Sở Công thương tỉnh Tây Ninhhttps://socongthuong.tayninh.gov.vn/uploads/logoportal.png
Thứ tư - 01/01/2025 08:33220
Tháng 11/2024, sản lượng sầu riêng giảm ở tất cả các vùng sản xuất so với tháng trước. Cụ thể, tại tỉnh Tiền Giang, sản lượng sầu riêng dự kiến đạt 39 nghìn tấn, giảm 6 nghìn tấn so với tháng trước; lũy kế 11 tháng năm 2024, toàn tỉnh sản xuất được 400 nghìn tấn. Tỉnh Tây Ninh sản xuất đạt 2,1 nghìn tấn sầu riêng trong tháng 11/2024, giảm 0,3 nghìn tấn so với tháng trước; lũy kế 11 tháng năm 2024, tỉnh Tây Ninh sản xuất 28,1 nghìn tấn sầu riêng. Tháng 11/2024, sản lượng thanh long sản xuất tăng ở nhiều vùng sản xuất so với với tháng trước. Cụ thể, tại tỉnh Bình Thuận, sản lượng thanh long sản xuất đạt 98 nghìn tấn, tăng 33 nghìn tấn so với tháng trước; lũy kế 11 tháng năm 2024, sản lượng thành long của toàn tỉnh Bình Thuận đạt khoảng 503 nghìn tấn. Tương tự, sản lượng thanh long sản xuất tại các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu … tăng so với tháng trước; ngược lại, sản lượng thanh long sản xuất tại các tỉnh Đồng Nai, Trà Vinh, Hải Dương giảm. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng 11/2024 giảm 11,9% so với tháng 10/2024, nhưng vẫn tăng 23,0% so với tháng 11/2023, đạt xấp xỉ 458 triệu USD. Tính chung 11 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta đạt gần 6,62 tỷ USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng 11/2024 so với tháng 10/2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang một số thị trường truyền thống và tiềm năng giảm, gồm: Trung Quốc, thị trường Đài Loan, Hà Lan. Ngược lại, xuất khẩu rau quả sang các thị trường Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Úc, Các TVQ Ả rập Thống nhất, Nga tăng. So với tháng 11/2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang hầu hết các thị trường truyền thống tăng, ngoại trừ thị trường Đài Loa và Hà Lan. Tính chung 11 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang hầu hết các thị trường lớn tăng trưởng khả quan, ngoại trừ Hà Lan. Như vậy, trong 11 tháng năm 2024, ngành hàng rau quả của Việt Nam nỗ lực khai thác tốt nhiều thị trường tiềm năng khác như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Các TVQ Ả rập thống nhất … Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy: Tháng 11/2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 235,78 triệu USD, giảm 23,6% so với tháng 10/2024, nhưng tăng 8,3% so với tháng 11/2023. Tính chung 11 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 27,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4,33 tỷ USD. Tỷ trọng xuất khẩu rau quả của Việt Nam chiếm 65,47% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong 11 tháng năm 2024, thấp hơn so với tỷ trọng 65,51% trong 11 tháng năm 2023. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Mỹ trong tháng 11/2024 tăng 1,4% so với tháng 10/2024 và tăng 56,1 so với tháng 11/2023, đạt 32,98 triệu USD. Tính chung 11 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Mỹ tăng 37,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 320,1 triệu USD. Tương tự, trong 11 tháng năm 2024, ngành hàng rau quả của Việt Nam cũng khai thác tốt các thị trường tiềm năng khác như: Hàn Quốc (+40,1%); Thái Lan (+79,3%); Nhật Bản (+14,9%); thị trường Đài Loan (+8,1%); Australia (+27,7%); UAE (+34,1%); Nga (+36,0%); Canada (+45,6%); Đức (+63,8%); … Tính riêng tháng 11/2024, tốc độ xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang một số thị trường tăng so với tháng trước và so với cùng kỳ năm ngoái, như: Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Australia, UAE, Nga. Ngược lại, 11 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang một số thị trường giảm, như: Hà Lan (-25,9%0; Lào (-47,8%); Cadắcxtan (-31,8%); Xênêgan (-28,4%) … Tuy nhiên, trị giá xuất khẩu rau quả sang các thị trường trên ở mức thấp, không ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung toàn ngành. Theo số liệu tính toán từ Tổng cục Hải quan, tháng 11/2024, kim ngạch xuất khẩu rau hoa quả của khu vực Đông Nam Bộ đạt 202,27 triệu USD, tăng 10,9% so với tháng trước và tăng 37,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 11 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau hoa quả của khu vực Đông Nam Bộ đạt 2,07 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu rau hoa quả của khu vực Đông Nam Bộ đóng góp khá lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Tính riêng tỉnh Tây Ninh, kim ngạch xuất khẩu rau hoa quả toàn tỉnh trong tháng 11/2024 đạt 1,28 triệu USD, giảm 3,9% so với tháng 10/2024 và giảm 28% so với tháng 11/2023. Lũy kế 11 tháng năm 2024, toàn tỉnh Tây Ninh xuất khẩu rau quả đạt 19,06 triệu USD, giảm 20,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 11 tháng năm 2024, xuất khẩu rau quả của tỉnh Tây Ninh chiếm 0,92% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng của khu vực Đông Nam Bộ (cùng kỳ năm ngoái chiếm 1,42%) và chiếm 0,29% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (cùng kỳ năm ngoái chiếm 0,45%. Tháng 11/2024, Hà Lan vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực mặt hàng rau quả của tỉnh Tây Ninh, kim ngạch đạt 611,7 nghìn USD, giảm 36,2% so với tháng 10/2024 và giảm 7,0% so với tháng 11/2023. Tính chung 11 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của tỉnh Tây Ninh sang thị trường Hà Lan đạt xấp xỉ 12,58 triệu USD, giảm 26,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đứng thứ hai là thị trường Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu rau quả của tỉnh Tây Ninh trong 11 tháng năm 2024 đạt 2,52 triệu USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 13,25% tổng trị giá xuất khẩu rau quả của tỉnh Tây Ninh. Tính riêng tháng 11/2024, tỉnh Tây Ninh xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt 313,68 nghìn USD, tăng 69,4% so với tháng 10/2024 và tăng 63,6% so với tháng 11/2023. Bên cạnh đó, tỉnh Tây Ninh xuất khẩu hàng rau quả sang các thị trường như: Australia, Mỹ, Tây Ban Nha, Đức, Nhật Bản, Malaysia, … Tuy nhiên, trị giá xuất khẩu đạt mức thấp. Năm 2024 là một năm bứt phá của ngành hàng xuất khẩu rau quả của nước ta, với kim ngạch dự kiến cho cả năm lần đầu tiên cán mức trên 7 tỷ USD, nhờ nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh từ thị trường truyền thống Trung Quốc và nhiều thị trường tiềm năng. Nhu cầu tiêu thụ rau quả tại Trung Quốc cũng được dự đoán tăng, mức tăng trưởng bình quân 6,64% trong giai đoạn 2024 – 2029. Với vị trí địa lý thuận lợi, các nông sản của Việt Nam như rau, trái cây ... vận chuyển đến Trung Quốc vẫn giữ được chất lượng tự nhiên và độ tươi ngon với giá cả hợp lý. Bên cạnh đó, ngành hàng rau quả Việt Nam cũng đang khai thác tốt nhiều thị trường tiềm năng khác. Năm 2024, có 6 thị trường chính đã mở cửa cho cây ăn quả Việt Nam, nhiều nhất là Trung Quốc, kế đó là Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trung Quốc là thị trường lớn, tiềm năng, với dân số 1,4 tỷ người và là nền kinh tế lớn thứ hai của thế giới. Các cửa khẩu ở biên giới Việt Nam nằm rất gần các chợ đầu mối bên Trung Quốc nên đã rút ngắn rất nhiều thời gian vận chuyển hàng rau quả từ nơi sản xuất đến chợ tiêu thụ phía Trung Quốc, giảm đáng kể chi phí logistics so các nước khác. Các cảng biển ở Trung Quốc cũng rất gần các cảng của Việt Nam, giúp tăng thêm tính cạnh tranh cho ngành hàng rau quả Việt Nam. Hơn nữa, xuất khẩu trái cây của Việt Nam còn có lợi thế về các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà hai nước cùng là thành viên. Ðây là cơ hội lớn để trái cây Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường Trung Quốc. Triển vọng xuất khẩu rau quả năm 2025 được dự báo sẽ khả quan, nhờ nhiều chủng loại trái cây của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu vào nhiều thị trường. Đơn cử như, theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT), Việt Nam và Việt Nam đang đàm phán về biện pháp kiểm dịch thực vật với quả chanh dây tươi. Dự kiến sau khi quá trình này hoàn thành, Việt Nam sẽ có thêm sản phẩm chanh dây xuất khẩu sang thị trường Mỹ vào năm 2025. Triển vọng xuất khẩu rau quả năm 2025 được dự báo sẽ khả quan, nhờ nhiều chủng loại trái cây của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu vào nhiều thị trường. Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho biết sản xuất trong nước duy trì ổn định, dự báo xuất khẩu rau quả có thể đạt tăng trưởng tốt trong quý 1/2025. Nhu cầu nhập khẩu lương thực, thực phẩm của thế giới dự báo có thể tăng do nguồn cung bị đứt gãy ở nhiều quốc gia do bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang, cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn... Bên cạnh yếu tố thuận lợi, năm 2025 ngành hàng rau quả Việt Nam cũng sẽ vẫn đối mặt với khó khăn. Trong khi thị trường liên tục biến động thì các quy định kỹ thuật cũng ngày càng cao với yêu cầu về phát triển xanh bền vững. Để triển khai đồng bộ giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu rau quả trong năm 2025 và những năm tới, các cơ quan, ban, ngành, địa phương, cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ưu tiên thúc đẩy ngành hàng rau quả theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Đồng thời đảm bảo sản xuất, nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào để góp phần kiểm soát lạm phát. Để xuất khẩu hiệu quả, bền vững cần bổ sung cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển chế biến, phát triển các vùng nguyên liệu lớn, cụm liên kết sản xuất – chế biến và tiêu thụ nông sản, nâng cao chất lượng, giá trị và năng lực cạnh tranh cho nông sản tại thị trường trong nước và quốc tế; xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, ngành hàng tiếp tục khai thác tối đa những ưu đãi từ các hiệp định thương mại, mở rộng thị phần tại những thị trường tiềm năng như các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi...; tích cực thực hiện các giải pháp đề nghị EU gỡ thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam. Về phía nông dân cần nâng cao kỹ năng, năng lực sản xuất kinh doanh trong tiếp cận thông tin thị trường, sản xuất theo nhu cầu thị trường. Kết quả cuộc bầu cử Mỹ với việc ứng cử viên Đảng cộng hòa lên nắm quyền có thể xuất hiện nhiều thay đổi chính sách vĩ mô lớn tác động đến nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam trong năm 2025 như tiền tệ, thuế, rào cản thương mại... Các quy định kỹ thuật ngày càng cao và yêu cầu về phát triển xanh bền vững đang đặt ra cho nhiều quốc gia xuất khẩu nông lâm thủy sản trong đó có Việt Nam. Để thích ứng với các uy định kỹ thuật ngày càng cao và yêu cầu phát triển xanh bền vững, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đề nghị các ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ưu tiên thúc đẩy các ngành hàng rau quả theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Trân trọng./.