Sở Công thương tỉnh Tây Ninhhttps://socongthuong.tayninh.gov.vn/uploads/logoportal.png
Thứ sáu - 14/02/2025 09:27840
Năm 2024, xuất khẩu cao su của Việt Nam giảm về lượng nhưng vẫn thiết lập kỷ lục mới về kim ngạch nhờ giá tăng cao. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng 2 triệu tấn cao su trong năm 2024, với kim ngạch thu về hơn 3,4 tỷ USD, giảm 6,2% về lượng nhưng tăng mạnh 18,2% về kim ngạch so với năm 2023. Giá cao su xuất khẩu bình quân năm 2024 đạt 1.701 USD/tấn, mức cao nhất ghi nhận được trong hơn 10 năm qua, tăng mạnh 26% (tương ứng 351 USD/tấn) so với năm 2023. Đà tăng giá này được thúc đẩy bởi sự thiếu hụt nguồn cung toàn cầu, thời tiết bất lợi tại các nước sản xuất chính. Về thị trường, xuất khẩu cao su năm vừa qua sang các thị trường chứng kiến sự sụt giảm tại Trung Quốc nhưng gia tăng ở nhiều thị trường lớn và tiềm năng khác. Cụ thể, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong năm 2024 đạt 1,45 triệu tấn, trị giá 2,44 tỷ USD, giảm 15,1% về lượng và tăng 7,6% về trị giá so với năm 2023, chiếm 72,1% trong tổng khối lượng cao su xuất khẩu của nước ta. Nhu cầu nhập khẩu cao su của Trung Quốc giảm trong năm vừa qua chủ yếu là do giá mặt hàng này tăng cao, trong khi tồn kho trong nước dồi dào và nhu cầu tiêu dùng chậm lại do tăng trưởng kinh tế trì trệ. Trong khi đó, xuất khẩu cao su sang thị trường đứng thứ hai là Ấn Độ đạt 122.499 tấn, trị giá 211,9 triệu USD, tăng 8,7% về lượng và 35,2% về trị giá so với năm 2023. Ấn Độ chiếm 6,1% trong tổng lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam năm 2024, cao hơn mức 5,3% của năm 2023. Ngoài ra, lượng cao su xuất khẩu sang nhiều thị trường khác cũng đạt mức tăng trưởng khá tích cực như EU tăng 29%, Mỹ tăng 9,5%, Đài Loan tăng 8,4%, Nga tăng 17,5%, Indonesia tăng 72,6%… Đáng chú ý, Malaysia vươn lên vị trí thứ tư về thị trường xuất khẩu cao su của nước ta với khối lượng đạt 38.442 tấn, trị giá 56,16 triệu USD, tăng đột biến gấp 5,3 lần về lượng và 6,1 lần về trị giá so với năm 2023. Trong năm 2024, các chủng loại cao su xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu vẫn là hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280), Latex, SVR 10, SVR 3L, SVR CV60, RSS3, SVR CV50, SVR 20... Trong đó, đứng đầu tiếp tục là hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280), đạt 1,18 triệu tấn, trị giá 2 tỷ USD, chiếm gần 59% về lượng và 60,5% về trị giá, nhưng so với năm 2023 giảm mạnh 18,2% về lượng và tăng 3,8% về trị giá. Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này là do nhu cầu của Trung Quốc, thị trường chiếm tới 99,7% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên xuất khẩu của nước ta chậm lại. Năm 2024 vừa qua, giá xuất khẩu bình quân hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280) đạt 1.749 USD/tấn, tăng 26,9% so với năm trước đó. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu các chủng loại cao su tự nhiên khác tăng trưởng cao cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Đơn cử như chủng loại lớn thứ hai là Latex đạt 311.354 tấn, trị giá 416,05 triệu USD, tăng 26,2% về lượng và 74,3% về trị giá, chiếm 15,5% tổng khối lượng cao su xuất khẩu. Ngoài ra, lượng cao su SVR 10 xuất khẩu tăng 22,6%; SVR 3L tăng 19%; SVR CV60 tăng 3,6%; RSS 3 tăng 7,1%; SVR CV50 tăng 36,6%; RSS 1 tăng 30,2%… Chỉ có một số chủng loại cao su xuất khẩu sụt giảm so với năm 2023 như: SVR 20 (-41%), cao su tổng hợp (-30,6%), RSS 4 (-16,3%)… Cùng với đó, giá xuất khẩu bình quân hầu hết chủng loại cao su tăng mạnh so với năm 2023 như: Latex tăng 38,1%; SVR 10 tăng 24,2%; SVR 3L tăng 24,7%; SVR CV60 tăng 24,9%... Tính toán số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 12/2024, xuất khẩu cao su của tỉnh Tây Ninh đạt 63,71 triệu USD, tăng mạnh 23,8% so với tháng trước và tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2023. Kết thúc năm 2024, tổng xuất khẩu cao su của tỉnh Tây Ninh đạt 478,54 triệu USD, tăng mạnh 49,4% so với năm 2023. Kết quả này giúp Tây Ninh vươn lên vị trí thứ ba trên cả nước về xuất khẩu cao su chỉ sau Kon Tum và Bình Phước, chiếm 14% trong tổng kim ngạch cao su của cả nước so với mức 11,1% của năm trước. Đồng thời, tăng trưởng xuất khẩu cao su của tỉnh Tây Ninh cũng cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng chung 18,3% của cả nước và mức tăng 31,2% của khu vực Đông Nam Bộ. Trong tháng cuối cùng của năm 2024, xuất khẩu cao su của tỉnh Tây Ninh một số thị trường chính tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm 2023 như: Trung Quốc đạt 290,6 triệu USD, tăng 117%; Ấn Độ đạt 3,16 tỷ USD, tăng 21,5%; Campuchia đạt 803 triệu USD, tăng 132,6%; Hàn Quốc đạt 1,6 triệu USD, tăng 6,8%; Italia tăng 93,6%; Thổ Nhĩ Kỳ tăng 80,2%; Indonesia tăng đột biến 4,910%... Ngược lại, Mỹ giảm 46,8%; Nga giảm 12,4%, Tây Ban Nha giảm 46,2%... Tính chung năm 2024 vừa qua, tổng cộng tỉnh Tây Ninh đã xuất khẩu cao su tới 48 thị trường khác nhau trên thế giới, giảm 3 thị trường so với năm 2023. Trong đó, có tới 33 thị trường ghi nhận kim ngạch tăng trưởng mạnh từ hai đến ba con số so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ có 8 thị ghi nhận sụt giảm. Các thị trường có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất gồm Bỉ tăng 511,6%, Pháp tăng 254,3%, Chilê tăng 228,1%, Canada tăng 208,7%, Indonesia tăng 187,7%... Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của tỉnh Tây Ninh trong năm 2024, với kim ngạch đạt 290,6 triệu USD, tăng 39,7% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 60,7% tổng kim ngạch xuất khẩu cao su của toàn tỉnh. Đứng thứ hai là thị trường Ấn Độ, đạt 44,18 triệu USD, tăng 41,1% so với năm 2023 và chiếm 9,2% thị phần. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu cao su sang thị trường lớn thứ ba là Campuchia đạt 41,4 triệu USD, tăng mạnh gần gần 3 lần (193,3%) năm 2023. Thị phần của Campuchia trong tổng kim ngạch xuất khẩu cao su của tỉnh Tây Ninh đã tăng từ 4,4% của năm 2023 lên 8,7% trong năm 2024. Ngoài các thị trường kể trên, năm 2024, xuất khẩu cao su của Tây Ninh sang nhiều thị trường lớn khác cũng tăng trưởng mạnh ở mức hai đến ba con số như: Hàn Quốc đạt 25,85 triệu USD, tăng 37,1% và chiếm 5,4% thị phần; thị trường Mỹ đạt 11,16 triệu USD, tăng 63,3% và chiếm 2,3%; Nga đạt 9,65 triệu USD, tăng 33,1% và chiếm 2%; Italia đạt 8,72 triệu USD, tăng 78,9%; Thổ Nhĩ Kỳ tăng 41,4%... Xuất khẩu cao su của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục đà tăng trưởng trong năm 2025 do nhu cầu của Trung Quốc đang có dấu hiệu phục hồi trở lại. Trong khi đó, nguồn cung toàn cầu dự kiến vẫn thắt chặt. Dữ liệu từ ANRPC cho thấy, sản lượng cao su tại các quốc gia sản xuất chính trong khu vực Đông Nam Á có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Sản lượng cao su thiên nhiên của Thái Lan trong giai đoạn 2019-2024 đã giảm từ 4,85 triệu tấn xuống còn 4,7 triệu tấn. Tương tự, sản lượng ở Indonesia đã giảm từ 3,3 triệu tấn xuống còn 2,5 triệu tấn và sản lượng ở Malaysia từ 640.000 xuống còn 340.000 tấn trong cùng giai đoạn. Sự suy giảm sản lượng này có thể sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu, đẩy giá lên cao hơn trong những năm tới. Theo Hiệp hội cao su Việt Nam (VRA), con số giá trị xuất khẩu 3,4 tỷ USD năm 2024 được Tổng cục Hải quan công bố, mới chỉ là xuất khẩu mủ cao su (tươi và sơ chế). Thực ra, tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành cao su trong năm 2024 lên đến 10,2 tỷ USD. Đây cũng là mốc kỷ lục cao nhất từ trước tới nay. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm cao su chế biến sâu (lốp ô tô, găng cao su và các sản phẩm khác) đạt 4,5 tỷ USD và xuất khẩu gỗ cao su ước đạt 2,3 tỷ USD. VRA nhận định năm 2025 hứa hẹn sẽ tiếp tục là một năm thành công với ngành cao su Việt Nam, dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành sẽ đạt 11- 11,2 tỷ USD, tăng trưởng 10% so với năm 2024. Dự báo này được đưa ra trong bối cảnh ngành cao su không ngừng tìm kiếm cơ hội để tăng trưởng bền vững, đặc biệt khi giá trị xuất khẩu đang có xu hướng tăng mạnh nhờ các yếu tố kinh tế quốc tế và các chính sách nội tại của Việt Nam. Ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc, nơi tiêu thụ một lượng lớn cao su, được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2025, do nhu cầu cao từ cả thị trường nội địa và các quốc gia xuất khẩu. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp cao su Việt Nam khi nhu cầu từ Trung Quốc tiếp tục gia tăng. Giá cao su trong giai đoạn đầu năm 2025 được dự báo sẽ tiếp tục giữ mức cao, chủ yếu nhờ vào sự hỗ trợ của cả cung và cầu. Theo nhận định của các chuyên gia, mặc dù sản lượng cao su tự nhiên tại các quốc gia sản xuất hàng đầu có xu hướng thu hẹp, nhưng nhu cầu tiêu thụ cao su toàn cầu vẫn tiếp tục tăng, đặc biệt là từ Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu cao su lớn nhất thế giới. Một yếu tố quan trọng giúp duy trì giá cao su ở mức cao là sự gia tăng nhu cầu cao su phục vụ cho ngành "sản xuất lốp xe" và các thiết bị công nghiệp. Các công ty cao su Việt Nam đang hưởng lợi từ xu hướng này, khi nhu cầu cao su toàn cầu tăng cao, góp phần đẩy giá cao su xuất khẩu tăng lên. Tuy nhiên, thách thức lớn của ngành cao su là Quy định không phá rừng của EU (EUDR) sẽ có hiệu lực vào 1/2026. EUDR yêu cầu các sản phẩm nhập khẩu, bao gồm cao su, phải chứng minh rõ ràng nguồn gốc và tuân thủ các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Nếu các sản phẩm cao su của Việt Nam đáp ứng được các quy định của EUDR, ngành cao su sẽ có cơ hội mở rộng thị trường tại EU và nhiều thị trường khó tính khác, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc như hiện nay. Trân trọng./.