Muối ớt Tây Ninh được trưng bày tại một quầy hàng ở Trảng Bàng (ảnh Hoàng Anh).
Tây Ninh không có biển để làm ra muối và tôm, để tạo ra nguồn nguyên liệu sản xuất sản phẩm muối ớt. Thế nhưng, với tay nghề truyền thống, kỹ thuật sản xuất tinh tế, khéo léo kết hợp các sản phẩm tự nhiên một cách hài hoà về hương vị, màu sắc, tạo ra một sản phẩm muối ớt có chất lượng cao, gây ấn tượng với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Với 2 sản phẩm muối ớt chay và muối ớt tôm Tây Ninh (muối Tây Ninh) có mùi vị, khẩu vị phù hợp, đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người ăn chay lẫn ăn mặn, có thời hạn sử dụng đến 12 tháng nên muối ớt Tây Ninh theo chân du khách đi khắp mọi miền đất nước và ra nước ngoài. Đến nay, sản phẩm muối ớt chay, muối ớt tôm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận thương hiệu tập thể (do Sở Khoa học và Công nghệ quản lý).
Tôi may mắn được thường xuyên đi khắp các tỉnh, thành để quảng bá hình ảnh, sản phẩm đặc trưng, đặc sản của tỉnh Tây Ninh đến với nhiều đối tượng tiêu thụ và giúp các doanh nghiệp trong tỉnh kết nối giao thương, mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác.
Thông thường, một sự kiện hội chợ diễn ra thường có 2 khu chính là: khu dành cho gian hàng tỉnh, thành trưng bày các sản phẩm đặc trưng và đặc sản của các tỉnh, thành; khu dành cho các gian hàng thương mại đến từ các doanh nghiệp, cơ sở. Gian hàng chung của tỉnh, Tây Ninh trưng bày các sản phẩm thế mạnh như cao su, đường, tinh bột mì, hạt điều; các sản phẩm đặc sản như muối ớt chay, muối ớt tôm, bánh tráng phơi sương, bánh tráng các loại, mãng cầu ta, đậu phộng, kẹo đậu phộng, trà túi lọc, chao môn…
Lẽ dĩ nhiên, các sản phẩm trưng bày ở gian hàng chung của tỉnh Tây Ninh phải ngon, chất lượng và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng vẫn có một số khách tham quan còn nghi ngờ về các sản phẩm, đặc biệt là muối ớt Tây Ninh. Họ hỏi có phải là “hàng chính hiệu của Tây Ninh không”? Tôi liền đưa cho họ xem thẻ gian hàng và card của mình để bảo đảm đây là gian hàng chung của tỉnh và họ đã mua một số hàng về làm quà.
Tôi thường xuyên đi qua khu dành cho các gian hàng thương mại đến từ các công ty, cơ sở khác và thấy các sản phẩm “muối ớt Tây Ninh” ngay tại quầy ở các tỉnh miền Tây - vốn là thị trường rất lớn của muối ớt Tây Ninh. Thực tế hiện nay, trên thị trường xuất hiện rất nhiều các sản phẩm muối ớt lấy thương hiệu muối Tây Ninh.
Tuy nhiên, chất lượng như thế nào thì không ai dám bảo đảm. Và tình trạng “hàng giả, hàng nhái” sẽ gây không ít tổn hại cho thương hiệu muối mà bao nhiêu năm qua người dân Tây Ninh (đặc biệt là các cơ sở tại Trảng Bàng, Gò Dầu, Hoà Thành và thành phố Tây Ninh) đã xây dựng và phát triển.
Theo tôi được biết, thương lái chỉ cần mua muối ớt tôm dạng ký (không bao bì, là sản phẩm kém chất lượng do một số cơ sở tại Tây Ninh sản xuất) với giá gần 100.000 đồng/kg, sau đó đóng hộp và gắn nhãn mác rồi bán với giá gấp đôi. Trong khi các sản phẩm muối ớt tôm Tây Ninh “chính hiệu” được chế biến, đóng gói bán cũng với giá tương đương...
Hiện nay, trên thị trường xuất hiện rất nhiều sản phẩm từ muối đến từ các tỉnh, thành như: Bạc Liêu (nơi có muối và tôm rất nhiều), Đồng Tháp (với thương hiệu muối sấy), Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh (có các gia vị muối chấm)… Dù vậy, đa phần người tiêu dùng vẫn đặc biệt quan tâm các sản phẩm muối đến từ Tây Ninh.
Thực trạng trên cho thấy, gần đây đã có sự cạnh tranh trên thị trường muối đến từ các tỉnh, thành miền Tây và Đông Nam bộ. Chúng ta cần làm gì để giúp các thương nhân, các nhà sản xuất từ Tây Ninh có thể cạnh tranh và giữ gìn sản phẩm truyền thống và đáng tự hào của địa phương? Tôi xin mạn phép đưa các giải pháp sau đây:
Thứ nhất, cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra các điểm sản xuất, kinh doanh muối Tây Ninh, đặc biệt là truy xuất đúng nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thứ hai, cần thành lập các hợp tác xã chuyên về muối ớt tại các địa phương sản xuất mạnh về muối Tây Ninh, lấy 1 thương hiệu để bảo đảm giá thành cho sản phẩm. Gần đây, Sở Nông nghiệp và Nông thôn tỉnh đang triển khai Chương trình OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị.
Các sản phẩm hàng hoá và dịch vụ này có nguồn gốc từ địa phương, hoặc được thuần hoá, đặc biệt là đặc sản vùng, miền, trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hoá, nguồn gen, tri thức và công nghệ địa phương. Sản phẩm OCOP được đánh giá theo 5 hạng, trong đó hạng 5 sao là cao nhất, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng quốc tế) giúp cho các địa phương có thể yên tâm phát triển và bảo vệ quyền lợi cho người sản xuất.
Thứ ba, cần kết hợp với các đơn vị xúc tiến thương mại, xúc tiến du lịch để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến với các thị trường trong và ngoài nước.
Thứ tư, cần tuyên truyền về truyền thống các sản phẩm muối Tây Ninh tại các điểm sản xuất, điểm bán hàng như: lịch sử hình thành sản phẩm, thương hiệu tập thể của 2 sản phẩm muối ớt chay và muối ớt tôm Tây Ninh; các làng nghề; các sản phẩm muối Tây Ninh tiêu biểu…
Cuối cùng, khi đi tới tỉnh, thành nào, tôi đều tự tin rằng muối Tây Ninh của địa phương tôi là ngon nhất, đặc biệt nhất. Mong là bài viết này nhận được sự ủng hộ của các tiểu thương, cơ sở sản xuất muối, để cho thương hiệu muối Tây Ninh phát huy truyền thông đặc biệt này.
Theo BTNO
Ý kiến bạn đọc