Kế hoạch số 383/KH-UBND bao gồm các nội dung thực hiện như sau:
1- Tổ chức triển khai thi hành Luật sửa đổi;
2- Tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật sửa đổi;
3- Rà soát, xây dựng, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với Luật sửa đổi;
4- Tổ chức tập huấn và bồi dưỡng nghiệp vụ;
5- Kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
File Kế hoạch số 383/KH-UBND ngày 08/02/2021 của UBND tỉnh File Kế hoạch.pdf
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính đã chính thức được thông qua ngày 13/11/2020 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV (với 92,53% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành). Luật sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
Một số điểm mới quan trọng của Luật sửa đổi như sau:
* Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính
Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 vừa quy định hành vi "vi phạm hành chính nhiều lần" thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, vừa quy định "vi phạm hành chính nhiều lần" là tình tiết tăng nặng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện quy định này gặp vướng mắc do các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực không quy định cụ thể hành vi vi phạm hành chính nhiều lần nào thì bị xử phạt về từng lần vi phạm, trường hợp nào thì bị xử phạt 01 lần và áp dụng tình tiết tăng nặng "vi phạm hành chính nhiều lần".
Vì vậy, để khắc phục bất cập trên, Luật sửa đổi đã sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 3 như sau:
"d) Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.
Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần.
Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó.
Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng;".
* Tăng mức phạt tiền tối đa
Trên cơ sở thực tiễn thi hành, mức phạt tiền tối đa của nhiều lĩnh vực theo quy định hiện hành còn chưa đủ sức răn đe, chưa thực sự tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Do đó, Luật sửa đổi đã sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 24 quy định tăng mức phạt tiền tối đa đối với 10 lĩnh vực như: "Phạt tiền đến 200.000.000 đồng: sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng"; "Phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng: quản lý các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quản lý hạt nhân và chất phóng xạ, năng lượng nguyên tử; tiền lệ, kim loại quý, đá quý, ngân hàng, tín dụng; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; thủy sản"...
Ngoài ra, Luật sửa đổi đã bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực mới chưa được Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành quy định như lĩnh vực an ninh mạng, an toàn thông tin mạng để đồng bộ với Luật An ninh mạng; mức phạt tiền tối đa trong hoạt động kiểm toán nhà nước để thống nhất với Luật Kiểm toán nhà nước;.... Và bên cạnh đó, quy định về mức phạt tối đa trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh đã được lược bỏ.
Còn tiếp theo...
File Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính File Luat SDBS LXLVPHC.doc
Thanh tra SCT
Ý kiến bạn đọc