Sở Công thương tỉnh Tây Ninhhttps://socongthuong.tayninh.gov.vn/uploads/logoportal.png
Thứ ba - 19/11/2024 22:311110
Mưa bão ở miền Bắc trong tháng 9/2024 đã ảnh hưởng đến nguồn cung rau quả cục bộ tại một số địa phương. Tuy nhiên, tính chung 9 tháng năm 2024, sản lượng các loại trái cây chủ lực vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: sầu riêng đạt 984,8 nghìn tấn, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước; xoài đạt 858,4 nghìn tấn, tăng 3,6%; cam đạt 1.084,4 nghìn tấn, tăng 2,3%; thanh long đạt 692,8 nghìn tấn, tăng 1,3%. Nguồn cung bị gián đoạn cục bộ khi bão lũ, cộng với nhu cầu mua tích trữ từ các khu vực phía Bắc, dẫn đến giá các mặt hàng này tăng cao vào thời điểm trước và sau bão. Đến cuối tháng 9/2024, nguồn cung dồi dào hơn đã giúp giá các loại rau quả hạ nhiệt. Tháng 9/2024, xuất khẩu rau quả của Việt Nam tăng mạnh trở lại, ghi nhận mức cao kỷ lục mới nhờ việc đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam liên tục ghi nhận mức cao kỷ lục mới. Tháng 9/2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 917,25 triệu USD, tăng 8,7% so với tháng trước và tăng 37,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta đạt 5,64 tỷ USD, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm ngoái Tháng 9/2024, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tăng so với tháng trước, nhưng xuất khẩu sang hầu hết các thị trường tiềm năng khác giảm. So với tháng 9/2023, xuất khẩu rau quả sang nhiều thị trường tăng. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang hầu hết các thị trường tăng, ngoại trừ Hà Lan, Xênêgan, Indonesia … Số liệu thống kê cho thấy: Tháng 9/2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 709,9 triệu USD, tăng 20,1% so với tháng 8/2024 và tăng 44,8% so với tháng 9/2023. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 37,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3,79 tỷ USD. Tỷ trọng xuất khẩu rau quả của Việt Nam chiếm 67,19% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong 9 tháng đầu năm 2024, cao hơn so với tỷ trọng 65,28% trong 9 tháng đầu năm 2023. Tương tự, tháng 9/2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Canada tăng 3,0% so với tháng 8/2024 và tăng 32,2% so với tháng 9/2023, đạt 5,59 triệu USD. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Canada tăng 44,0% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 49,28 triệu USD. Đối với thị trường các nước ASEAN, ngành hàng rau quả Việt Nam đã khai thác tốt thị trường Thái Lan, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 9/2024 đạt 38,89 triệu USD, giảm 5,3% so với tháng trước, nhưng tăng mạnh 77,6% so với tháng 9/2023. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Thái Lan đạt 202,34 triệu USD, tăng 87,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường thành viên ASEAN khác, dù ghi nhận mức tăng trưởng khả quan, nhưng kim ngạch đạt mức thấp. Đơn cử như: Malaysia tăng 7,8%, đạt 41,9 triệu USD; Singapore tăng 2,5%, đạt xấp xỉ 30,68 triệu USD; Campuchia tăng 51,5%, đạt 13,52 triệu USD. Tháng 9/2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt 27,18 triệu USD, giảm 27,3% so với tháng 8/2024, nhưng tăng 29,3% so với tháng 9/2023. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt 254,2 triệu USD, tăng 34,6% so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ trọng chiếm 4,51%. Bên cạnh đó, trong 9 tháng đầu năm 2024, ngành hàng rau quả của Việt Nam cũng khai thác tốt các thị trường tiềm năng khác như: Nhật Bản (+12,3%); thị trường Đài Loan (+10,5%); Australia (+31,2%); UAE (+29,8%); Nga (+28,7%); Malaysia (+7,8%); thị trường Hồng Kông (+8,3%); thị trường Singapore (+2,5%); Anh (+49,2%); … Tuy nhiên, tốc độ xuất khẩu rau quả sang một số thị trường trên trong tháng 9/2024 giảm so với tháng 8/2024. Ngược lại, 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang một số thị trường giảm, như: Hà Lan (-28,1%); Xênêgan (-34,4%); Indonesia (-8,7%); Lào (-50,4%) … Mức giảm trên khá thấp về quy mô thị trường cũng như trị giá xuất khẩu nên không ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng toàn ngành. Theo số liệu tính toán từ Tổng cục Hải quan, tháng 9/2024, kim ngạch xuất khẩu rau hoa quả của khu vực Đông Nam Bộ đạt 244,91 triệu USD, tăng 15,4% so với tháng trước và tăng 26,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau hoa quả của khu vực Đông Nam Bộ đạt 1,68 tỷ USD, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu rau hoa quả của khu vực Đông Nam Bộ đóng góp khá lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Tính riêng tỉnh Tây Ninh, kim ngạch xuất khẩu rau hoa quả toàn tỉnh trong tháng 9/2024 đạt 1,02 triệu USD, giảm 60,4% so với tháng 8/2024 và giảm 1,7% so với tháng 9/2023. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh Tây Ninh xuất khẩu rau quả đạt xấp xỉ 16,44 triệu USD, giảm 19,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 9 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu rau quả của tỉnh Tây Ninh chiếm 0,98% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng của khu vực Đông Nam Bộ (cùng kỳ năm ngoái chiếm 1,51%) và chiếm 0,29% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (cùng kỳ năm ngoái chiếm 0,48%). - Trong 9 tháng đầu năm 2024, Hà Lan là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của tỉnh Tây Ninh, tỷ trọng chiếm 66,96% tổng kim ngạch, đạt trên 11 triệu USD, giảm 27,8% so với cùng kỳ năm 2023. Tính riêng tháng 9/2024, tỉnh Tây Ninh xuất khẩu rau quả sang thị trường Hà Lan đạt 545,9 nghìn USD, giảm 69,4% so với tháng 8/2024 và giảm 16,4% so với tháng 9/2023. Đứng thứ hai là thị trường Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu rau quả của tỉnh Tây Ninh trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt 2,03 triệu USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 12,33% tổng trị giá xuất khẩu rau quả của tỉnh Tây Ninh. Tính riêng tháng 9/2024, tỉnh Tây Ninh xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt 177,3 nghìn USD, giảm 39,5% so với tháng 8/2024, nhưng vẫn tăng 10,6% so với tháng 9/2023. Trong 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của tỉnh Tây Ninh sang một số thị trường tăng, gồm: Đức (+317,3%); Nhật Bản (+67,6%); Malaysia (+210,8%); Campuchia (+326,3%). Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu rau quả của tỉnh Tây Ninh sang một số thị trường giảm so với cùng kỳ năm ngoái, như: Mỹ (-12,6%); Australia (-2,7%); Tây Ban Nha (-45,2%); Môdambic (-1,5%); thị trường Đài Loan (-40,7%); … Tháng 9/2024, xuất khẩu rau quả của Việt Nam tăng mạnh trở lại. Kết thúc 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận mức cao kỷ lục 5,64 tỷ USD. Để đạt được kết quả trên phần lớn nhờ sự đóng góp của việc xuất khẩu trái sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, còn có sự đóng góp của các loại trái cây rau củ chủ lực như chuối, mít, xoài, dưa hấu, chanh, chanh leo, các loại hạt. Ghi nhận từ phía doanh nghiệp, giá sầu riêng xuất khẩu năm nay khá ổn định. Điều này giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn rất nhiều trong việc thu mua sầu riêng, đảm bảo đơn hàng xuất khẩu do chất lượng cao và giá cả cạnh tranh. Trong tháng 10/2024, các tỉnh Tây Nguyên vào chính vụ thu hoạch sầu riêng. Đồng thời, tại các tỉnh miền Tây Nam bộ, sầu riêng trái vụ cũng sẽ cho thu hoạch vào những tháng cuối năm. Đây cũng là thời điểm các quốc gia cạnh tranh như Thái Lan, Malaysia đã kết thúc mùa thu hoạch nên giá sầu riêng Việt Nam sẽ rất cao. Hiện, giá sầu riêng đang được thu mua tại vườn với giá khoảng 42.000 - 95.000 đồng/kg. Dự báo xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong các tháng cuối năm nhờ yếu tố mùa vụ. Bên cạnh đó, rau quả của Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị thế tại các thị trường như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc… Đặc biệt, người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng ưa chuộng sầu riêng, chuối, vải, nhãn, mít, xoài, dưa hấu của Việt Nam, nhờ chất lượng và hương vị đặc trưng của trái cây nhiệt đới. Dù vậy, trái cây của Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh khá lớn tại thị trường xuất khẩu. Điển hình là thị trường Trung Quốc, nhiều loại trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phía Trung Quốc đang tự phát triển diện tích khá nhanh. Sau 10 năm, diện tích trồng thanh long của Trung Quốc đã vượt Việt Nam. Đối với trái sầu riêng, Trung Quốc đang thử nghiệm trồng 2.700 ha tại đảo Hải Nam và tìm cách tự chủ nguồn cung từ các quốc gia có khí hậu thuận lợi. Do đó, ngành hàng rau quả cần phải tạo ra và mang đến những giá trị thực sự của trái cây Việt Nam tới người tiêu dùng Trung Quốc. Chất lượng sản phẩm, hương vị đặc trưng, và sự an toàn vệ sinh thực phẩm chính là những giá trị cốt lõi cần tập trung phát triển và duy trì. Khi người tiêu dùng Trung Quốc nhận thức được những giá trị này, họ sẽ trở thành những khách hàng trung thành, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài của ngành trái cây Việt Nam. Phía cơ quan quản lý khuyến cáo, để bảo đảm sự phát triển bền vững, thiết lập thị trường nhập khẩu ổn định, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chuỗi liên kết, thường xuyên cập nhật tiêu chuẩn từ thị trường nhập khẩu để có đối sách trong xây dựng nguồn nguyên liệu cũng như chế biến, đóng gói xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp như nâng cao năng lực chế biến sâu, tập trung xây dựng thương hiệu để nông sản Việt Nam thực sự có giá trị trên thị trường quốc tế; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giới thiệu những sản phẩm nông sản có lợi thế… Đồng thời, tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản. Tích cực phối hợp cùng các doanh nghiệp mở cửa các thị trường mới, nhiều tiềm năng để thúc đẩy cho toàn ngành. Bên cạnh yếu tố thuận lợi, ngành rau quả Việt Nam cũng đang đối mặt với khó khăn và thách thức: Mưa bão, thiên tai làm thiệt hại, giảm nguồn nguyên liệu, giá cước vận tải có xu hướng tiếp tục tăng cao… là những rào cản với xuất khẩu nông sản của nước ta, trong khi, giá xuất khẩu nông sản không dễ điều chỉnh. Cùng với đó, nguồn nguyên liệu đạt chuẩn xuất khẩu, có mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc… đang thiếu hụt trầm trọng ở nhiều địa phương. Việc quy hoạch sản xuất, dự báo thị trường với ngành Nông sản vẫn còn bỏ ngỏ. Nhiều sản phẩm tăng trưởng nóng, chưa có quy định ràng buộc sản xuất, chỉ dừng lại ở khuyến cáo, khuyến nghị... Thị trường châu Âu có dư địa tăng trưởng lớn, song cũng nhiều thử thách, khó khăn. Các sản phẩm khi xuất đi cần tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, môi trường và dư lượng thuốc trừ sâu. Các chứng nhận an toàn và thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng là lưu ý quan trọng cần ghi đầy đủ trên bao bì sản phẩm. Các doanh nghiệp Việt Nam cần cải thiện năng lực sản xuất, nắm vững quy định trên từng thị trường xuất khẩu, tiến tới hợp tác với đối tác để tạo ra sản phẩm xanh và bền vững, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trái cây tại châu Âu. Đây cũng là mục tiêu mà ngành Nông nghiệp hướng tới. Trân trọng./.