Tăng cường công tác quản lý an toàn hóa chất trên địa bàn tỉnh

Thứ tư - 19/04/2023 08:25 888 0
Sở Công Thương Tây Ninh ban hành Công văn số 983/SCT-KTATMT ngày 13/4/2023
Tăng cường công tác quản lý an toàn hóa chất trên địa bàn tỉnh
Để công tác quản lý an toàn hóa chất trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới theo đúng quy định, Sở Công Thương đề nghị các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện một số nội dung sau:
1. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hóa chất trên địa bàn tỉnh:
- Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến đến toàn thể cán bộ, công nhân viên trong đơn vị nhằm nâng cao nhận thức, ý thức về công tác đảm bảo an toàn về phòng chống cháy nổ, an toàn môi trường, an toàn lao động liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất tại đơn vị.
- Tăng cường kiểm tra các vị trí, nguồn, điểm có nguy cơ xảy ra sự cố hóa chất tại đơn vị, kịp thời phát hiện, sửa chữa, khắc phục và có giải pháp bảo vệ an toàn khu vực. Bổ sung trang bị, phương tiện ứng phó sự cố hóa chất đầy đủ về số lượng, chủng loại, đảm bảo phù hợp, hiệu quả khi sử dụng.
- Rà soát các điều kiện đảm bảo an toàn trong sản xuất kinh doanh hóa chất như yêu cầu đối với nhà xưởng, kho chứa; yêu cầu đối với công nghệ, thiết bị, dụng cụ, bao bì; yêu cầu đối với bảo quản, vận chuyển hóa chất; yêu cầu đối với hoạt động san chiết, đóng gói hóa chất quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 6 và Điều 7 của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP.
- Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh không được nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, tồn chứa và sử dụng hóa chất cấm quy định tại Phụ lục 3 của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP.
- Đảm bảo sản xuất, kinh doanh hóa chất đáp ứng đúng quy mô, chủng loại hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp.
- Đối với những doanh nghiệp đã được phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất thì phải lập kế hoạch và tiến hành diễn tập ứng phó sự cố hóa chất định kỳ hàng năm với sự chứng kiến hoặc chỉ đạo của đại diện cơ quan quản lý chuyên ngành địa phương.
- Định kỳ hàng năm, các doanh nghiệp phải tổ chức diễn tập phương án ứng phó sự cố hóa chất đã được xây dựng trong Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất với sự chứng kiến hoặc chỉ đạo của đại diện cơ quan quản lý chuyên ngành địa phương trong trường hợp cơ sở hóa chất có tồn trữ hóa chất thuộc Danh mục hóa chất nguy hiểm phải xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất nhưng dưới ngưỡng quy định tại Phụ lục IV của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP.
- Tổ chức huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất định kỳ 02 năm/lần cho cán bộ, công nhân làm việc có liên quan đến hóa chất theo quy định tại Điều 31, 32, 33, 34 của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP.
- Thực hiện báo cáo định kỳ tình hình sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất qua Hệ thống Cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia trước ngày 15 tháng 02 hàng năm tại địa chỉ: http://chemicaldata.gov.vn theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 32/2017/TT-BCT ngày 28/12/2017 của Bộ Công Thương (bắt đầu thực hiện cho báo cáo của năm 2023 trở về sau). Đối với các doanh nghiệp chưa thực hiện báo cáo định kỳ tình hình hoạt động hóa chất của năm 2022 qua Hệ thống Cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia thì đề nghị khẩn trương thực hiện ngay.
- Có trách nhiệm báo cáo đột xuất tình hình hoạt động hóa chất khi có sự cố xảy ra trong hoạt động hóa chất, chấm dứt hoạt động hóa chất và khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
2. Đối với các doanh nghiệp sử dụng, tồn trữ hóa chất trên địa bàn tỉnh:
- Tăng cường kiểm tra các vị trí, nguồn, điểm có nguy cơ xảy ra sự cố hóa chất tại đơn vị, kịp thời phát hiện, sửa chữa, khắc phục và có giải pháp bảo vệ an toàn khu vực. Bổ sung trang bị, phương tiện ứng phó sự cố hóa chất đầy đủ về số lượng, chủng loại, đảm bảo phù hợp, hiệu quả khi sử dụng.
- Rà soát, thực hiện cải tạo, sắp xếp bố trí hóa chất trong kho đảm bảo an toàn theo đúng quy định tại Thông tư số 48/2020/TT-BCT ngày 21/12/2020 của Bộ Công Thương ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển hóa chất nguy hiểm.
- Rà soát danh mục hóa chất theo Phụ lục IV của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP để xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và trình Bộ Công Thương thẩm định và phê duyệt.
- Đối với các hóa chất nguy hiểm không thuộc danh mục hoặc dưới ngưỡng quy định tại Phụ lục IV của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP thì xây dựng Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo hướng dẫn tại Mẫu 04 của Nghị định số 82/2022/NĐ-CP ngày 18/10/2022 của Chính phủ phù hợp với quy mô, điều kiện sản xuất và đặc tính của hóa chất nguy hiểm, đảm bảo tốt nhất khả năng phòng ngừa và ứng phó khi xảy ra sự cố, ra Quyết định ban hành Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và nộp về Sở Công Thương.
- Đối với những doanh nghiệp đã được phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất thì phải lập kế hoạch và tiến hành diễn tập ứng phó sự cố hóa chất định kỳ hàng năm theo quy định với sự chứng kiến hoặc chỉ đạo của đại diện cơ quan quản lý chuyên ngành địa phương.
- Định kỳ hàng năm, các doanh nghiệp phải tổ chức diễn tập phương án ứng phó sự cố hóa chất đã được xây dựng trong Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất với sự chứng kiến hoặc chỉ đạo của đại diện cơ quan quản lý chuyên ngành địa phương trong trường hợp cơ sở hóa chất có tồn trữ hóa chất thuộc Danh mục hóa chất nguy hiểm phải xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất nhưng dưới ngưỡng quy định tại Phụ lục IV của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP.
- Đối với những doanh nghiệp đã xây dựng Kế hoạch/Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất thì phải bảo đảm đúng các nội dung đề ra tại Kế hoạch/Biện pháp đã được xây dựng. Trường hợp có sự thay đổi trong quá trình đầu tư và hoạt động liên quan đến những nội dung đề ra trong Kế hoạch/Biện pháp, doanh nghiệp phải bổ sung, chỉnh sửa kịp thời.
- Tổ chức huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất định kỳ 02 năm/lần cho cán bộ, công nhân làm việc có liên quan đến hóa chất theo quy định tại Điều 31, 32, 33, 34 của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP.
- Các doanh nghiệp trong hoạt động có sử dụng các tiền chất công nghiệp để sản xuất các sản phẩm, hàng hóa khác phải thực hiện các quy định tại Chương V của Luật Hóa chất và các quy định sau:
+ Phải có đầy đủ hóa đơn mua tiền chất công nghiệp, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, thông tin về nhà sản xuất, nhà nhập khẩu hoặc nhà cung cấp các loại tiền chất công nghiệp; có phiếu xuất kho, nhập kho.
+ Phải lập sổ theo dõi tình hình sử dụng tiền chất công nghiệp. Sổ theo dõi bao gồm các thông tin: Tên tiền chất công nghiệp, số lượng tiền chất mua vào (số lượng nhập khẩu, mua trong nước), số lượng đã sử dụng, số lượng tồn kho; mục đích sử dụng tiền chất công nghiệp.
- Thực hiện báo cáo định kỳ tình hình sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất qua Hệ thống Cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia trước ngày 15 tháng 02 hàng năm tại địa chỉ: http://chemicaldata.gov.vn theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 32/2017/TT-BCT ngày 28/12/2017 của Bộ Công Thương (bắt đầu thực hiện cho báo cáo của năm 2023 trở về sau). Các doanh nghiệp chưa thực hiện báo cáo định kỳ tình hình hoạt động hóa chất của năm 2022 qua Hệ thống Cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia thì đề nghị khẩn trương thực hiện ngay.
- Có trách nhiệm báo cáo đột xuất tình hình hoạt động hóa chất khi có sự cố xảy ra trong hoạt động hóa chất, chấm dứt hoạt động hóa chất và khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra thực tế công tác chấp hành pháp luật về hóa chất của các doanh nghiệp, vì vậy đề nghị Quý doanh nghiệp khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các nội dung trên.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị liên hệ phòng Kỹ thuật an toàn – Môi trường của Sở Công Thương (số điện thoại: 0936227832 gặp Sang) để được hướng dẫn.
Phòng KTATMT - SCT

Tác giả: quản trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây