Diễn biến tình hình và xu hướng phát trển thị trường mặt hàng gạo của tỉnh Tây Ninh Quý IV năm 2024

Thứ sáu - 14/02/2025 09:31 66 0
Diễn biến tình hình và xu hướng phát trển thị trường mặt hàng gạo của tỉnh Tây Ninh Quý IV năm 2024
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng 9 triệu tấn gạo trong năm 2024, thu về 5,67 tỷ USD, tăng 11,1% về lượng và tăng đến 21,2% về kim ngạch so với năm 2023. Đây là khối lượng và kim ngạch xuất khẩu kỷ lục trong lịch sử ngành gạo. Đồng thời 2024 cũng là năm thứ 5 liên tiếp, kim ngạch xuất khẩu gạo ghi nhận tăng trưởng dương.
Năm 2024, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam ghi nhận mức cao kỷ lục mới là 627 USD/tấn, tăng 9,1% so với năm 2023. Tuy nhiên, giá mặt hàng này đang có xu hướng giảm trong những tháng gần đây và đạt bình quân 624 USD/tấn vào tháng 12/2024, tiếp tục giảm 0,8% so với tháng trước và giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Năm 2024, các thị trường xuất khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung ở khu vực châu Á và châu Phi như: Philippin, Indonesia, Malayssia, Gana… Trong đó, xuất khẩu gạo sang các thị trường kể trên đều tăng so với năm 2023. Cụ thể, Philippin tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong năm vừa qua, với khối lượng đạt 4,22 triệu tấn, kim ngạch 2,6 tỷ USD, chiếm 46,7% về lượng và 46,1% về kim ngạch, tăng mạnh 34,7% về lượng và 48,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước đó. Giá gạo xuất khẩu sang thị trường này tăng 10,5%, đạt bình quân 618 USD/tấn. Đứng ở vị trí thứ hai là Indonessia, đạt 1,26 triệu tấn, kim ngạch 746,3 triệu USD, tăng 7,9% về lượng và 16,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, thị phần của Indonesia trong tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm vừa qua đã giảm xuống còn 13,9% từ mức 14,3% của 2023. Giá gạo xuất khẩu sang thị trường này đạt bình quân 594 USD/tấn, tăng 8,1%. Ngoài ra, lượng gạo xuất khẩu sang thị trường lớn tiếp theo là Malaysia cũng tăng mạnh 81,4% về lượng và gấp 2 lần về kim ngạch, đạt 719.241 tấn, kim ngạch 426 triệu USD. Thị trường này chiếm 8% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam cùng mức giá bình quân tăng 14,6% lên 592 USD/tấn. Lượng gạo xuất khẩu sang một số thị trường khác cũng đạt mức tăng trưởng khá tích cực như: Gana đạt 612.677 tấn, tăng 4,3%; Singapore đạt 157.755 tấn, tăng 22,4%; Nga đạt 10.947 tấn, tăng 2,1 lần… Đáng gs xuất khẩu gạo sang Ucraina tăng 14,5 lần về lượng và 14,7 về kim ngạch, đạt 7 triệu USD. Tuy nhiên, năm 2024 vừa qua đã chứng kiến lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh 68,9% so với măm 2023, thị trường Bờ Biển Ngà giảm 5,8%; Hồng Kông giảm 18,2%, Mỹ giảm 8,1%...
Năm 2024, gạo trắng tiếp tục là chủng loại được xuất khẩu nhiều nhất trong năm vừa qua, đạt 6,75 triệu tấn, trị giá 4,15 tỷ USD, tăng mạnh 33,2% về lượng và 45,2% về trị giá so với năm 2023. Chủng loại này chiếm đến 74,7% khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024, tăng mạnh so với mức tỷ trọng 62,3% của năm trước đó. Các thị trường xuất khẩu gạo trắng hàng đầu của Việt nam gồm Philippin, Indonesia, Malaysia. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu gạo thơm năm 2024 đạt 1,55 triệu tấn, trị giá 1 tỷ USD, giảm 20,5% về lượng và 15,1% về trị giá so với năm 2023. Trong đó, xuất khẩu gạo thơm sang các thị trường lớn như Philippin, Bờ Biển Ngà và Gana và đặc biệt là Trung Quốc đều giảm, trong khi Singapore, Malaysia, UAE, Australia, Pháp lại tăng mạnh, riêng thị trường Pháp tăng đến 15,1 lần lên 18.076 tấn. Xuất khẩu gạo nếp cũng giảm mạnh 32,3% về lượng và 28,3% về trị giá trong năm 2024 vừa qua do nhu cầu giảm từ thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, khối lượng xuất khẩu của gạo giống Nhật xuất khẩu cũng giảm 8,2%, nhóm gạo lứt, gạo hữu cơ, gạo huyết rồng… giảm 68,5%.
Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong quý IV/2024, kim ngạch xuất khẩu gạo của các tỉnh thành như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Cần Thơ tăng mạnh ở mức hai chữ số so với quý IV/2023, đặc biệt Tiền Giang tăng tới 198,6%, đạt 50,12 triệu USD. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo của các tỉnh thành khác như Hà Nội, Long An, Kiên Giang, An Giang lại giảm đáng kể. Tính chung năm 2024, cả nước có 20 tỉnh thành phố tham gia vào hoạt động xuất khẩu gạo, giảm 4 tỉnh thành so với năm 2023. Trong đó, Tây Ninh là một trong những địa phương không tham gia vào hoạt động xuất khẩu gạo trong năm nay. TP. Hồ Chí Minh tiếp tục đứng đầu về xuất khẩu gạo của cả nước trong năm 2024 vừa qua với kim ngạch đạt 1,52 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2023. Xét về tỷ trọng, TP. Hồ Chí Minh chiếm 26,8% tổng xuất khẩu gạo của cả nước, giảm so với mức 31,1% ghi nhận được trong năm 2023. Tiếp đến, đứng thứ hai về xuất khẩu gạo là tỉnh Đồng Tháp, đạt 1,07 tỷ USD, tăng mạnh 53,6% so với năm 2023 và chiếm 18,8% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo cả nước, cao hơn mức thị phần 14,9% của cùng kỳ. Sóc Trăng đứng ở vị trí thứ ba với kim ngạch đạt 745,9 triệu USD, tăng 10% và chiếm 13,1% tỷ trọng cả nước. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu gạo của một số tỉnh thành lớn khác cũng tăng rất mạnh như Hà Nội đạt 709,28 triệu USD, tăng 59,2% và chiếm 12,4% tỷ trọng; Cần Thơ đạt 578,5 triệu USD, tăng 20,8% và chiếm 10,1%; An Giang đạt 190,78 triệu USD, tăng 4,3%; Tiền Giang 129,13 triệu USD, tăng 42,2%...
Xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2025 nhiều khả năng sẽ giảm cả lượng và giá so với con số kỷ lục của năm 2024. Nguyên nhân là do nhu cầu suy yếu trong khi cạnh tranh gia tăng giữa các nước sản xuất. Dư địa cho xuất khẩu gạo năm 2025 còn rất ít trong bối cảnh mức nền của năm 2024 vốn đã ở mức cao trong khi có quá nhiều yếu tố bất lợi liên quan đến thị trường, đặc biệt là khi Ấn Độ nới lỏng lệnh hạn chế xuất khẩu gạo. Từ cuối năm ngoái đến nay nhiều quốc gia trồng lúa lớn bước vào mùa vụ thu hoạch, trong đó có Việt Nam đang bước vào vụ thu hoạch Đông Xuân khiến giá gạo Việt Nam sụt nhanh. Đồng thời tâm lý của các nhà nhập khẩu cũng có nhiều nguồn mới nên họ cũng không vội ký với Việt Nam. Do đó đơn hàng cuối năm ký giao trong dịp đầu năm nay cũng không quá nhiều. Các thương nhân đánh giá năm nay nguồn hàng cũng khá dồi dào. Tính đến nửa đầu tháng 1/2025, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm qua, trong khi giá gạo Ấn Độ vẫn ổn định gần mức thấp nhất trong 17 tháng và Thái Lan chạm đáy kể từ tháng 4/2023. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2025 sẽ chỉ đạt 7,5 triệu tấn, giảm so với mức kỷ lục 9 triệu tấn vào năm ngoái. Năm 2024, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan, với các thị trường chính là Philippin và Indonesia. Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm nay sẽ đối mặt với thách thức do nguồn cung có thể tăng từ Ấn Độ và nỗ lực cắt giảm nhập khẩu của Indonesia. Tuy nhiên, xuất khẩu sang Trung Quốc được dự báo sẽ cải thiện.
 (Bản tin diễn biến tình hình và xu hướng phát triển thị trường mặt hàng gạo của tỉnh Tây Ninh kèm theo)
Trân trọng./.
 

Tác giả: quản trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây