Nghị định số 10/2025/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2025 của Chính Phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực khoáng sản

Thứ sáu - 21/02/2025 23:11 19 0
Nghị định số 10/2025/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2025 của Chính Phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực khoáng sản
Ngày 11/01/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực khoáng sản.
I. Nghị định số 10/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản. Cụ thể:
1. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau: Khoáng sản đi kèm là khoáng sản khác nằm trong phạm vi ranh giới khu vực được phép khai thác, được thu hồi khi khai thác khoáng sản chính, kể cả khoáng sản khác ở bãi thải của mỏ đang hoạt động mà tại thời điểm đó xác định việc sử dụng có hiệu quả kinh tế hoặc khoáng sản cùng loại với khoáng sản chính nhưng quy cách không đáp ứng tiêu chuẩn để sản xuất hàng hóa theo mục đích sử dụng ban đầu của khoáng sản đó được xác định trong dự án đầu tư khai thác khoáng sản hoặc có hàm lượng, chất lượng khác so với hàm lượng, chất lượng đã được xác định theo kết quả thăm dò khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc công nhận.
2. Bổ sung khoản 10 và khoản 11 vào Điều 2 như sau:
- Thông tin điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản là toàn bộ các số liệu, dữ liệu, bản đồ được thu thập và tổng hợp trong quá trình đánh giá tiềm năng khoáng sản, thăm dò khoáng sản (sau đây gọi tắt là thông tin về khoáng sản).
- Đơn vị xác định chi phí điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản phải hoàn trả (sau đây gọi tắt là Đơn vị xác định chi phí phải hoàn trả) là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục Khoáng sản Việt Nam (đối với mỏ thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường), đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (đối với mỏ thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) có chức năng, nhiệm vụ xác định chi phí điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản phải hoàn trả (sau đây gọi tắt là chi phí phải hoàn trả).
3. Bổ sung Điều 20a vào sau Điều 20 như sau: “Điều 20a. Thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản đi kèm trong quá trình thăm dò, khai thác khoáng sản
3.1. Trường hợp khoáng sản đi kèm (kể cả đất đá thải của mỏ có Giấy phép khai thác khoáng sản đang còn hiệu lực) chưa được xác định trong Giấy phép khai thác khoáng sản, tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản có nghĩa vụ thu hồi tối đa, báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép khai thác khoáng sản để điều chỉnh nội dung Giấy phép khai thác khoáng sản hoặc cấp Giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định tại Nghị định này.
3.2. Đối với Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, trong quá trình thăm dò, khai thác khoáng sản chính có xác định khoáng sản đi kèm là vật liệu xây dựng thông thường hoặc than bùn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, điều chỉnh Giấy phép khai thác khoáng sản (bao gồm khoáng sản chính và khoáng sản đi kèm) theo quy định của Nghị định này.
3.3. Đối với Giấy phép thăm dò khoáng sản do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, trường hợp trong quá trình thăm dò phát hiện khoáng sản đi kèm thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì tổ chức, cá nhân có trách nhiệm lập báo cáo đánh giá về quy mô tài nguyên, trữ lượng khoáng sản đi kèm theo mẫu quy định tại Phụ lục IIc ban hành kèm theo Nghị định này và gửi Ủy ban nhân dân tỉnh để được giải quyết như sau:
a) Trường hợp khoáng sản đi kèm có quy mô tài nguyên, trữ lượng khoáng sản phù hợp với quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản lấy ý kiến chấp thuận của Bộ Tài nguyên và Môi trường để điều chỉnh Giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định.
b) Trường hợp khoáng sản đi kèm có quy mô tài nguyên, trữ lượng khoáng sản lớn hơn quy mô tài nguyên, trữ lượng khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này, Ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản kèm theo báo cáo đánh giá quy mô tài nguyên, trữ lượng khoáng sản đi kèm theo mẫu quy định tại Phụ lục IIc ban hành kèm theo Nghị định này, gửi về Bộ quản lý quy hoạch khoáng sản để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung quy hoạch khoáng sản làm cơ sở cấp phép theo quy định.
4. Đối với Giấy phép khai thác khoáng sản do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, trong quá trình khai thác phát hiện khoáng sản đi kèm thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì tổ chức, cá nhân lập báo cáo đánh giá về quy mô tài nguyên, trữ lượng khoáng sản đi kèm theo mẫu quy định tại Phụ lục IIc ban hành kèm theo Nghị định này và gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để được giải quyết như sau:
4.1. Trường hợp khoáng sản đi kèm có quy mô tài nguyên, trữ lượng khoáng sản phù hợp với quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, điều chỉnh Giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định trên cơ sở đề nghị của tổ chức, cá nhân.
4.2 Trường hợp khoáng sản đi kèm có quy mô tài nguyên, trữ lượng khoáng sản lớn hơn quy mô tài nguyên, trữ lượng khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản kèm theo báo cáo đánh giá quy mô tài nguyên, trữ lượng khoáng sản đi kèm theo mẫu quy định tại Phụ lục IIc ban hành kèm theo Nghị định này, gửi về Bộ quản lý quy hoạch khoáng sản để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung quy hoạch khoáng sản làm cơ sở cấp phép theo quy định.
5. Bổ sung Điều 37a vào sau Điều 37 như sau: “Điều 37a. Điều chỉnh Giấy phép khai thác khoáng sản
5.1. Các trường hợp điều chỉnh nội dung Giấy phép khai thác khoáng sản:
a) Trữ lượng khoáng sản sau khi thăm dò nâng cấp từ các khối tài nguyên trong phạm vi Giấy phép khai thác được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
b) Tổ chức, cá nhân có đề nghị khai thác, thu hồi khoáng sản đi kèm;
c) Khi có sự thay đổi tên tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản;
d) Khi tổ chức, cá nhân đề nghị thay đổi phương pháp khai thác, công suất khai thác đã xác định trong dự án đầu tư khai thác khoáng sản.
5.2. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép khai thác khoáng sản nào thì có thẩm quyền ra quyết định điều chỉnh Giấy phép khai thác khoáng sản đó.
5.3. Quyết định điều chỉnh nội dung Giấy phép khai thác khoáng sản là văn bản pháp lý không tách rời của Giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp trước đó.
5.4. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu điều chỉnh Giấy phép khai thác khoáng sản có nghĩa vụ thực hiện thủ tục về điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công; thủ tục về đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường (nếu có) trước khi đề nghị điều chỉnh Giấy phép khai thác khoáng sản.”.
6. Bổ sung Điều 42a vào sau Điều 42 như sau: “Điều 42a. Sử dụng đất, đá thải trong quá trình khai thác khoáng sản
6.1. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải sử dụng đất, đá thải để phục vụ cho mục đích cải tạo, phục hồi môi trường theo phương án cải tạo, phục hồi môi trường được phê duyệt theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; phục vụ trực tiếp cho các công trình thuộc phạm vi diện tích của dự án khai thác khoáng sản.
6.2. Ngoài phần đất, đá thải được sử dụng cho các mục đích quy định tại khoản 1 Điều này, khuyến khích tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản sử dụng đất, đá thải để phục vụ các công trình giao thông, xây dựng hoặc các mục đích phát triển kinh tế, xã hội khác trên nguyên tắc thu hồi tối đa các giá trị của đất, đá thải theo tiêu chí kinh tế tuần hoàn theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp thuận.”.
7. Bổ sung Điều 53a sau Điều 53 như sau: “Điều 53a. Hồ sơ đăng ký khối lượng khoáng sản thu hồi từ dự án nạo vét (hồ, vùng nước công trình thủy lợi, thủy điện) và khơi thông luồng lạch
Thành phần hồ sơ bao gồm:
- Văn bản đề nghị thu hồi khoáng sản kèm theo Bản đồ vị trí, phạm vi khu vực nạo vét và khơi thông luồng; Bản đăng ký khối lượng, kế hoạch, phương pháp, thiết bị dùng để thu hồi khoáng sản theo quy định tại Mẫu số 02 Phụ lục IId ban hành kèm theo Nghị định này (bản chính)
- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu, bản sao điện tử có chứng thực từ bản chính:
+ Kế hoạch, thời gian thực hiện dự án nạo vét và khơi thông luồng lạch kèm theo quyết định phê duyệt dự án nạo vét và khơi thông luồng lạch của cơ quan, người có thẩm quyền quyết định đầu tư;
+ Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án kèm theo quyết định phê duyệt kết quả thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc báo cáo đề xuất kèm theo giấy phép môi trường của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (nếu có), đăng ký bảo vệ môi trường (trừ trường hợp được miễn trừ theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường);
- Các giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện, thủy lợi của cơ quan có thẩm quyền (nếu có);
- Hợp đồng thuê bến bãi chứa khoáng sản (nếu có).”.
II. Nghị định số 10/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
1. Bổ sung Điều 22a vào sau Điều 22 như sau:“Điều 22a. Hủy kết quả đấu giá và hủy Quyết định phê duyệt kết quả đấu giá
1.1. Hủy kết quả đấu giá thực hiện theo quy định tại Điều 72 Luật Đấu giá tài sản. Văn bản hủy quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá theo Mẫu số 08 và Mẫu số 09 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
1.2. Trường hợp tổ chức, cá nhân trúng đấu giá không nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản hợp lệ, đầy đủ theo quy định cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định của pháp luật về khoáng sản trong thời hạn quy định tại điểm c, điểm d khoản 2 Điều 11 Nghị định này, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hủy Quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá.”.
III. Nghị định số 10/2025/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2019/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 3 năm 2025.
Bãi bỏ Điều 3, Điều 5 Nghị định số 22/2023/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Bãi bỏ khoản 3 Điều 9 Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.
 

Tác giả: quản trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây