Tính riêng mặt hàng sắn, trong tháng 11/2024, xuất khẩu sắn đạt 37,82 nghìn tấn, trị giá 8,85 triệu USD, tăng 53,4% về lượng và tăng 40,6% về trị giá so với tháng 10/2024; So với tháng 11/2023 tăng 14,9% về lượng, nhưng giảm 12,8% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân ở mức 234,2 USD/tấn, giảm 8,4% so với tháng 10/2024 và giảm 24,1% so với tháng 11/2023. Lũy kế 11 tháng năm 2024, xuất khẩu sắn đạt 429,04 nghìn tấn, trị giá 110,76 triệu USD, giảm 46,7% về lượng và giảm 51,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Do nhu cầu của Trung Quốc chậm nên giá sắn xuất khẩu trong mấy tháng gần đây thường xuyên ở mức thấp. Tháng 11/2024, giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn ở mức 393,2 USD/tấn, giảm 8,9% so với tháng 10/2024 và giảm 21,5% so với tháng 11/2023. Lũy kế 11 tháng năm 2024, giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 450,2 USD/tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong tháng 11/2024, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 95,9% về lượng và chiếm 94,37% về trị giá trong tổng xuất khẩu sắn và các sản từ sắn của cả nước với gần 221,33 nghìn tấn, trị giá 85,64 triệu USD, tăng 33,8% về lượng và tăng 21,9% về trị giá tháng 10/2024; Tuy nhiên so với tháng 11/2023 vẫn giảm 10,5% về lượng và giảm 31,3% về trị giá, đây là tháng giảm thứ 4 liên tiếp so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 11 tháng năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 2,15 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 958,66 triệu USD, giảm 11,5% về lượng và giảm 9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài ra, trong tháng 11/2024, lượng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu sang thị trường Malaysia tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, xuất khẩu sang các thị trường như: Đài Loan, Nhật Bản, Philippin, Hàn Quốc lại sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2023. Nhìn chung, trong 11 tháng năm 2024, mặc dù lượng sắn xuất khẩu giảm, nhưng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang một thị trường vẫn tăng trưởng tốt cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2023 như: Đài Loan, Malaysia và Pakistan. Tuy nhiên xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Philippin đều sụt giảm so với cùng kỳ năm 2023.
Trong tháng 11/2024, các chủng loại sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là tinh bột sắn, sắn lát khô, củ sắn tươi đã qua chế biến. Trong đó, lượng tinh bột sắn xuất khẩu giảm; trong khi lượng sắn lát khô, củ sắn tươi đã qua chế biến lại tăng so với cùng kỳ năm 2023.
- Tháng 11/2024, xuất khẩu sắn và khẩu sắn và các sản phẩm sắn của tỉnh Tây Ninh tăng trưởng trở lại. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 11/2024, trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của các doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh đạt 30,48 triệu USD, tăng 9% so với tháng 10/2024 và tăng 18,8% so với tháng 11/2023, chiếm 68,38% trong tổng trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của vùng Đông Nam Bộ và chiếm 33,59% trong tổng trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của cả nước trong tháng 11/2024 (trong khi đó, tháng 11/2023, trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của tỉnh Tây Ninh chiếm 49,32% trong tổng trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của vùng Đông Nam Bộ và chiếm 19,07% trong tổng trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của cả nước).
- Tính chung 11 tháng năm 2024, trị giá xuất khẩu xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của các doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh đạt 338,57 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của tỉnh Tây Ninh chiếm 63,49% trong tổng trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của vùng Đông Nam Bộ và chiếm 32,36% trong tổng trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của cả nước trong 11 tháng năm 2024, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2023 (11 tháng năm 2023, trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của tỉnh Tây Ninh chiếm 46,87% trong tổng trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của vùng Đông Nam Bộ và chiếm 22,07% trong tổng trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của cả nước).
Trong tháng 11/2024, sắn và các sản phẩm sắn của Tây Ninh được xuất khẩu sang 19 thị trường trên thế giới, tăng 5 thị trường so với tháng trước. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của tỉnh Tây Ninh, chiếm 93,86% tổng trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của tỉnh Tây Ninh với 28,6 triệu USD, tăng 7,4% so với tháng 10/2024 và tăng 19,3% so với tháng 11/2023. Luỹ kế 11 tháng năm 2024, trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Tây Ninh sang Trung Quốc đạt 311,07 triệu USD, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2023. Đứng thứ hai là thị trường Mỹ, chiếm 1,38% tổng trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của tỉnh Tây Ninh, đạt 420,09 nghìn USD, giảm 3,6% so với tháng 10/2024, nhưng tăng 376,7% so với tháng 11/2023; Luỹ kế 11 tháng năm 2024, trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Tây Ninh sang thị trường Mỹ đạt 3,85 triệu USD, tăng 524,4% so với cùng kỳ năm 2023. Qua số liệu thống kê cho thấy, trong 11 tháng năm 2024, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Tây Ninh sang các thị trường phần lớn đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2023, trong đó đáng chú ý như: Trung Quốc, Mỹ, Philippin, Malaysia, Đài Loan, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Indonesia... Tuy nhiên, trừ Trung Quốc, các thị trường còn lại chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của tỉnh Tây Ninh. Trong khi đó, xuất khẩu sang một số thị trường có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2023 như: Hàn Quốc, Hà Lan, Australia, Anh, Singapore, Angiêri, Môtitania, Bangladet, Ấn Độ, Pháp…
Trong tháng 12/2024, xuất khẩu sắn và tinh bột sắn của Việt Nam khả quan hơn so với tháng trước, nhưng vẫn chậm hơn so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu của Trung Quốc yếu. Theo ước tính, tháng 12/2024, cả nước xuất khẩu được khoảng 245 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 95,55 triệu USD, tăng 6,2% về lượng và tăng 5,3% về trị giá so với tháng 11/2024; Tuy nhiên so với tháng 12/2024 vẫn giảm 14,5% về lượng và giảm 32,4% về trị giá. Cả năm 2024, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt khoảng 2,57 triệu tấn, trị giá 1,14 tỷ USD, giảm 13% về lượng và giảm 12,4% về trị giá so với năm 2023. Nhìn chung, năm 2024 xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc ẩn chứa nhiều rủi ro và chưa tận dụng được các cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước, các khu vực có ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA). Từ đầu năm 2024 đến nay, Trung Quốc liên tục giảm nhập khẩu sắn lát do nhu cầu sử dụng sắn lát của các nhà máy giảm. Bên cạnh đó, giá ngô thấp nên các nhà máy tăng tỷ lệ sử dụng ngô thay cho sắn lát. Do Trung Quốc giảm mạnh nhập khẩu sắn lát nói chung và nhập khẩu từ Việt Nam nói riêng, nên trong năm nay, sắn lát Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này giảm rất mạnh. Theo Hiệp hội sắn Việt Nam, thị trường sắn lát vụ 2024-2025 sẽ tiếp tục có xu hướng giảm cả giá và nhu cầu. Các đơn vị kinh doanh sắn lát vụ 2024-2025 có thể sẽ tập trung thu mua sắn lát theo tiêu chuẩn làm thức ăn chăn nuôi thay vì mua số lượng lớn hàng dùng cho nhà máy sản xuất cồn. Ngành sắn cần cải thiện chất lượng sản phẩm hơn, đặc biệt khi Trung Quốc đánh giá tinh bột sắn Thái Lan ổn định hơn về cả số lượng lẫn chất lượng. Bên cạnh đó, để sắn và các sản phẩn từ sắn của Việt Nam hạn chế phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp xuất khẩu sắn cần tận dụng được các cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mà Việt Nam đã có hiệp định thương mại tự do (FTA) như: EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ... Tại các thị trường này, lượng sắn và các sản phẩm từ sắn nhập khẩu từ Việt Nam còn rất thấp. Năm 2025, Trung Quốc vẫn sẽ là điểm đến tiềm năng nhất của sắn và các sản phẩm sắn Việt Nam nhờ nhu cầu lớn, vị trí địa lý gần, chi phí logistics và rủi ro thấp hơn các thị trường khác. Tuy nhiên, tại thị trường này, sắn và tinh bột sắn của Việt Nam đang bị cạnh tranh mạnh với sắn và tinh bột sắn của Thái Lan, Lào và Campuchia. Để cạnh tranh với Thái Lan trong việc xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn sang Trung Quốc, các doanh nghiệp sắn Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ vững và mở rộng thị phần tại thị trường Trung Quốc. Nhất là khi hiện nhiều nhà máy sản xuất tinh bột sắn của Trung Quốc đang tích cự đầu tư vào các nhà máy sản xuất Lào do giá của sắn và nhân công rẻ hơn.
Trân trọng./.
 

Tác giả: quản trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây