Diễn biến tình hình và xu hướng phát triển thị trường mặt hàng hạt điều của tỉnh Tây Ninh tháng 11 năm 2024

Thứ tư - 01/01/2025 08:34 74 0
Diễn biến tình hình và xu hướng phát triển thị trường mặt hàng hạt điều của tỉnh Tây Ninh tháng 11 năm 2024
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 11/2024, Việt Nam xuất khẩu hạt điều ra thế giới đạt gần 59,7 nghìn tấn, trị giá 396,57 triệu USD, giảm 8,5% về lượng và giảm 6,6% về trị giá so với tháng 10/2024, so với tháng 11/2023 giảm 6,8% về lượng, nhưng tăng 12,6% về trị giá. Tính chung 11 tháng năm 2024, Việt Nam xuất khẩu hạt điều ra thế giới đạt 669,54 nghìn tấn, trị giá xấp xỉ 3,98 tỷ USD, tăng 15,2% về lượng và tăng 20,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Tháng 11/2024, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 6.642,9 USD/tấn, tăng 2,1% so với tháng 10/2024 và tăng 20,9% so với tháng 11/2023. Tính chung 11 tháng năm 2024, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.942,8 USD/tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tháng 11/2024, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang hầu hết các thị trường truyền thống và tiềm năng giảm, ngoại trừ Nhật Bản, Italia.. Còn so với tháng 11/2023, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang nhiều thị trường mặc dù giảm về lượng, nhưng vẫn tăng về trị giá. Nhìn chung, trong 11 tháng năm 2024, ngành điều Việt Nam đã khai thác khá tốt hầu hết các thị trường xuất khẩu truyền thống và tiềm năng của nước ta. Số liệu thống kê cho thấy, tháng 11/2024, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang Mỹ đạt xấp xỉ 13,54 nghìn tấn, trị giá 93,14 triệu USD, giảm 12,2% về lượng và giảm 9,0% về trị giá so với tháng 10/2024, nhưng so với tháng 11/2023 giảm 6,9% về lượng, nhưng tăng 19,7% về trị giá. Lũy kế 11 tháng năm 2024, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt 179,48 nghìn tấn, trị giá 1,07 tỷ USD, tăng 24,4% về lượng và tăng 31,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng 11/2024, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 14,27 nghìn tấn, trị giá 95,43 triệu USD, tăng 20,3% về lượng và tăng 27,3% về trị giá so với tháng 10/2024, nhưng so với tháng 11/2023 tăng 5,2% về lượng và tăng 20,0% về trị giá. Lũy kế 11 tháng năm 2024, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 117,42 nghìn tấn, trị giá 687,84 triệu USD, tăng 18,9% về lượng và tăng 14,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. 11 tháng năm 2024, ngành điều Việt Nam nhìn chung khai thác tốt thị trường EU, xuất khẩu sang nhiều thị trường thành viên tăng, gồm: Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Lítva, Italia… Ngoài nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm hạt điều thì EVFTA cũng đóng góp phần lớn vào sự thành công này. Ngược lại, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang một số thị trường giảm (mức giảm không đáng kể), gồm: thị trường Ả rập Xê út, Thái Lan, New Zealand, … Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu hạt điều sang các thị trường trên ở mức thấp, không ảnh hưởng đến mức tăng toàn ngành.
Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 11/2024, khu vực Đông Nam Bộ xuất khẩu hạt điều ra thế giới đạt xấp xỉ 48,88 nghìn tấn, trị giá 331,32 triệu USD, giảm 20,4% về lượng và giảm 6,9% về trị giá so với tháng 10/2024, còn so với tháng 11/2023 giảm 1,7% về lượng, nhưng tăng 9,6% về trị giá. Tính chung 11 tháng năm 2024, khu vực Đông Nam Bộ xuất khẩu hạt điều ra thế giới đạt 562,32 nghìn tấn, trị giá 3,34 tỷ USD, tăng 21,2% về lượng và tăng 21,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Tính riêng tỉnh Tây Ninh, tháng 11/2024, xuất khẩu hạt điều trên địa bàn tỉnh ra thế giới đạt 1,68 nghìn tấn, trị giá 11,16 triệu USD, giảm 18,0% về lượng và giảm 4,1% về trị giá so với tháng 10/2024, so với tháng 11/2023 giảm 0,3% về lượng, nhưng tăng 11,1% về trị giá. Tính chung 11 tháng năm 2024, tỉnh Tây Ninh xuất khẩu hạt điều ra thế giới đạt 20,4 nghìn tấn, trị giá 121,26 triệu USD, tăng 20,6% về lượng và tăng 30,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 11 tháng năm 2024, xuất khẩu hạt điều của tỉnh Tây Ninh chiếm 3,63% tổng trị giá xuất khẩu của khu vực Đông Nam Bộ (cùng kỳ năm ngoái chiếm 3,37%) và chiếm 3,06% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước (cùng kỳ năm ngoái chiếm 2,83%).
Cơ cấu thị trường xuất khẩu hạt điều của tỉnh Tây Ninh chủ yếu sang các thị trường Trung Quốc, Mỹ (tỷ trọng chiếm lần lượt 28,72% và 26,71% tổng kim ngạch); các thị trường khác tỷ trọng tương đối thấp. Theo số liệu tính toán từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 11/2024, tỉnh Tây Ninh xuất khẩu hạt điều sang thị trường Trung Quốc đạt 627 tấn, trị giá 4,16 triệu USD, tăng 14% về lượng và tăng 33,3% về trị giá so với tháng 10/2024, nhưng so với tháng 11/2023 tăng 33,3% về lượng và tăng 8,8% về trị giá. Lũy kế 11 tháng năm 2024, tỉnh Tây Ninh xuất khẩu hạt điều sang thị trường Trung Quốc đạt xấp xỉ 5,86 nghìn tấn, trị giá 34,82 triệu USD, tăng 23% về lượng và tăng 33% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng 11/2024, tỉnh Tây Ninh xuất khẩu hạt điều sang thị trường Mỹ đạt 488 tấn, trị giá 3,24 triệu USD, tăng 0,5% về lượng và tăng 17,5% về trị giá so với tháng 10/2024, so với tháng 11/2023 tăng 35,7% về lượng và tăng 51,3% về trị giá. Lũy kế 11 tháng năm 2024, tỉnh Tây Ninh xuất khẩu hạt điều sang thị trường Mỹ đạt xấp xỉ 5,45 nghìn tấn, trị giá 32,38 triệu USD, tăng 47,3% về lượng và tăng 59,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 11 tháng năm 2024, tỉnh Tây Ninh tăng xuất khẩu hạt điều sang nhiều thị trường như: Hà Lan, Australia, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, UAE, Nga,... Ngược lại, xuất khẩu hạt điều của tỉnh Tây Ninh sang một số thị trường giảm, như: Anh, Nhật Bản, Israel, Đức ... Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu hạt điều sang các thị trường trên ở mức thấp, không ảnh hưởng nhiều đến tốc độ tăng trưởng chung của ngành hạt điều tỉnh Tây Ninh.
Năm 2024, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt kết quả rất khả quan nhờ nhu cầu ổn định tại thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Trung Quốc. Mỹ và Trung Quốc tiếp tục là 2 thị trường chủ lực, nhờ nhu cầu tiêu thụ cao. Năm 2025, xuất khẩu hạt điều của nước ta được dự báo sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng. Nhu cầu nhập khẩu lương thực, thực phẩm của thế giới dự báo có thể tăng do nguồn cung bị đứt gãy ở nhiều quốc gia do bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang, cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn... Theo thông tin từ https://www.mordorintelligence.com, quy mô thị trường hạt điều ước tính đạt 7,82 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 9,20 tỷ USD vào năm 2029, tăng trưởng với tốc độ CAGR là 3,31% trong giai đoạn dự báo (2024-2029). Thị trường hạt điều đã và đang phát triển trên toàn thế giới do ý thức về sức khỏe ngày càng tăng và xu hướng của mọi người đối với các lựa chọn thực phẩm lành mạnh. Hạt điều chứa carbohydrate lành mạnh, protein và chất béo tốt. Tương tự như vậy, hạt điều là một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng cung cấp nguồn vitamin B, vitamin K dồi dào và các khoáng chất thiết yếu như đồng, sắt, magiê, mangan, phốt pho và kẽm, hỗ trợ việc tiêu thụ của những người quan tâm đến sức khỏe trên toàn thế giới. Nhiều lợi ích của hạt điều giàu chất dinh dưỡng đang hỗ trợ sự tăng trưởng của thị trường trong giai đoạn dự báo. Trong những năm gần đây, có một xu hướng toàn cầu có cái nhìn tích cực về chế độ ăn thuần chay và thực vật. Những người theo chế độ ăn thuần chay dựa trên thực vật ưu tiên các nguồn protein thay thế thay vì các nguồn có nguồn gốc từ động vật, dẫn đến nhu cầu tăng cao đối với các loại hạt và thực phẩm có hạt, do đó làm tăng mức tiêu thụ hạt điều trên toàn cầu. Ví dụ, theo một cuộc khảo sát do Plant Protein thực hiện, tỷ lệ người ăn chay ở Hoa Kỳ đã tăng mạnh lên 6% vào năm 2022, tương đương với khoảng 19.632.000 người ăn chay. Về mặt sản xuất, theo FAOSTAT, sản lượng hạt điều toàn cầu, có vỏ là 3.826.874,29 tấn, tăng và đạt 3.852.868,11 tấn vào năm 2022. Ngoài ra, Bờ Biển Ngà, với 970.000 tấn hạt điều, có vỏ, đứng đầu, tiếp theo là Ấn Độ, Việt Nam và Tanzania lần lượt là 752.000, 341.680,33 và 216.906,63 tấn. Năm 2025, xuất khẩu hạt điều còn nhiều dư địa tăng trưởng khi Việt Nam đang có các cơ hội lớn trong mở rộng thị trường xuất khẩu sang các khu vực tiềm năng. Năm 2025 thực thi hiệp định thương mại giữa Việt Nam và UAE (CEPA) và vai trò của Việt Nam ngày càng cao trong ASEAN. Để xuất khẩu hạt điều tăng trưởng ổn định, ngành điều Việt Nam cần chú trọng xây dựng các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến và chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế để nâng cao khả năng cạnh tranh và giá trị sản phẩm nông sản Việt Nam; khai thác tối đa những ưu đãi từ các hiệp định thương mại, bảo vệ thương hiệu, sản phẩm ở những thị trường truyền thống và mở rộng thị phần tại các thị trường tiềm năng.
Trân trọng./.
 

Tác giả: quản trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây