Diễn biến tình hình và xu hướng phát triển thị trường mặt hàng cao su của tỉnh Tây Ninh tháng 9 năm 2024

Thứ ba - 19/11/2024 22:29 35 0
Diễn biến tình hình và xu hướng phát triển thị trường mặt hàng cao su của tỉnh Tây Ninh tháng 9 năm 2024
Tại cuộc họp hôm 16/10, Hội đồng châu Âu (EUCO), cơ quan chính trị đại diện cho các nước thành viên EU, nhất trí trì hoãn thực hiện một năm đối với EUDR theo đề xuất của EC. Trong phiên họp toàn thể vào giữa tháng tới, Nghị viện châu Âu, cơ quan lập pháp của EU, cần bỏ phiếu tán thành để quyết định trì hoãn có hiệu lực. Trước đó, ngày 14/10, các nghị sĩ châu Âu thuộc đảng Nhân dân châu Âu (EPP), đảng Liên minh Tiến bộ xã hội và dân chủ (S&D) và đảng Đổi mới châu Âu (RE) cũng đã bày tỏ ý định bỏ phiếu ủng hộ đề xuất hoãn thực hiện EUDR. Ba đảng này chiếm 401 ghế trong tổng số 720 ghế của Nghị viện châu Âu. EUDR yêu cầu nhà nhập khẩu của EU phải chứng minh bảy mặt hàng nông nghiệp chủ lực gồm dầu cọ, đầu nành, gỗ, ca cao, cà phê, gia súc (bò) và cao su không được sản xuất từ đất rừng bị phá sau năm 2020. Nếu không chứng minh được, những mặt hàng này sẽ bị cấm nhập khẩu. EUDR được thiết kế nhằm chống biến đổi khí hậu và ngăn chặn tình trạng xói mòn đa dạng sinh học. Theo EU, nạn phá rừng là nguồn phát thải khí nhà kính lớn thứ hai, gây biến đối khí hậu, chỉ đứng sau các hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, sự thiếu rõ ràng về các chi tiết của EUDR cũng như lộ trình triển khai gấp gáp khiến quy định này vấp phản sự đối ngày càng lan rộng trên toàn cầu. Do sức ép từ các đối tác thương mại lớn và ngay cả các nước thành viên EU bao gồm Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, hồi đầu tháng 10, EU đề xuất lùi thời điểm thực hiện EUDR một năm so với kế hoạch ban đầu. Việc trì hoãn sẽ cho phép các nước thứ ba, các quốc gia thành viên EU, doanh nghiệp và thương nhân chuẩn bị đầy đủ các nghĩa vụ thẩm định.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tháng 9/2024, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 193.957 tấn, trị giá gần 335,56 triệu USD, giảm 7,5% về lượng và 2,7% về trị giá so với tháng trước, nhưng tăng 0,3% về lượng và 33,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế trong 9 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cao su của nước ta đạt 1,32 triệu tấn, trị giá gần 2,1 tỷ USD, giảm 6,2% về lượng nhưng tăng 11,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Giá cao su xuất khẩu bình quân của nước ta trong tháng 9/2024 đạt 1.730 USD/tấn, tăng 5,2% (85 USD/tấn) so với tháng trước và tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, giá xuất khẩu cao su đạt bình quân 1.592 USD/tấn, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2024, lượng cao su xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi các thị trường khác lại tăng mạnh từ hai đến ba con số. Theo đó, xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc trong tháng 9/2024 đạt 135.677 tấn, trị giá 233,84 triệu USD, tăng 0,8% về lượng và 8,4% về trị giá so với tháng trước, còn so với cùng kỳ năm 2023 tiếp tục 13,2% về lượng nhưng tăng 15,5% về trị giá. Như vậy, lượng cao su xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tính đến nay đã giảm tháng thứ tám liên tiếp so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế trong 9 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc tiếp tục giữ vai trò là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của nước ta với khối lượng đạt 887.231 tấn, trị giá 1,37tỷ USD, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái giảm 19% về lượng và giảm 4,7% về trị giá. Thị phần của Trung Quốc trong tổng khối lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam đã giảm xuống còn 67,4% từ mức 78,1% của cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu sang Hàn Quốc cũng giảm 7,3% về lượng nhưng tăng 10% về trị giá trong 9 tháng đầu năm 2024, đạt 32.497 tấn, trị giá 55,8 triệu USD. Ngược lại, xuất khẩu cao su sang thị trường tiêu thụ lớn thứ hai là Ấn Độ tăng mạnh 32,4% về lượng và 63,6% về trị giá trong 9 tháng đầu năm 2024, đạt 107.429 tấn với trị giá 182,7 triệu USD, chiếm 8,2% tổng lượng cao su xuất khẩu cả nước. Lượng cao su xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn khác cũng tăng mạnh như: Đức tăng 64,5%, Nga tăng 23,3%, Đài Loan tăng 18,6%... Đặc biệt, hai thị trường Sri Lanka và Malaysia tăng 236,8% và 268,2%, Phần Lan và Bỉ cũng tăng lần lượt là 379,4% và 169,3%.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9/2024, kim ngạch xuất khẩu cao su của các doanh nghiệp đăng ký mã số thuế tại tỉnh Tây Ninh đạt 52,35 triệu USD, tăng nhẹ 0,1% so với tháng trước và tăng tới 169% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế trong 9 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cao su của tỉnh đạt 310,7 triệu USD, tăng 41,7% (91,38 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2023. Hiện Tây Ninh đang đứng vị trí thứ 4 trên cả nước về xuất khẩu cao su, sau TP. Hồ Chí Minh, Kon Tum và Bình Phước, chiếm 14,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cao su của cả nước so với mức 11,7% của 9 tháng đầu năm 2023. Tăng trưởng xuất khẩu cao su của tỉnh Tây Ninh cao hơn so với mức tăng trưởng chung 11,8% của cả nước và mức tăng gần 23% của khu vực Đông Nam Bộ.
Tháng 9/2024, xuất khẩu cao su của tỉnh Tây Ninh sang các thị trường chính như Trung Quốc, Ấn Độ, Campuchia, Mỹ… đều tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Thống kê cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2024, tỉnh Tây Ninh đã xuất khẩu cao su tới 44 thị trường khác nhau trên thế giới, trong đó có tới 31 thị trường ghi nhận kim ngạch tăng so với cùng kỳ năm ngoái với mức tăng từ hai đến ba con số.
Kim ngạch xuất khẩu cao su của tỉnh Tây Ninh sang thị trường đứng thứ hai là Ấn Độ đạt 35,9 triệu USD, tăng 63,7% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 11,6% thị phần.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu cao su sang Trung Quốc – thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của tỉnh Tây Ninh đạt 168,12 triệu USD, tăn 22,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, thị phần của thị trường này trong tổng kim ngạch xuất khẩu cao su của tỉnh Tây Ninh đã giảm từ 62,8% xuống còn 54,1%.
Tiếp đến, kim ngạch xuất khẩu cao su sang thị trường Campuchia tăng mạnh 2,3 lần, đạt 30,63 triệu USD và chiếm 9,9% thị phần. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu cao su của tỉnh Tây Ninh sang thị trường Hàn Quốc cũng tăng mạnh 56% trong 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 19,45 triệu USD; thị trường Mỹ tăng 2,1 lần, đạt 8,7 triệu USD; Italia tăng 85,1%; Nga tăng 37,7%; đặc biệt thị trường Đức tăng 173,1%; Tây Ban Nha tăng 102,2%... Xuất khẩu sang một số thị trường khác tại châu Âu cũng tăng đột biến như: Bỉ tăng 827,4%, Pháp tăng 266%, Anh tăng 201%...
Giá cao su xuất khấu của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao cho tới cuối năm do nguồn cung thiếu hụt, diện tích cao su giảm do xu hướng chuyển đổi đất cao su. Bên cạnh đó, nhu cầu tăng sau khi Trung Quốc thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế. Về nguồn cung, hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) tiếp tục nâng dự báo thiếu hụt nguồn cung cao su tự nhiên trong năm nay. ANRPC hạ dự báo nguồn cung cao su tự nhiên năm 2024 từ 14,54 triệu/tấn xuống 14,5 triệu/tấn do tác động của điều kiện khí hậu kém thuận lợi trong giai đoạn El Nino chuyển sang La Nina. Bệnh rụng lá lan rộng tác động tiêu cực đến sản lượng và chất lượng cao su. Người dân trồng cao su tại nhiều nước như Thái Lan, Indonesia và Malaysia chưa sẵn sàng mở rộng diện tích vùng trồng trở lại. Ngoài ra, các quốc gia có nguồn cung cao su lớn đã có chính sách hạn chế sản lượng, hợp tác quản lý nguồn cung giữa các quốc gia để cân đối với thị trường. Thái Lan (chiếm 33% sản lượng thế giới) cắt giảm diện tích đất trồng cao su trong 20 năm tới. Indonesia – đứng thứ 2 về xuất khẩu cao su trên thế giới – có xu hướng chuyển đổi đất trồng cao su sang trồng dầu cọ và các loại nông sản khác có giá trị kinh tế cao hơn. Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp chuyển đổi đất cao su sang đất khu công nghiệp bởi cho thuê đất khu công nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng cao su.
Do đó, ANRPC dự báo năm 2024 sản lượng cao su thế giới chỉ tăng 0,4% và sản lượng cao su của các nước thành viên hiệp hội giảm 0,6%. Về nhu cầu, ANRPC điều chỉnh tăng dự báo nhu cầu cao su toàn cầu trong năm nay từ 15.67 triệu tấn lên 15.75 triệu tấn với kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc dần phục hồi bởi nước này đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế (như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đi 0.5%, giảm lãi suất repo 7 ngày 20 điểm cơ bản xuống 1.5%). ANRPC dự báo nhu cầu cao su thế giới sẽ tăng nhanh ở mức 2,3% trong năm 2024.
Trân trọng./.
 

Tác giả: quản trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây