Diễn biến tình hình và xu hướng phát triển thị trường mặt hàng cao su của tỉnh Tây Ninh tháng 10 năm 2024

Thứ tư - 01/01/2025 08:35 29 0
Diễn biến tình hình và xu hướng phát triển thị trường mặt hàng cao su của tỉnh Tây Ninh tháng 10 năm 2024
Nghị viện châu Âu thông qua đề xuất hoãn thực thi EUDR thêm một năm Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua đề xuất hoãn thực thi EUDR trong 12 tháng tại kỳ họp ngày 13 –14/11/2024 với 371 phiếu thuận, 240 phiếu chống và 30 phiếu trắng. Theo quyết định mới, các doanh nghiệp lớn sẽ phải tuân thủ Quy định chống phá rừng (EUDR) từ ngày 30/12/2025, trong khi các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ sẽ có thời gian đến ngày 30/6/2026. Thời gian bổ sung kéo dài 12 tháng này sẽ giúp các nhà vận hành trên toàn cầu có thời gian thực hiện quy định EUDR một cách thuận lợi ngay từ đầu mà không làm ảnh hưởng đến mục tiêu của quy định. Trước đó, ngày 02/10/2024, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố đề xuất hoãn thực thi Quy định chống phá rừng (EUDR) thêm một năm so với dự kiến. Lý do được đưa ra trong thông báo là EC nhận thấy 3 tháng trước thời gian thực thi, một số đối tác toàn cầu đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về việc sẵn sàng đáp ứng quy định của các doanh nghiệp. Thông báo này cũng nêu, các lo ngại này cũng đã được đưa ra trong tuần lễ Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York, Mỹ.
Ngoài ra, thông báo cho biết về mức độ sẵn sàng của các bên liên quan ở châu Âu cũng không đồng đều. Trong khi nhiều bên đã chuẩn bị kỹ lưỡng và tự tin sẽ đáp ứng kịp thời hạn, một số khác lại tỏ ra lo ngại về khả năng hoàn thành đúng hạn. Do đó, phía EC cho rằng, cần có thêm thời gian chuẩn bị là 12 tháng để các bên cùng sẵn sàng đáp ứng EUDR. Đề xuất này sẽ được trình lên Nghị viện châu Âu (EP) và phải được sự đồng ý của EP và các quốc gia thành viên của EU. Tại kỳ họp, Nghị viện châu Âu cũng thông qua các sửa đổi khác, bao gồm việc tạo ra một danh mục quốc gia “không có rủi ro” về phá rừng, bên cạnh ba loại đã có là “thấp”, “chuẩn” và “cao” rủi ro. Các quốc gia được xếp vào loại “không có rủi ro” được định nghĩa là các quốc gia có diện tích rừng ổn định hoặc đang phát triển, sẽ phải tuân thủ các yêu cầu ít nghiêm ngặt hơn do nguy cơ phá rừng gần như không tồn tại. EC sẽ hoàn thành hệ thống phân loại quốc gia trước ngày 30/6/2025.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 10/2024 đạt 224.958 tấn, trị giá 429 triệu USD, tăng 16% về lượng và 27,8% về trị giá so với tháng trước, đồng thời tăng 3% về lượng và 38,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế trong 10 tháng năm 2024, xuất khẩu mặt hàng này đạt 1,54 triệu tấn, trị giá hơn 2,52 tỷ USD, giảm 4,9% về lượng nhưng tăng 16,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023 nhờ giá tăng cao.
Trong tháng 10 và 10 tháng năm 2024, lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường chính như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc giảm so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên bù lại nhiều thị trường khác lại tăng mạnh từ hai đến ba con số. Theo đó, xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc trong tháng 10/2024 đạt 174.124 tấn, trị giá 332,17 triệu USD, tăng 28,3% về lượng và 42% về trị giá so với tháng trước, đồng thời so với cùng kỳ năm ngoái giảm 3,2% về lượng nhưng tăng 38,1% về trị giá. Với kết quả này, lượng cao su xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc – thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của nước ta đã giảm tháng thứ 9 liên tiếp so với cùng kỳ năm ngoái.
Do đó, tính chung 10 tháng năm 2024, xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc đã giảm 16,8% về lượng nhưng tăng 1,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,06 triệu tấn, trị giá 1,7 tỷ USD. Thị phần của Trung Quốc trong tổng khối lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam đã giảm xuống còn 68,9% từ mức 78,7% của cùng kỳ năm 2023. Tương tự, xuất khẩu cao su sang thị trường Hàn Quốc cũng giảm 10% về lượng và tăng 9% về trị giá trong 10 tháng năm 2024, đạt 35.643 tấn, trị giá 62,47 triệu USD. Với thị trường Ấn Độ, mặc dù lượng cao su xuất khẩu sang thị trường tiêu thụ lớn thứ hai của nước ta giảm trong tháng 10, nhưng tính chung 10 tháng năm 2024 vẫn tăng mạnh 27,8% về lượng và 59% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024, đạt 113.806 tấn, trị giá 195,1 triệu USD. Thị trường này chiếm 7,4% tổng khối lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam trong 10 tháng, tăng so với mức 5,5% của cùng kỳ.
Lượng cao su xuất khẩu sang một số thị trường lớn khác cũng tăng mạnh trong 10 tháng năm nay như: Đức tăng 56,6%, Mỹ tăng 19%, Nga tăng 21,7%... Đặc biệt, Sri Lanka tăng 188,9%, Bỉ tăng 327,8%, Malaysia tăng 349,4%...
Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 10/2024, kim ngạch xuất khẩu cao su của các doanh nghiệp đăng ký mã số thuế tại tỉnh Tây Ninh đạt 52,65 triệu USD, tiếp tục tăng nhẹ 0,6% so với tháng trước và tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 10 tháng năm 2024, xuất khẩu cao su của tỉnh Tây Ninh đạt 363,37 triệu USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả này giúp cho Tây Ninh vươn lên vị trí thứ 3 trên cả nước về xuất khẩu cao su, chỉ sau Kon Tum và Bình Phước, chiếm 14,4% tổng kim ngạch xuất khẩu cao su của cả nước so với mức 11,6% của cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng xuất khẩu cao su của tỉnh Tây Ninh cao hơn 2,7 lần so với mức tăng trưởng chung 16,4% của cả nước và cao hơn mức tăng gần 28,1% của toàn khu vực Đông Nam Bộ.
Thống kê cho thấy, tháng 10/2024, xuất khẩu cao su của tỉnh Tây Ninh một số thị trường chính tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái như Trung Quốc tăng 66,1%, Campuchia tăng 1.501%, Mỹ tăng 69,4%, Nga tăng 99%, Italia tăng 46,8%... Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu sang Ấn Độ giảm 35,4%, Hàn Quốc giảm 29,5%, Đức giảm 40,9%. Lũy kế 10 tháng năm 2024, tỉnh Tây Ninh đã xuất khẩu cao su tới 44 thị trường khác nhau trên thế giới, trong đó có tới 34 thị trường ghi nhận kim ngạch tăng từ hai đến ba con số so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của tỉnh Tây Ninh trong 10 tháng đầu năm, với kim ngạch đạt 204,72 triệu USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, thị phần của Trung Quốc trong tổng kim ngạch xuất khẩu cao su của tỉnh Tây Ninh đã giảm xuống còn 56,3% từ mức 62,8% của 10 tháng năm 2023. Đứng thứ hai là Ấn Độ đạt 37,4 triệu USD, tăng 54,2% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 10,3% thị phần (cùng kỳ chiếm 9,6%). Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu cao su sang thị trường lớn tiếp theo là Campuchia đạt 36 triệu USD, tăng mạnh 2,6 lần, đạt hơn 36 triệu USD. Thị trường này chiếm 9,9% thị phần tổng kim ngạch xuất khẩu cao su của tỉnh Tây Ninh, tăng đáng kể so với mức 5,4% của cùng kỳ năm 2023. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu cao su của tỉnh Tây Ninh sang các thị trường chính khác cũng tăng mạnh trong 10 tháng năm 2024 như: Hàn Quốc đạt 21,14 triệu USD, tăng 42,2% và chiếm 5,8% thị phần; thị trường Mỹ tăng 2 lần, đạt 10,24 triệu USD và chiếm 2,8%; Nga đạt 8,7 triệu USD, tăng 43,5% và chiếm 2,4%; Italia đạt 8,16 triệu USD, tăng 81,7% và chiếm 2,2%... Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường tăng trưởng ở mức ba con số như: Đức tăng 132,8%, Bỉ tăng 488,7%, Canada tăng 190%, Anh tăng 139%, Pháp tăng 266%, Xri Lanca tăng 183,3%...
Xuất khẩu cao su của Việt Nam nói chung và tỉnh Tây Ninh trong 2 tháng còn lại của năm 2024 dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ nhu cầu đang tăng cao từ một số thị trường tiềm năng như Malaysia, Mỹ, Nga, Sri Lanka. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu cao su của Trung Quốc đang cho thấy dấu hiệu phục hồi. Báo cáo mới nhất của Hiệp hội cao su tự nhiên thế giới (ANRPC) cho thấy, trong tháng 10, sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu ước tính đạt 1,37 triệu tấn, tăng 1,3% so với tháng trước nhưng giảm 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 10 tháng đầu năm, sản lượng tăng 2,8% lên 11,27 triệu tấn. Trong khi đó, tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu ước tính đạt 1,14 triệu tấn vào tháng 10, tăng 1,2% so với tháng trước nhưng giảm 8,5% so với cùng kỳ. Tổng cộng 10 tháng đầu năm tiêu thụ giảm 4,2% xuống còn 12,1 triệu tấn. Năm 2024, sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu theo dự kiến của ANRPC sẽ tăng 4,5% so với năm ngoái, lên 14,528 triệu tấn. Trong đó, Thái Lan giảm 0,5%, Indonesia tăng 12,3%, Trung Quốc tăng 4,2%, Ấn Độ tăng 6%, Việt Nam giảm 2,1%, Malaysia tăng 0,6% và các nước khác tăng 11,6%.
Tiêu thụ cao su thiên nhiên toàn cầu năm 2024 dự kiến sẽ giảm 0,2% so với cùng kỳ xuống còn 15,136 triệu tấn. Trong đó, Trung Quốc tăng 3,3%, Ấn Độ tăng 3%, Thái Lan tăng 1,1%, Malaysia giảm 17,2%, Việt Nam giảm 1% và các nước khác giảm 3,7%.
Với dự báo này của ANRPC thì sản lượng toàn cầu đang thâm hụt khoảng 0,6 triệu tấn cao su tự nhiên so với nhu cầu tiêu thụ trong năm 2024, thấp hơn mức thâm dự kiến khoảng 0,88 triệu tấn trong dự báo tháng trước. Tuy nhiên, thị trường cao su được hỗ trợ bởi giá dầu tăng do lo ngại về nguồn cung bị ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị leo thang tại Ucraina Bên cạnh đó, Cơ quan khí tượng Thái Lan, nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới, cảnh báo mưa lớn có thể gây lũ quét đến hết ngày 30 tháng 11. Ngày 18/11, Cơ quan Quản lý Cao su Thái Lan (RAOT) đã chính thức khởi động dự án “Trì hoãn bán cao su” cho năm tài chính 2025. Mục tiêu của dự án là kiểm soát lượng cao su đưa ra thị trường và ổn định giá cả, giúp nông dân trồng cao su có cuộc sống tốt hơn. Trong năm tài chính 2025, RAOT đã phê duyệt ngân sách 800 triệu baht cho dự án và sẵn sàng mở rộng ngân sách nếu có nhu cầu lớn từ nông dân.
Trân trọng./.
 

Tác giả: quản trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây