HƯỚNG DẪN CÁCH LỰA CHỌN THỰC PHẨM AN TOÀN

Thứ bảy - 18/09/2021 06:00 974 0
Thực phẩm sử dụng hàng ngày có thể chia thành hai nhóm một cách tương đối như sau:
1. Thực phẩm bao gói sẵn: ví dụ sữa hộp, bánh kẹo, nước giải khát…
2. Thực phẩm tươi sống: ví dụ rau, củ, quả tươi, thịt, cá tươi sống…

- Đối với thực phẩm bao gói sẵn để chọn được thực phẩm có chất lượng và giảm thiểu nguy cơ mất an toàn, cần lưu ý chung về cách lựa chọn thực phẩm như sau:

+ Sản phẩm bao gói sẵn phải nguyên vẹn như ban đầu của nhà sản xuất, nhãn mác phải có đủ thông tin chính liên quan đến sản phẩm tuân thủ theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ quy định về nhãn hàng hóa gồm: tên hàng hóa, tên và địa chỉ của tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, xuất xứ hàng hóa, định lượng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần hoặc thành phần định lượng, thông tin cảnh báo, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản;

Đối với sản phẩm thực phẩm nhập khẩu phải có tem phụ bằng Tiếng Việt thể hiện thêm: tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất và tên, địa chỉ của tổ chức cá nhân tự công bố hoặc đăng ký bản công bố sản phẩm. Đối với thực phẩm chế biến sẵn, cần có thêm thông tin về các phụ gia thực phẩm thường được sử dụng như chất bảo quản, phẩm màu… người tiêu dùng cần lưu ý đọc kỹ thông tin thành phần trên nhãn thực phẩm để tránh nếu có khả năng dị ứng với một hoặc nhiều thành phần trong thực phẩm.  

+  Lưu ý một số sản phẩm phải được bảo quản ở điều kiện phù hợp với yêu cầu của nhà sản xuất, ví dụ: thủy sản đông lạnh phải để trong tủ lạnh đông, sữa thanh trùng và sản phẩm từ sữa phải được bảo quản trong tủ lạnh ở 2 – 5oC, sản phẩm đóng gói sẵn từ ngũ cốc được bảo quản nơi khô mát ở nhiệt độ phòng…

Chọn đồ hộp

Nhóm thực phẩm đóng hộp hiện nay cũng khá phổ biến và được nhiều người tiêu dùng tin dùng, vì vậy cần lưu ý một số thông tin chung để chọn đồ hộp an toàn như sau:

- Lưu ý chọn các sản phẩm còn hạn sử dụng. Nên chọn loại nắp hộp bị lõm vào, gõ có tiếng kêu đanh. Không chọn và sử dụng các loại sản phẩm đóng hộp nếu có các hiện tượng sau:

+ Hộp bị phồng ra ở nắp hoặc các vị trí khác, nếu có hiện tượng đó thì sản phẩm bên trong đã bị vi sinh vật phân hủy làm hỏng và sinh ra khí.

+ Bao gói đồ hộp bị hở hoặc rò rỉ, bị móp hoặc biến dạng do va đập mạnh 

+ Đồ hộp khi mở ra có mùi hôi, mùi lạ khác với mùi đặc trưng của sản phẩm

Với thực phẩm tươi sống như rau, củ, quả, thịt, thủy hải sản… nên lựa chọn như sau:

+ Nếu thực phẩm được bán ở cửa hàng, siêu thị, nên chọn các thực phẩm được bảo quản ở nhiệt độ phù hợp với sản phẩm, ví dụ: rau, củ, quả được bảo quản nơi thoáng mát; thịt, thủy sản được giữ lạnh đông hoặc để trong đá lạnh, trứng được để ở nhiệt độ mát

+ Nếu phải mua thực phẩm ở chợ truyền thống, nên chọn mua tại các hàng quen hoặc có uy tín. Lưu ý tránh các quầy bán hàng gần khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao như cống rãnh thoát nước thải, khu vực có rác thải, gần nhà vệ sinh. Nên chọn các quầy hàng được bày riêng biệt các loại rau, củ, quả với các loại thịt, sản phẩm gia cầm và thủy hải sản.

+ Đối với rau, củ, quả nên lựa chọn loại còn tươi, nguyên cuống, không dập nát, không có những đốm màu lạ hoặc khác nhau. Những loại rau quả ít dùng thuốc trừ sâu là bầu, bí xanh, bí đỏ, chuối... Thận trọng với những loại rau: rau muống, rau ngót, xà lách, rau cải các loại. Tốt nhất mùa nào dùng rau đó sẽ ít nguy cơ hơn đối với các loại hóa chất bảo vệ thực vật. Không mua rau đã héo úa, dập nát hay có mùi lạ, có dấu hiệu bất thường như quá mập.

+ Đối với thịt nên chọn loại có màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, vết cắt có màu sắc bình thường, khô. Tránh thịt có màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí đen, màng ngoài nhớt. Tránh các loại thịt có mùi lạ, mùi ôi thiu hay mùi thuốc kháng sinh.

+ Đối với thịt chế biến sẵn như thịt quay, giò, chả phải thận trọng, chỉ nên mua ở những cơ sở có nguồn gốc rõ ràng, quầy bán đảm bảo an toàn thực phẩm. Không nên mua nếu sản phẩm không được bảo quản trong tủ che đậy kín, gần khu vực ô nhiễm.

+ Đối với các loại thủy, hải sản nên chọn các loại thực phẩm tươi, còn sống, hoặc nếu không còn sống phải được bảo quản trong đá lạnh dù là bán trong siêu thị hay ở chợ truyền thống (cá tươi phải có miệng ngậm kín, thân cá rắn chắc, đàn hồi, không để lại vết ấn của ngón tay trên thịt cá; vảy cá óng ánh, bám chặt thân cá, không có niêm dịch và mùi hôi thối khó chịu; mang có có màu đỏ hồng, không bị nhớt hay mùi hôi)

Lưu ý: Các loại thực phẩm không nên lựa chọn và sử dụng

- Thực phẩm khô đã bị mốc, đặc biệt là các loại ngũ cốc, hạt có dầu như đậu phộng khi mốc có thể chứa độc tố vi nấm như aflatoxin gây ung thư gan.

- Rau, củ, quả có mùi lạ của hóa chất bảo vệ thực vật; thịt, thủy hải sản có mùi lạ của thuốc thú y.

- Các loại phụ gia thực phẩm như chất bảo quản, phẩm màu, đường hóa học đóng gói không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc.

Phòng QLTM - SCT

 

 

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây