Chính phủ ban hành Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Thứ tư - 12/06/2024 16:04 265 0
Ngày 16/5/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Chính phủ ban hành Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Một số nội dung đáng chú ý như sau:
1. Phạm vi điều chỉnh:
Nghị định này quy định chi tiết khoản 9 Điều 3; khoản 2 Điều 9; khoản 2 Điều 13; khoản 5 Điều 23; khoản 5 Điều 28; khoản 3 Điều 32; khoản 5 Điều 33; khoản 4 Điều 37; khoản 5 Điều 39; khoản 3 Điều 40; khoản 3 Điều 45; khoản 3 Điều 47 và khoản 2 Điều 73 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dung (Điều 1 Nghị định 55).
2. Trách nhiệm của cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh hoạt động trong phạm vi chợ, trung tâm thương mại và trách nhiệm của tổ chức quản lý chợ, trung tâm thương mại bao gồm:
(1) Trách nhiệm của cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh hoạt động trong phạm vi chợ, trung tâm thương mại: Cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh hoạt động trong phạm vi chợ, trung tâm thương mại, ngoài việc thực hiện các trách nhiệm quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 phải thực hiện đầy đủ các trách nhiệm quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo nội quy do tổ chức quản lý chợ, trung tâm thương mại ban hành theo quy định của pháp luật (Điều 4 Nghị định 55).
(2) Trách nhiệm của tổ chức quản lý chợ, trung tâm thương mại:
- Ban hành nội quy theo quy định của pháp luật trong đó phải có các nội dung cơ bản về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bao gồm:
+ Quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng, người bán hàng; người có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết yêu cầu, phản ánh của người tiêu dùng và biện pháp xử lý vi phạm (Khoản 1, Điều 5 Nghị định 55).
+ Hòa giải tranh chấp giữa người tiêu dùng và người bán hàng trong phạm vi chợ, trung tâm thương mại khi được yêu cầu (Khoản 2, Điều 5 Nghị định 55).
+ Đặt và duy trì hoạt động của cân đối chứng, thiết bị đo lường tại các chợ, trung tâm thương mại để người tiêu dùng tự kiểm tra về số lượng, khối lượng hàng hóa. Cân đối chứng, thiết bị đo lường phải được kiểm định và còn trong thời hạn kiểm định theo quy định của pháp luật về đo lường (Khoản 3, Điều 5 Nghị định 55).
+ Thường xuyên giám sát chất lượng, số lượng của hàng hóa, cân đối chứng, thiết bị đo lường trong khu vực chợ, trung tâm thương mại (Khoản 4, Điều 5 Nghị định 55).
+ Thiết lập, niêm yết công khai đường dây nóng để tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng phù hợp với cấp độ chợ, trung tâm thương mại đã được phân loại theo quy định của pháp luật (Khoản 5, Điều 5 Nghị định 55).
+ Định kỳ 06 tháng một lần thông báo, phối hợp với các cơ quan chức năng về thương mại, quản lý thị trường, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng trong việc kiểm soát chất lượng, số lượng, nguồn gốc, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa, dịch vụ trong phạm vi chợ, trung tâm thương mại do mình quản lý (Khoản 6, Điều 5 Nghị định 55).
+ Báo cáo cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quy định của pháp luật có liên quan khác (Khoản 7, Điều 5 Nghị định 55).
+ Xử lý vi phạm theo nội quy đã được ban hành theo quy định của pháp luật (Khoản 8, Điều 5 Nghị định 55).
3. Hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, theo đó, hợp đồng giao kết với người tiêu dùng phải đáp ứng đủ 05 yêu cầu sau:
(1) Ngôn ngữ sử dụng là tiếng Việt và có thể thỏa thuận sử dụng thêm tiếng khác theo quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 (Khoản 1, Điều 6 Nghị định 55).
(2) Trong trường hợp giao kết bằng văn bản giấy, cỡ chữ nhỏ nhất là 12 theo loại chữ Times New Roman hoặc kích cỡ tương đương (Khoản 2, Điều 6 Nghị định 55).
(3) Màu chữ và màu nền thể hiện nội dung văn bản phải tương phản nhau (Khoản 3, Điều 6 Nghị định 55).
(4) Bố cục, thiết kế văn bản phải rõ ràng, dễ theo dõi (Khoản 4, Điều 6 Nghị định 55).
(5) Nội dung phải rõ ràng, dễ hiểu và phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dung (Khoản 5, Điều 6 Nghị định 55).
Nghị định số 55/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 và thay thế Nghị định số 99/2011/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Phòng QLTM - SCTTN

Tác giả: quản trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây