Kế hoạch này nhằm mục đích cụ thể hóa và triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã được đề ra trong nội dung Nghị quyết số 93/NQ-CP về hội nhập kinh tế quốc tế. Chủ động, tích cực triển khai thực hiện hiệu quả hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế trên địa bàn tỉnh Tây Ninh theo đúng chủ trương, định hướng và sự chỉ đạo của Trung ương. Bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Nâng cao hiệu quả công tác hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách lớn đã được đề ra tại Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ lần thứ XI, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tây Ninh.
Theo đó, nội dung kế hoạch phấn đấu đến năm 2030 đạt các mục tiêu sau: Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân trong thời kỳ 2021-2023, đạt khoảng 10%/năm.
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (chưa loại trừ yếu tố giá) đạt tốc độ tăng bình quân 10%.
- Phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 9.000 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 700 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn.
- Tây Ninh vào tốp đầu của nhóm khá về xây dựng Chính quyền số và an toàn, an ninh mạng.
- Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất chất lượng tiên tiến.
- Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các tác động tiêu cực từ bên ngoài; tăng cường khả năng ứng phó và xử lý linh hoạt hiệu quả trước các diễn biến trên thế giới có thể ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động xuất nhập khẩu, giao dịch thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế của các ngành kinh tế.
- Phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của tỉnh; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia thị trường và cạnh tranh lành mạnh; tạo điều kiện, môi trường để các doanh nghiệp phát triển ổn định, vững chắc, đáp ứng yêu cầu hội nhập.
- Nhận thức đúng, đầy đủ về vai trò, vị trí của pháp luật quốc tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; khai thác có hiệu quả các quy định của pháp luật quốc tế trong quan hệ kinh tế quốc tế nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Việt Nam.
- Đẩy mạnh hợp tác, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng đào tạo.
- Phát triển các nền tảng số, ứng dụng số nhằm hỗ trợ khai thác dữ liệu, kết nối thị trường; thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên triển khai một số mô hình được thị trường khai thác có hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.
- Khai thác có hiệu quả các FTA nhằm mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không để phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường truyền thống.
Để đạt được mục tiêu theo Kế hoạch thì các Sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cần chú trọng triển khai thực hiện các nội dung sau:
1. Chủ động triển khai thực hiện công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung thực hiện Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 05/7/2023 của Chính phủ.
2. Giải pháp về cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế.
3. Giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
4. Giải pháp về thực thi hiệu quả các FTA.
5. Giải pháp về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hậu COVID-19 và phát triển bền vững.
6. Giải pháp về hội nhập toàn diện trên các lĩnh vực văn hóa xã hội, khoa học công nghệ, an ninh quốc phòng.
Phòng QLTM - SCT