Sở Công thương tỉnh Tây Ninhhttps://socongthuong.tayninh.gov.vn/uploads/logoportal.png
Thứ sáu - 14/02/2025 09:29720
Tháng 1/2025, giá sầu riêng có xu hướng tăng nhẹ trở lại, do hiện nay sản lượng sầu riêng tới lứa cần thu hoạch ở khu vực miền Tây còn rất ít. Mãng cầu ta của tỉnh Tây Ninh có khả năng tiêu thụ rộng rãi tại thị trường nội địa và hướng đến xuất khẩu Tây Ninh được coi là thủ phủ của mãng cầu ta (na) của cả nước, diện tích đạt 5.600 ha. Nhằm bảo tồn và phát triển giống cây mãng cầu bản địa có giá trị kinh tế cao, bảo vệ đa dạng sinh học, nguồn gen, góp phần phát triển thương hiệu mãng cầu Tây Ninh, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ký quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống mãng cầu ta do Sở Nông nghiệp và Môi trưởng tỉnh Tây Ninh đăng ký. Hiện Tây Ninh có trên 5.100 ha mãng cầu cho sản phẩm với sản lượng cung cấp ra thị trường ước đạt 74.649,8 tấn/năm. Năng suất bình quân đạt 145,2 tấn/ha. Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hiện có 8 xã có chỉ dẫn địa lý mãng cầu Bà Đen, sản xuất tập trung gồm: xã Suối Đá, xã Phan, xã Bàu Năng (thuộc huyện Dương Minh Châu); xã Tân Hưng (thuộc huyện Tân Châu); xã Thạnh Tân, xã Tân Bình, phường Ninh Thạnh, phường Ninh Sơn (thuộc thành phố Tây Ninh). Về chất lượng, mãng cầu Bà Đen có tỷ lệ hàm lượng đạm, đường tổng số, năng lượng (calories) cao với độ pH trung tính. Ngoài ra trong nạc trái mãng cầu còn có chứa nhiều nguyên tố vi lượng như kali, kẽm, magiê, mangan, sắt, canxi và giàu các loại vitamine như B1, C. Với đặc điểm là trái to, thịt dai, mùi vị thơm ngon, mãng cầu Bà Đen hiện đang có mặt trên tất cả các thị trường tiêu thụ lớn của cả nước. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tây Ninh, hiện nay, có 4 nhóm giống mãng cầu ta được trồng phổ biến. Tuy nhiên chỉ có nhóm giống mãng cầu dai là được người dân ưa chuộng do có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Mãng cầu ta có thể nhân giống vô tính và hữu tính. Trong sản xuất, biện pháp nhân giống bằng hạt vẫn được người dân áp dụng rộng rãi do chi phí thấp, cây trồng từ hạt có độ đồng đều tương đối so với một số cây ăn quả khác. Biện pháp ghép ít được áp dụng do khó làm, chi phí cao. Tuy nhiên vườn mãng cầu trồng bằng cây nhân giống vô tính cần được quan tâm nhằm tạo vườn cây thuần giống giúp ổn định năng suất, phẩm chất tốt, đồng đều, đáp ứng được yêu cầu trong quá trình tiêu thụ sản phẩm. Việc giống mãng cầu ta bản địa của tỉnh Tây Ninh (bông xoắn, bông thẳng) đã chính thức được Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho phép được lưu hành đặc cách. Đây là bước tiến mới trong phát triển giống của Tây Ninh, tạo ra cây giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mãng cầu. Qua đó, ý nghĩa của việc công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng đối với giống mãng cầu ta (na) của tỉnh Tây Ninh đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở kinh doanh giống mãng cầu bản địa có chứng nhận nguồn gốc xuất xứ của giống, đảm bảo chất lượng nguồn giống từ địa phương và đặc biệt quan trọng là mang thương hiệu Mãng cầu Tây Ninh có mã số lưu hành trên toàn quốc là CNLH.2024.76. Để thực hiện tốt việc quản lý chất lượng giống cũng như sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Bà Đen” cho sản phẩm quả mãng cầu Tây Ninh, Sở Nông nghiệp và Môi trường cũng đã đề nghị các tổ chức, cá nhân trồng và sản xuất giống mãng cầu đã được cấp Quyết định bảo hộ giống cây trồng cần tiếp tục áp dụng tốt các quy trình sản xuất như: chương trình quản lý dịch hại IPM, ICM... quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất để bảo tồn, nhân giống, cải thiện giống cây mãng cầu mang lại hiệu quả, chất lượng cao hơn. Trước đó, sản phẩm mãng cầu Bà Đen đã được Cục Sở Hữu Trí tuệ cấp chỉ dẫn địa lý và bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ Việt Nam và được xếp hạng sản phẩm OCOP hạng 4 sao. Trong khi đó, kỹ thuật canh tác đối với cây mãng cầu Bà Đen của các hộ trồng mãng cầu cũng có những đặc thù. Để trái mãng cầu Bà Đen phát triển bền vững, người trồng mãng cầu cũng phải chủ động tham gia vào chuỗi giá trị, nhất là việc cải tiến kỹ thuật để nâng cao chất lượng, năng suất sản phẩm cho trái mãng cầu. Kết thúc năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả Việt Nam ghi nhận mức cao kỷ lục. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta ra thế giới đạt xấp xỉ 7,15 tỷ USD, tăng 27,6% so với năm 2023. Để đạt được kết quả khả quan trên, ngành hàng rau quả Việt Nam đã khai thác tốt nhiều thị trường xuất khẩu, đặc biệt là Trung Quốc. Năm 2024, ngành hàng rau quả Việt Nam đã khai thác tốt hầu hết các thị trường xuất khẩu truyền thống và tiềm năng, ngoại trừ thị trường Hà Lan. Theo số liệu tính toán từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang các thị trường chủ lực đều ghi nhận mức tăng trưởng cao trong năm 2024 so với năm 2023. Đơn cử như, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt trên 4,63 tỷ USD, tăng 27,3%; Hoa Kỳ (+39,8%); Hàn Quốc (+39,6%); Thái Lan (+73,7%); Nhật Bản (+15,3%); thị trường Đài Loan (+10,9%); Úc (+25,9%); .. Điều này phản ánh sự nỗ lực của ngành hàng rau quả trong việc nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường, đặc biệt là việc tận dụng tốt cơ hội từ các FTA mang lại. Năm 2024, Việt Nam tăng xuất khẩu tất cả các nhóm hàng rau quả, gồm: quả và quả hạch; sản phẩm chế biến; rau củ, hoa và lá. Trong đó, đóng góp phần lớn vào tốc độ tăng trưởng toàn ngành rau quả là nhóm quả và quả hạch, tốc độ xuất khẩu tăng trưởng 31,4% so với năm 2023, đạt 5,31 tỷ USD, tỷ trọng chiếm 73,62%. Đối với nhóm quả và quả hạch, mặt hàng sầu riêng có vai trò quan trọng, tỷ trọng chiếm 60,48% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm quả và quả hạch và chiếm 44,52% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước. Do đó, với tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2024 đã tác động tích cực lên toàn ngành. Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2024, xuất khẩu sầu riêng các loại đạt 918,96 nghìn tấn, trị giá 3,21 tỷ USD, tăng 46,0% về lượng và tăng 43,2% về trị giá so với năm 2023. Trong đó: Xuất khẩu sầu riêng tươi đạt xấp xỉ 857 nghìn tấn, trị giá 2,992 tỷ USD, tăng 48,3% về lượng và tăng 41,6% về trị giá; sầu riêng đông lạnh đạt 62 nghìn tấn, trị giá 214,72 triệu USD, tăng 20,1% về lượng và tăng 70,9% về trị giá so với năm 2023. Trong năm 2024, Việt Nam xuất khẩu các loại sầu riêng chế biến ở dạng sấy khô, xay nhuyễn ..., tuy nhiên, trị giá xuất khẩu ở mức thấp, chưa tác động đến tăng trưởng chung toàn ngành. Về giá: Giá xuất khẩu bình quân sầu riêng năm 2024 đạt mức 3.496 USD/tấn, giảm 1,9% so với năm 2023. Trong đó, giá xuất khẩu bình quân sầu riêng tươi đạt mức 3.492 USD/tấn, giảm 4,5%; ngược lại, giá xuất khẩu sầu riêng đông lạnh tăng 42,4%, lên mức 3.465 USD/tấn Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sầu riêng chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, tỷ trọng chiếm 90,7% tổng kim ngạch. Do đó, với tốc độ xuất khẩu tăng 42,7% so với năm 2023, đạt 2,91 tỷ USD, đã tác động tích cực lên hoạt động xuất khẩu sầu riêng của nước ta. Ngoài Trung Quốc, Việt Nam tăng xuất khẩu sầu riêng sang nhiều thị trường trong năm nay, gồm: Thái Lan (+80,3%); thị trường Hồng Kông (+16,9%); Papua New Guinea (+283,3%); thị trường Đài Loan (+24,3%); Nhật Bản (+91,1%); Hàn Quốc (+18,9%); Australia (+34,5%) ... Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang một số thị trường giảm, như: Mỹ (-27,9%); Canada (-11,5%); ... Bên cạnh trái sầu riêng, tốc độ xuất khẩu nhiều chủng loại trái cây, và hạt khác của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng trong năm 2024, gồm: chuối (+20,8%); mít (+20,4%); xoài (+43,8%); dừa (+74,7%); dưa hấu (+36,4%); nhãn (+339,7%); chanh (+5,3%); bưởi (+32,7%); chanh leo (+7,7%); hạt dẻ cười (+87,6%); cau (+89,3%) ... Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu thanh long các loại (gồm dạng tươi, đông lạnh, sấy khô, nước ép) trong năm 2024 giảm 15,1% so với năm 2023, đạt 533,56 triệu USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu thanh long dạng tươi hoặc đông lạnh đạt 516,25 triệu USD, giảm 15,9%. Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc đạt 340,68 triệu USD, giảm 27,2% so với năm 2023, tỷ trọng chiếm 63,85% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Do đó, tốc độ xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc giảm đã tác động tiêu cực lên hoạt động xuất khẩu mặt hàng này. Trong bối cảnh xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh, Việt Nam vẫn khai thác tốt các thị trường tiềm năng khác, tốc độ xuất khẩu tăng trong năm 2024, gồm: Ấn Độ (+15,7%); Mỹ (+33,2%); Hàn Quốc (+19%); UAE (+26,5%); Thái Lan (+4,8%); Canada (+47,3%)... Đối với nhóm sản phẩm chế biến, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nhóm sản phẩm chế biến tăng 18,9% so với năm 2023, đạt xấp xỉ 1,45 tỷ USD, tỷ trọng chiếm 20,1%. Trong đó, tốc độ xuất khẩu nhiều mặt hàng trái cây, rau củ chế biến tăng gồm: sản phẩm chế biến từ dừa (+52,9%); hạt dẻ cười (+75,1%); xoài (+53,5%); hạnh nhân (+57,8%); hạt mè (+30,6%); dứa (+47,6%); dưa chuột (+26,6%); mít (+43,7%); thanh long (+15,9%); ... Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu một số sản phẩm chế biến giảm, như: nước chanh leo (-30,1%); cà tím (-18,7%); khoai tây (-8,4%); vải (-21,5%); ... Đối với nhóm rau củ, kim ngạch xuất khẩu trong năm 2024 tăng 10,1% so với năm 2023, tỷ trọng chiếm 4,99% tổng kim ngạch. Trong đó, tốc độ xuất khẩu nhiều chủng loại rau, củ tăng, gồm: ớt (+2,0%); khoai lang (+25,5%); ngô (+11,1%); cải thảo (+46,8%); nghệ (+201,3%); tỏi (+126,7%); bắp cải (+42,8%); nấm hương (+5,9%); đậu bắp (+6,4%); ... Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu một số chủng loại rau, củ giảm, như: gừng (-13,4%); súp lơ (-6,2%); cà rốt (-44,9%); sả (-2,5%); hành tây (-41,4%); khoai môn (-7,9%); đỗ tương (-14,5%); ... Đối với nhóm hoa tươi và lá, trị giá xuất khẩu trong năm 2024 tăng lần lượt 13,5% và 20,2% so với năm 2023, đạt 81,44 triệu USD và 11,53 triệu USD. Theo số liệu tính toán từ Tổng cục Hải quan, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau hoa quả của khu vực Đông Nam Bộ đạt 2,28 tỷ USD, tăng 23,1% so với năm 2023. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu rau hoa quả của khu vực Đông Nam Bộ đóng góp khá lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Tính riêng tháng 12/2024, khu vực Đông Nam Bộ xuất khẩu rau quả đạt 212,35 triệu USD, tăng 5% so với tháng 11/2024 và tăng 29,7% so với tháng 12/2023. Tính riêng tỉnh Tây Ninh, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả toàn tỉnh đạt 20,43 triệu USD, giảm 19,6% so với năm 2023. Năm 2024, xuất khẩu rau quả của tỉnh Tây Ninh chiếm 0,9% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng của khu vực Đông Nam Bộ (năm 2023 chiếm 1,37%) và chiếm 0,28% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (năm 2023 chiếm 0,45%). Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của tỉnh Tây Ninh sang thị trường Hà Lan đạt 13,28 triệu USD, giảm 27% so với năm 2023. Tỷ trọng xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Hà Lan chiếm 64,98% tổng kim ngạch trong năm 2024, thấp hơn so với tỷ trọng 71,63% năm 2023. Năm 2024, tỉnh Tây Ninh xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt 2,77 triệu USD, tăng 18,1% so với năm 2023. Tỷ trọng xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc chiếm 13,55% tổng kim ngạch trong năm 2024, cao hơn so với tỷ trọng 9,23% năm 2023. Năm 2024, tỉnh Tây Ninh xuất khẩu hàng rau quả sang các thị trường như: Australia, Mỹ, Tây Ban Nha, Đức, Nhật Bản, Malaysia, … Tuy nhiên, trị giá xuất khẩu đạt mức thấp. Dự báo năm 2025, nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường quốc tế đang mở ra cơ hội tốt cho ngành hàng rau quả Việt Nam. Nhu cầu tiêu thụ trái cây, rau củ và sản phẩm chế biến thế giới có xu hướng ngày càng tăng, nhờ lợi ích đối với sức khỏe. Thông tin từ https://www.statista.com cho thấy, doanh thu trên thị trường trái cây tươi toàn cầu sẽ đạt 778,4 tỷ USD vào năm 2025. Dự kiến mức tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2025 – 2029 sẽ tăng 6,22%. Theo thông tin từ https://www.globenewswire.com, quy mô thị trường trái cây sấy khô toàn cầu ước tính sẽ đạt 16,55 tỷ USD vào năm 2030, tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 5,6% trong giai đoạn 2025 – 2030. Số lượng người tiêu dùng quan tâm đến sức khỏe ngày càng tăng, nhận thức ngày càng cao về lợi ích sức khỏe của trái cây sấy khô và việc ứng dụng sản phẩm này trong chế biến thực phẩm ngày càng tăng là một số yếu tố thúc đẩy thị trường trái cây sấy khô. Hơn nữa, sự ra đời của các sản phẩm sáng tạo cùng với sức mua ngày càng tăng đã thúc đẩy nhu cầu về trái cây sấy khô trên toàn thế giới. Châu Á - Thái Bình Dương được dự đoán sẽ có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) nhanh nhất từ năm 2025 đến năm 2030. Nhu cầu về các sản phẩm thực phẩm tiện lợi ngày càng tăng ở các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ. Châu Âu thống trị ngành trái cây sấy khô toàn cầu với thị phần doanh thu là 29,5% vào năm 2024. Việc áp dụng rộng rãi các lựa chọn ăn nhẹ mang đi ở các quốc gia, bao gồm Đức, Anh và Pháp, dự kiến sẽ có tác động tích cực đến sự tăng trưởng của thị trường khu vực. Sự thay đổi sở thích của người tiêu dùng đối với các sản phẩm thực phẩm hữu cơ cũng đã ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của thị trường trong vài năm qua. Do đó, các nhà sản xuất đang mở rộng các dòng sản phẩm hữu cơ của họ. Còn theo thông tin từ https://www.thebusinessresearchcompany.com cho biết, quy mô thị trường rau củ hữu cơ dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh trong vài năm tới. Thị trường này dự kiến sẽ tăng lên 11,92 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 5,9% (giai đoạn 2025 – 2029). Sự tăng trưởng trong giai đoạn dự báo do các hoạt động nông nghiệp bền vững, khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu. Các xu hướng chính trong giai đoạn dự báo gồm đổi mới và công nghệ, thương mại điện tử và bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng, tính minh bạch của chuỗi cung ứng, sự đa dạng trong các sản phẩm hữu cơ. Nhu cầu tăng đối với thực phẩm hữu cơ được dự đoán sẽ đóng vai trò là động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường. Các lợi ích về sức khỏe mà thực phẩm hữu cơ mang lại, chẳng hạn như hàm lượng dinh dưỡng cao, không biến đổi gen và không chứa thuốc trừ sâu và phân bón tổng hợp, có xu hướng là yếu tố chính thúc đẩy nhu cầu tăng đối với thực phẩm hữu cơ. Theo khảo sát ngành công nghiệp hữu cơ do Hiệp hội thương mại hữu cơ (Hiệp hội kinh doanh dựa trên thành viên có trụ sở tại Hoa Kỳ) công bố, doanh số bán thực phẩm hữu cơ tại Hoa Kỳ vào năm 2022 tăng 4,3% so với năm 2021, nhờ tác động có lợi cho sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng. Còn theo Văn phòng Thống kê Quốc gia (một bộ phận của Chính phủ có trụ sở tại Anh) cho biết, năm 2022, số lượng nhà hàng và cơ sở dịch vụ thực phẩm tăng, thúc đẩy thị trường canh tác rau củ hữu cơ. Trong khi đó, ngành hàng rau quả Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế của mình trên thị trường thế giới. Hiện ngành hàng rau quả Việt Nam giữ thị phần lớn thứ 2 tại Trung Quốc, thị phần tại các thị trường xuất khẩu truyền thống như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Úc ... ngày càng được mở rộng. Đây được cho là cơ sở để ngành hàng rau quả Việt Nam đạt mục tiêu xuất khẩu 8 tỷ USD trong năm 2025. Tuy nhiên, cạnh tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc; xung đột địa chính trị ở một số quốc gia là những thách thức lớn đối với xuất khẩu rau quả trong năm 2025. Bên cạnh đó, thách thức đối với ngành hàng rau quả nước ta là chuỗi cung ứng còn nhiều hạn chế như: sản phẩm dễ bị nhiễm hóa chất, vi phạm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật do quy mô sản xuất nhiều nơi còn nhỏ lẻ, phân tán, dẫn đến chất lượng không đồng đều. Hoặc thiếu các thông tin về thị trường nên khó khăn trong việc áp dụng thực hiện những tiêu chuẩn quy định của các nước nhập khẩu. Để ngành hàng rau quả xuất khẩu ổn định và tăng trưởng bền vững, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp. Hợp tác sẽ giúp nâng cao giá trị nông sản và khẳng định thương hiệu Việt Nam trên bản đồ xuất khẩu toàn cầu.