Diễn biến tình hình và xu hướng phát triển thị trường mặt hàng rau quả của tỉnh Tây Ninh tháng 10 năm 2024

Thứ sáu - 13/12/2024 14:28 115 0
Diễn biến tình hình và xu hướng phát triển thị trường mặt hàng rau quả của tỉnh Tây Ninh tháng 10 năm 2024
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng 10/2024 giảm 43,3% so với tháng 9/2024 và giảm 14,6% so với tháng 10/2023, đạt 519,8 triệu USD. Tuy nhiên, tính chung 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta đạt 6,16 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tháng 10/2024 so với tháng 9/2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang một số thị trường truyền thống và tiềm năng giảm, gồm: Trung Quốc, Thái Lan, thị trường Đài Loan, Australia.
Ngược lại, xuất khẩu rau quả sang các thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, UAE, Nga tăng. So với tháng 10/2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang các thị trường Trung Quốc, Thái Lan, thị trường Đài Loan, Hà Lan giảm; các thị trường tiềm năng khác tăng.
Tính chung 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang hầu hết các thị trường lớn tăng trưởng khả quan, ngoại trừ Hà Lan. Như vậy, trong 10 tháng năm 2024, ngành hàng rau quả của Việt Nam nỗ lực khai thác tốt nhiều thị trường tiềm năng khác như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, UAE … Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy:
- Tháng 10/2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 308,46 triệu USD, giảm 56,4% so với tháng 9/2024 và giảm 29,0% so với tháng 10/2023. Tuy nhiên, tính chung 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 28,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt xấp xỉ 4,1 tỷ USD. Tỷ trọng xuất khẩu rau quả của Việt Nam chiếm 66,52% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong 10 tháng năm 2024, cao hơn so với tỷ trọng 66,06% trong 10 tháng năm 2023.
- Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Mỹ trong tháng 10/2024 tăng 19,7% so với tháng 9/2024 và tăng 41,2 so với tháng 10/2023, đạt 32,53 triệu USD. Tính chung 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Mỹ tăng 35,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 286,79 triệu USD.
- Tương tự, trong 10 tháng năm 2024, ngành hàng rau quả của Việt Nam cũng khai thác tốt các thị trường tiềm năng khác như: Hàn Quốc (+40,8%); Thái Lan (+70,4%); Nhật Bản (+13,1%); thị trường Đài Loan (+9,2%); Australia (+27,9%); UAE (+31,7%); Nga (+32,9%); Canada (+44,8%); Đức (+73,6%); … Tuy nhiên, tốc độ xuất khẩu rau quả sang một số thị trường trên trong tháng 10/2024 giảm so với tháng 9/2024, gồm: Thái Lan, thị trường Đài Loan, Australia.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Hà Lan tăng trở lại trong tháng 10/2024, mức tăng 70,5% so với tháng 9/2024, đạt 9,36 triệu USD, nhưng vẫn giảm 0,9% so với tháng 10/2023. Lũy kế 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Hà Lan giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 94,44 triệu USD.
Trong 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang một số thị trường giảm, như: Lào (-49,3%); Cadắcxtan (-33,4%); Xênêgan (-31,0%) … Mức giảm trên khá thấp về quy mô thị trường cũng như trị giá xuất khẩu nên không ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng toàn ngành.
- Theo số liệu tính toán từ Tổng cục Hải quan, tháng 10/2024, kim ngạch xuất khẩu rau hoa quả của khu vực Đông Nam Bộ đạt 182,34 triệu USD, giảm 25,5% so với tháng trước và giảm 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau hoa quả của khu vực Đông Nam Bộ đạt 1,86 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu rau hoa quả của khu vực Đông Nam Bộ đóng góp khá lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.
- Tính riêng tỉnh Tây Ninh, kim ngạch xuất khẩu rau hoa quả toàn tỉnh trong tháng 10/2024 đạt xấp xỉ 1,34 triệu USD, tăng 31,1% so với tháng 9/2024, nhưng giảm 25,1% so với tháng 10/2023. Lũy kế 10 tháng năm 2024, toàn tỉnh Tây Ninh xuất khẩu rau quả đạt xấp xỉ 17,78 triệu USD, giảm 19,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 10 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu rau quả của tỉnh Tây Ninh chiếm 0,95% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng của khu vực Đông Nam Bộ (cùng kỳ năm ngoái chiếm 1,43%) và chiếm 0,29% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (cùng kỳ năm ngoái chiếm 0,45%).
- Tháng 10/2024, Hà Lan vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực mặt hàng rau quả của tỉnh Tây Ninh, kim ngạch đạt 958,6 nghìn USD, tăng 75,6% so với tháng 9/2024, nhưng giảm 20,8% so với tháng 10/2023.
Tính chung 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của tỉnh Tây Ninh sang thị trường Hà Lan đạt xấp xỉ 11,97 triệu USD, giảm 27,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
- Đứng thứ hai là thị trường Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu rau quả của tỉnh Tây Ninh trong 10 tháng năm 2024 đạt 2,21 triệu USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 12,44% tổng trị giá xuất khẩu rau quả của tỉnh Tây Ninh. Tính riêng tháng 10/2024, tỉnh Tây Ninh xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt 185,1 nghìn USD, tăng 4,4% so với tháng 9/2024 và tăng 256% so với tháng 10/2023.
- Bên cạnh đó, tỉnh Tây Ninh xuất khẩu hàng rau quả sang các thị trường như: Australia, Mỹ, Tây Ban Nha, Đức, Nhật Bản, Malaysia, … Tuy nhiên, trị giá xuất khẩu đạt mức thấp.
Tháng 10/2024, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam giảm mạnh, một phần do xuất khẩu sầu riêng giảm, chủ yếu do sầu riêng Tây Nguyên vào cuối vụ thuận và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ vào vụ nghịch.
Tuy nhiên, tính chung 10 tháng năm 2024, xuất khẩu rau quả của Việt Nam vẫn đạt con số ấn tượng. Sự tăng trưởng vượt bậc của sản lượng các loại trái cây chủ lực, kết hợp với việc khai thác hiệu quả thị trường Trung Quốc, đã giúp xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt được những thành tích đáng ghi nhận trong thời gian qua.
Đóng góp phần lớn vào tốc độ tăng trưởng chung toàn ngành là mặt hàng sầu riêng, tỷ trọng chiếm 49,86% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả của cả nước. Triển vọng xuất khẩu rau quả cuối năm 2024 nhìn chung vẫn sẽ khả quan do yếu tố mùa vụ. Mặc dù sầu riêng chính vụ đã kết thúc vào tháng 10, nhưng Việt Nam vẫn còn hàng trái vụ. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng rau, củ, quả và sản phẩm chế biến khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao.
Việc Việt Nam đã ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh và dừa tươi sang nước này mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt. Tại hội chợ cuối tháng 9 ở Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu từ 30 - 50 container, thậm chí có đơn vị đạt thỏa thuận cung cấp 1.500 container. Đây là tín hiệu tích cực cho tương lai ngành dừa Việt tại thị trường đông dân này.
Tại Mỹ, các loại nông sản Việt Nam ngày càng được ưa chuộng, nhất là dừa, chanh dây và nhiều trái cây khác, hứa hẹn sẽ tiếp tục được quảng bá mạnh mẽ ở thị trường này. Trong tháng 10, hơn 1,5 tấn chanh leo đầu tiên được mở cửa chính ngạch vào thị trường Australia đã mở ra cơ hội lớn cho chanh leo Việt Nam vào thị trường được đánh giá là khó tính bậc nhất thế giới...
Điều này cho thấy, chất lượng hàng rau quả của Việt Nam ngày càng được nâng cao nhờ áp dụng quy trình sản xuất hiện đại với tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như VietGap, GlobalGap. Bên cạnh đó, ngành hàng rau quả Việt Nam có sự đa dạng về chủng loại và cạnh tranh về giá.
Ngoài ra, ngành hàng rau quả nhận được sự hỗ trợ từ chính sách của nhà nước. Nhà nước đang có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp, tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc sản xuất và xuất khẩu rau quả. Đồng thời, Việt Nam đạt được kim ngạch xuất khẩu kỷ lục là nhờ đã thương lượng và ký được các hiệp định thương mại tự do, 16/19 hiệp định FTA cùng với nhiều nghị định thư với các thị trường quan trọng đã mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu rau quả Việt Nam thâm nhập càng ngày càng sâu vào các thị trường, nhất là những thị trường có nhu cầu lớn.
Dự báo xuất khẩu rau quả sẽ vẫn thuận lợi trong các tháng cuối năm nhờ yếu tố chu kỳ. Trung Quốc sắp bước vào mùa đông nên cây trái, rau quả nhiều sẽ thu hoạch kém, trong khi tại Việt Nam, mùa đông lại là mùa khô nên thuận lợi để trồng rau quả, nguồn cung dồi dào. Bên cạnh đó, Việt Nam có kết nối về đường bộ, đường biển, đường sắt với thị trường Trung Quốc, tạo thuận lợi giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, thời gian vận chuyển.

Bên cạnh yếu tố thuận lợi, ngành hàng rau quả Việt Nam còn đối mặt nhiều thách thức như sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều nước xuất khẩu, các rào cản kỹ thuật khắt khe về chất lượng, về bao bì, truy suất nguồn gốc của những thị trường nhập khẩu…
Khuyến nghị các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu rau quả cần xây dựng vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện người dân liên kết sản xuất rau quả đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… Hỗ trợ các hợp tác xã chuyên canh rau quả về vốn, kỹ thuật, tạo điều kiện để các hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị.
Đối với các rào cản kỹ thuật cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm. Do đó, việc duy trì, nâng cao chất lượng, tuân thủ nghiêm quy định về chất lượng, truy xuất nguồn gốc... đòi hỏi người sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu phải chú trọng hơn nữa.
Trân trọng./.
 

Tác giả: quản trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây