Diễn biến tình hình và xu hướng phát triển thị trường mặt hàng sắn và các sản phẩm từ sắn của tỉnh Tây Ninh tháng 12 năm 2024

Thứ sáu - 14/02/2025 09:30 89 0
Diễn biến tình hình và xu hướng phát triển thị trường mặt hàng sắn và các sản phẩm từ sắn của tỉnh Tây Ninh tháng 12 năm 2024
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2024, diện tích sắn trên cả nước đạt khoảng 517,8 nghìn ha, tăng 6,8 nghìn ha so với năm 2023; năng suất trung bình đạt 204,4 tạ/ha, tăng khoảng 0,6 tạ/ha so và sản lượng ước đạt 10,58 triệu tấn củ tươi, tăng khoảng 145,1 nghìn tấn so với năm 2023. Năm 2024, nhập khẩu sắn tươi của Việt Nam đạt 5,45 triệu tấn, với trị giá 635,13 triệu USD, tăng 28% về lượng và tăng 19% về trị giá so với năm 2023. Đầu tháng 01/2025, tình hình tiêu thụ tinh bột sắn vẫn ảm đạm, mặc dù tồn kho tinh bột sắn tại Trung Quốc rất thấp, nhưng các thương nhân Trung Quốc vẫn chưa có kế hoạch mua nhiều hàng nhập kho như các năm trước đây, cho dù đang là thời điểm chính vụ. Điều này, đẩy tồn kho tại thời điểm hiện nay tại các nhà máy sắn lên mức cao hơn thông thường hàng năm. Sắt lát của Lào dự kiến về miền Trung sẽ nhiều hơn sau Tết nguyên đán nhưng giá sẽ khó giảm mạnh. Do sản lượng sản xuất tính đến thời điểm này không đạt như kỳ vọng, và với tiêu chí “người dân còn thu hoạch sắn củ tươi thì nhà máy vẫn thu mua”, một số nhà máy tập trung chạy máy đến sát Tết (khoảng 27 tháng Chạp) mới dừng máy nghỉ Tết. Một số khách hàng Trung Quốc đề nghị lấy hàng trước Tết, chờ ngoài Tết mới nhận hàng tại cảng Trung Quốc, đẩy lượng hàng xuất khẩu qua đường biển tăng.
Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, giá sắn tươi tại các tỉnh miền Bắc giảm nhẹ so với cuối tháng trước, hiện giá thu mua dao động ở mức 1.550-1.800 đồng/kg, giảm 50-150 đồng/kg so với cuối tháng trước. Trong khi đó, tại các tỉnh miền Trung, giá sắn tươi được thu mua ở mức 1.550- 2.150 đồng/kg, giảm 50-150 đồng/kg so với cuối tháng trước. Giá sắn tươi thu mua tại Kon Tum dao động ở mức 1.600-1.900 đồng/kg, ổn định so với cuối tháng trước. Giá sắn tươi giảm mạnh do thị trường xuất khẩu đang gặp khó khăn, trong đó chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Giá xuất khẩu sắt lát cũng điều chỉnh giảm so với cuối tháng trước. Hiện giá xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khoảng 210 USD/tấn FOB Quy Nhơn, giảm 10 USD/tấn so với cuối tháng trước; trong khi giá xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc khoảng 275 USD/tấn FOB Quy Nhơn, ổn định so với cuối tháng trước. Nhu cầu hỏi mua hàng từ khách hàng Trung Quốc không nhiều, cho dù giá xuất khẩu đang ở mức khá thấp. Dự kiến, nhiều đơn vị kinh doanh sắn lát sẽ giảm sản lượng trữ kho vụ 2024/25 từ 20 – 30% so với sản lượng vụ 2023/24. Giá sắn lát hiện tại đang rất thấp khi so sánh với giá ngô và lúa mỳ. Theo đó, các nhà máy thức ăn chăn nuôi có thể sẽ sử dụng sắn lát nhiều hơn trong công thức phối trộn sản phẩm thức ăn chăn nuôi trong thời gian tới. Trong bối cảnh giá sắn lát đang ở mức thấp, chất lượng tốt (khô sạch, độ bột cao), nhiều đơn vị mở kho nhập hàng để vừa trữ kho vừa chờ tàu biển xuất khẩu đi Trung Quốc. Trong khi đó, giá tinh bột sắn xuất khẩu cũng trong xu hướng giảm so với cuối tháng trước. Hiện các nhà máy Việt Nam đang chào bán tinh bột sắn với mức giá trong khoảng 400-410 USD/tấn FOB cảng thành phố Hồ Chí Minh, giảm 15 USD/tấn so với cuối tháng trước. Giá tinh bột sắn giao tại Móng Cái và Lạng Sơn dao động ở mức 2.950-3.070 CNY/tấn, giảm 110 CNY/tấn so với cuối tháng trước. Dự kiến vụ sản xuất 2024/25 sẽ kết thúc sớm hơn tại nhiều nhà máy và sản lượng tinh bột sắn có thể sẽ bằng khoảng 75% so với sản lượng vụ 2023/24.
Năm 2024, xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn vẫn sụt giảm so với năm 2023 do nhu cầu của Trung Quốc chậm lại. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2024, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 2,62 triệu tấn, trị giá 1,15 tỷ USD, giảm 11,1% về lượng và giảm 11,4% về trị giá so với năm 2023. Tính riêng mặt hàng sắn, năm 2024, xuất khẩu sắn đạt 467,84 nghìn tấn, trị giá 119,07 triệu USD, giảm 43,1% về lượng và giảm 48,6% về trị giá so với năm 2023. Giá xuất khẩu bình quân sắn năm 2024 ở mức 254 USD/tấn, giảm 9,7% so với năm 2023.
Năm 2024, giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn giảm nhẹ so với năm trước. Giá sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu năm 2024 đạt 440,4 USD/tấn, giảm 0,2% so với năm 2023.
Trong năm 2024, sắn và các sản phẩm từ sắn được xuất khẩu sang 66 thị trường, trong đó, - Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 92,85% về lượng và chiếm 91,77% về kim ngạch trong tổng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của cả nước, đạt 2,43 triệu tấn, trị giá 1,06 tỷ USD, giảm 9,8% về lượng và giảm 10,6% về trị giá so với năm 2023. Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2024 ở mức 435,3 USD/tấn, giảm 0,8% so với năm 2023. Nhu cầu sắn và các sản phẩm từ sắn của Trung Quốc chậm lại trong năm 2024 đã ảnh hưởng đến xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam. - Đứng thứ hai là thị trường Đài Loan. Trong năm 2024, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang thị trường Đài Loan đạt gần 49,12 nghìn tấn, với trị giá 25,75 triệu USD, giảm 3,4% về lượng và giảm 2,7% về trị giá so với năm 2023. Xuất khẩu sắn sang Đài Loan chiếm 1,87% về lượng và chiếm 2,23% về kim ngạch trong tổng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của cả nước trong năm 2024. Trong năm 2024, mặc dù lượng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu giảm, nhưng xuất khẩu sang một thị trường vẫn tăng trưởng tốt cả về lượng và trị giá so với năm 2023 như: Malaysia, Pakistan... Tuy nhiên các thị trường này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng xuất khẩu sắn của cả nước. Trong khi xuất khẩu sang một số thị trường lớn đều sụt giảm như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, thị trường Đài Loan, Philippin… Nhìn chung, năm 2024 xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc ẩn chứa nhiều rủi ro và chưa tận dụng được các cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước, các khu vực có ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) như: EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ... Tại các thị trường này, lượng sắn và các sản phẩm từ sắn nhập khẩu từ Việt Nam còn rất thấp.
Trong năm 2024, các chủng loại sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu gồm tinh bột sắn, sắn lát khô và củ sắn tươi đã qua chế biến. Trừ sắn lát khô, lượng tinh bột sắn và củ sắn tươi đã qua chế biến xuất khẩu của Việt Nam đều tăng nhẹ so với năm 2023.
Xuất khẩu tinh bột sắn tăng nhẹ so với năm 2023. Năm 2024, tinh bột sắn được xuất khẩu nhiều nhất với trên 2,15 triệu tấn, trị giá 1,03 tỷ USD, tăng 0,7% về lượng, nhưng giảm 3,7% về trị giá so với năm 2023. Tinh bột sắn của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường như: Trung Quốc, thị trường Đài Loan, Indonesia, Philippin, Malaysia, Mỹ, Nam Phi, Papua New Guinea, Hàn Quốc, Australia…
Năm 2024, giá xuất khẩu bình quân tinh bột sắn sang các thị trường phần lớn đều giảm nhẹ so với năm ngoái. - Tính chung, năm 2024, giá xuất khẩu bình quân tinh bột sắn ở mức 481 USD/tấn, giảm 4,4% so với năm 2023.
Trong năm 2024, tinh bột sắn được xuất khẩu sang 57 thị trường, trong đó Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu tinh bột sắn lớn nhất của Việt Nam. Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu được trên 2,01 triệu tấn tinh bột sắn sang thị trường Trung Quốc, trị giá 958,13 triệu USD, tăng 1,3% về lượng, nhưng giảm 3,8% về trị giá so với năm 2023 do giá xuất khẩu giảm. Xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 93,64% về lượng và chiếm 92,63% về trị giá trong tổng xuất khẩu tinh bột sắn của cả nước trong năm 2024. - Đứng thứ hai là thị trường Đài Loan. Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu được 49,09 nghìn tấn tinh bột sắn sang thị trường Đài Loan, trị giá 25,73 triệu USD, giảm 3,4% về lượng và giảm 2,8% về trị giá so với năm 2023. Xuất khẩu sang thị trường Đài Loan chiếm 2,28% về lượng và chiếm 2,49% về trị giá trong tổng xuất khẩu tinh bột sắn của cả nước trong năm 2024. - Đáng chú ý, trong năm 2024, xuất khẩu tinh bột sắn của Việt Nam sang một số thị trường vẫn đạt tăng trưởng tốt so với năm 2023 như: Trung Quốc, Malaysia, Mỹ, Nam Phi, Australia, Tây Ban Nha, Pakixtan, Môtitania... Tuy nhiên, xuất khẩu sang một số thị trường chủ chốt vẫn sụt giảm mạnh như: Đài Loan, Philippin, Papua New Guinea, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản…
Xuất khẩu sắn lát khô giảm mạnh trong năm 2024. Năm 2024, xuất khẩu sắn lát khô đạt 467,84 nghìn tấn, trị giá 117,15 triệu USD, giảm 42,5% về lượng và giảm 48,3% về trị giá so với năm 2023. Giá xuất khẩu bình quân sắn lát khô giảm so với năm trước. Giá xuất khẩu bình quân sắn lát khô trong năm 2024 ở mức 250 USD/tấn, giảm 10% so với năm 2023. Năm 2024, sắn lát khô được xuất khẩu sang 6 thị trường gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Papua New Guinea và Campuchia. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sắn lát khô lớn nhất của Việt Nam. Năm 2024, xuất khẩu sắn lát khô sang Trung Quốc đạt 426,76 nghìn tấn, trị giá 104,87 triệu USD, giảm 40,4% về lượng và giảm 45,4% về trị giá so với năm 2023. Xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 91,22% về lượng và chiếm 89,52% về trị giá trong tổng xuất khẩu sắn lát khô của cả nước trong năm 2024. Nhìn chung, năm 2024, xuất khẩu sắn lát khô sang các thị trường như: Trung Quốc, Hàn Quốc và Malaysia đều giảm mạnh so với năm 2023; trong khi xuất khẩu sang Indonesia tăng.
Trong năm 2024, sắn và các sản phẩm từ sắn của Tây Ninh được xuất khẩu sang 40 thị trường, trong đó Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của tỉnh Tây Ninh, chiếm 91,82% tổng trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của tỉnh Tây Ninh với 345,55 triệu USD, tăng 28,3% so với năm 2023. Đứng thứ hai là thị trường Indonesia, đạt trên 7,75 triệu USD, chiếm 2,06% tổng trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của tỉnh Tây Ninh trong năm 2024. Đứng thứ ba là thị trường Philippin, đạt trên 5,11 triệu USD, tăng 7,9% so với năm 2023, chiếm 1,36% tổng trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của tỉnh Tây Ninh trong năm 2024. Qua số liệu thống kê cho thấy, năm 2024, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Tây Ninh sang các thị trường phần lớn đều tăng trưởng tốt so với năm 2023, trong đó đáng chú ý như: Trung Quốc, Indonesia, Philippin, Mỹ, Malaysia, Đài Loan, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bỉ... Tuy nhiên, trừ Trung Quốc, các thị trường còn lại chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của tỉnh Tây Ninh. Trong khi đó, xuất khẩu sang một số thị trường có xu hướng giảm so với năm 2023 như: Hàn Quốc, Hà Lan, Australia, Anh, Singapore, Angiêri, Môtitania, Bangladet, Ấn Độ, Pháp, Nhật Bản…
Năm 2025, Trung Quốc vẫn sẽ là điểm đến tiềm năng nhất của sắn và các sản phẩm sắn Việt Nam nhờ nhu cầu lớn, vị trí địa lý gần, chi phí logistics và rủi ro thấp hơn các thị trường khác. Tuy nhiên, tại thị trường này, sắn và tinh bột sắn của Việt Nam đang bị cạnh tranh mạnh với sắn và tinh bột sắn của Thái Lan, Lào và Campuchia. Để cạnh tranh với Thái Lan trong việc xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn sang Trung Quốc, các doanh nghiệp sắn Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ vững và mở rộng thị phần tại thị trường Trung Quốc. Nhất là khi hiện nhiều nhà máy sản xuất tinh bột sắn của Trung Quốc đang tích cự đầu tư vào các nhà máy sản xuất Lào do giá của sắn và nhân công rẻ hơn. Theo www.gminsights.com, thị trường bột sắn Trung Quốc được định giá đạt 5,5 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ tăng trưởng trugn bình ở mức 6,3%/năm trong giai đoạn 2024-2034, do vai trò đáng kể của thị trường này trong việc trồng và chế biến sắn. Quốc gia này là một nhà sản xuất lớn, với cơ sở hạ tầng chế biến mạnh mẽ hỗ trợ sản xuất bột sắn chất lượng cao cho cả tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Nhu cầu ngày càng tăng của Trung Quốc đối với các sản phẩm thực phẩm không chứa gluten, có nguồn gốc thực vật và có ý thức về sức khỏe đã thúc đẩy thị trường này hơn nữa. Ngoài ra, ngành sản xuất thực phẩm đang mở rộng của nước này ngày càng kết hợp bột sắn vào các sản phẩm không chứa gluten, đồ ăn nhẹ và các loại thực phẩm chế biến khác. Vị thế dẫn đầu thị trường của Trung Quốc cũng được quy cho chuỗi cung ứng quy mô lớn và năng lực xuất khẩu của nước này. Theo báo cáo nghiên cứu thị trường sắn của www.einpresswire.com, quy mô thị trường sắn toàn cầu dự báo đạt 207,22 tỷ USD vào năm 2025, tăng lên mức 299,62 tỷ USD vào năm 2034, dự kiến tăng trưởng với tốc độ trung bình (CAGR) là 4,2%/năm trong giai đoạn 2025-2034. Một trong những lý do chính cho sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi nhu cầu sử dụng sắn tăng trên nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm thực phẩm và đồ uống, thức ăn chăn nuôi và các ứng dụng công nghiệp. Ngành sắn toàn cầu đang trải qua quá trình chuyển đổi do sở thích của người tiêu dùng thay đổi, những tiến bộ trong công nghệ chế biến và nhận thức ngày càng tăng về lợi ích dinh dưỡng của sắn. Ngoài việc sử dụng truyền thống trong thực phẩm và đồ uống, sắn đang ngày càng được chú ý trong sản xuất bioethanol, nhựa phân hủy sinh học và các sản phẩm dược phẩm. Ví dụ, nhu cầu về nhựa sinh học từ sắn đang tăng lên khi các ngành công nghiệp trên toàn thế giới chuyển sang các vật liệu thân thiện với môi trường. Hơn nữa, các dẫn xuất tinh bột sắn được sử dụng trong dệt may, sản xuất giấy và sản xuất chất kết dính, mang lại cơ hội sinh lợi cho các bên liên quan trong ngành.
Trân trọng./.
 

Tác giả: quản trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây