Diễn biến tình hình và xu hướng phát triển thị trường mặt hàng hạt điều của tỉnh Tây Ninh tháng 9 năm 2024

Thứ ba - 19/11/2024 22:30 18 0
Diễn biến tình hình và xu hướng phát triển thị trường mặt hàng hạt điều của tỉnh Tây Ninh tháng 9 năm 2024
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 9/2024, Việt Nam xuất khẩu hạt điều ra thế giới đạt trên 57 nghìn tấn, trị giá 372,16 triệu USD, giảm 11,6% về lượng, nhưng tăng 8,9% về trị giá so với tháng 8/2024, so với tháng 9/2023 tăng 0,6% về lượng và tăng 20,2% về trị giá. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu hạt điều ra thế giới đạt 543,5 nghìn tấn, trị giá 3,15 tỷ USD, tăng 20,1% về lượng và tăng 21,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Tháng 9/2024, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 6.522 USD/tấn, tăng 3,1% so với tháng 8/2024 và tăng 19,5% so với tháng 9/2023. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.797 USD/tấn, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tháng 9/2024, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang nhiều thị trường truyền thống và tiềm năng giảm so với tháng trước, gồm: Mỹ, Hà Lan, Đức, Anh, Australia, Tây Ban Nha ... Ngược lại, xuất khẩu hạt điều sang các thị trường Trung Quốc, UAE, Canada, Ả rập Xê út … tăng. So với tháng 9/2023, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang các thị trường Mỹ, Hà Lan, UAE, Anh, Canada … tăng, nhưng xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Australia, Ả rập Xê út … giảm. Nhìn chung, 9 tháng đầu năm 2024, ngành điều Việt Nam đã khai thác khá tốt hầu hết các thị trường xuất khẩu truyền thống và tiềm năng của nước ta. Số liệu thống kê cho thấy, tháng 9/2024, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang Mỹ đạt xấp xỉ 16,3 nghìn tấn, trị giá 108 triệu USD, giảm 19% về lượng và giảm 15,8% về trị giá so với tháng 8/2024, nhưng so với tháng 9/2023 tăng 35,0% về lượng và tăng 67,5% về trị giá. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt 150,43 nghìn tấn, trị giá 871,33 triệu USD, tăng 29,9% về lượng và tăng 32,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Tháng 9/2024, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 8,6 nghìn tấn, trị giá 53,98 triệu USD, tăng 3,9% về lượng và tăng 7,4% về trị giá so với tháng 8/2024, nhưng so với tháng 9/2023 giảm 32,1% về lượng và giảm 26,1% về trị giá. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang thị trường Trung quốc đạt 91,42 nghìn tấn, trị giá 518,14 triệu USD, tăng 29,9% về lượng và tăng 19,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. 9 tháng đầu năm 2024, ngành điều Việt Nam nhìn chung khai thác tốt thị trường EU, xuất khẩu sang nhiều thị trường thành viên tăng, gồm: Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Lítva, Italia… Ngoài nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm hạt điều thì EVFTA cũng đóng góp phần lớn vào sự thành công này. Ngược lại, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang một số thị trường giảm (mức giảm không đáng kể), gồm: thị trường Hồng Công, Philippin, Cadắcxtan, … Trong khi đó, tỷ trọng xuất khẩu hạt điều sang các thị trường trên ở mức thấp, không ảnh hưởng đến mức tăng toàn ngành.
Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 9/2024, khu vực Đông Nam Bộ xuất khẩu hạt điều ra thế giới đạt 48,82 nghìn tấn, trị giá 318,44 triệu USD, giảm 10,2% về lượng và giảm 7,4% về trị giá so với tháng 8/2024, nhưng so với tháng 9/2023 tăng 1,7% về lượng và tăng 21,5% về trị giá. Tính chung 9 tháng năm 2024, khu vực Đông Nam Bộ xuất khẩu hạt điều ra thế giới đạt 457,96 nghìn tấn, trị giá 2,65 tỷ USD, tăng 21,9% về lượng và tăng 23,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính riêng tỉnh Tây Ninh, tháng 9/2024, xuất khẩu hạt điều trên địa bàn tỉnh ra thế giới đạt 1,75 nghìn tấn, trị giá 11,42 triệu USD, giảm 21,0% về lượng và giảm 18,6% về trị giá so với tháng 8/2024, nhưng so với tháng 9/2023 tăng 3,6% về lượng và tăng 23,8% về trị giá. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, tỉnh Tây Ninh xuất khẩu hạt điều ra thế giới đạt 16,98 nghìn tấn, trị giá 98,45 triệu USD, tăng 34,1% về lượng và tăng 35,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 9 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hạt điều của tỉnh Tây Ninh chiếm 3,71% tổng trị giá xuất khẩu của khu vực Đông Nam Bộ (cùng kỳ năm ngoái chiếm 3,37%) và chiếm 3,13% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước (cùng kỳ năm ngoái chiếm 2,81%).
Cơ cấu thị trường xuất khẩu hạt điều của tỉnh Tây Ninh chủ yếu sang các thị trường Trung Quốc, Mỹ (tỷ trọng chiếm lần lượt 27,96% và 26,80% tổng kim ngạch); các thị trường khác tỷ trọng tương đối thấp. Theo số liệu tính toán từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 9/2024, tỉnh Tây Ninh xuất khẩu hạt điều sang thị trường Trung Quốc đạt 309 tấn, trị giá 2,02 triệu USD, giảm 19,2% về lượng và giảm 16,7% về trị giá so với tháng 8/2024, so với tháng 9/2023 giảm 55,2% về lượng và giảm 46,4% về trị giá. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, tỉnh Tây Ninh xuất khẩu hạt điều sang thị trường Trung Quốc đạt 4,75 nghìn tấn, trị giá 27,53 triệu USD, tăng 46,8% về lượng và tăng 48,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng 9/2024, tỉnh Tây Ninh xuất khẩu hạt điều sang thị trường Mỹ đạt 467 tấn, trị giá 3,04 triệu USD, giảm 42,3% về lượng và giảm 40,5% về trị giá so với tháng 8/2024, nhưng so với tháng 9/2023 tăng 50,8% về lượng và tăng 80,2% về trị giá. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, tỉnh Tây Ninh xuất khẩu hạt điều sang thị trường Mỹ đạt 4,55 nghìn tấn, trị giá 26,38 triệu USD, tăng 53,4% về lượng và tăng 55,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 9 tháng đầu năm 2024, tỉnh Tây Ninh tăng xuất khẩu hạt điều sang nhiều thị trường như: Hà Lan, Australia, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, UAE, Nga,... Ngược lại, xuất khẩu hạt điều của tỉnh Tây Ninh sang một số thị trường giảm, như: Anh, Israel, Nhật Bản, Đức ... Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu hạt điều sang các thị trường trên ở mức thấp, không ảnh hưởng nhiều đến tốc độ tăng trưởng chung của ngành hạt điều tỉnh Tây Ninh.
Kết thúc 9 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt kết quả rất khả quan trong bối cảnh kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro, lạm phát ở mức cao, hoạt động xuất, nhập khẩu bị gián đoạn. Triển vọng xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong các tháng còn lại của năm nay sẽ thuận lợi theo yếu tố chu kỳ và giá xuất khẩu hạt điều nhân có xu hướng tăng.
Nguyên nhân khiến giá hạt điều nhân tăng là do:
Một là, gián đoạn chuỗi cung ứng: Việt Nam, nhà chế biến hạt điều lớn nhất thế giới, đang phải đối mặt với tình trạng giảm sản lượng điều thô nhập khẩu trên 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này dẫn đến việc khan hiếm nguồn cung. Thu hoạch kém ở Tây Phi, khu vực cung cấp điều thô chính, cũng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt. Giá hạt điều thô tăng cao và việc thiếu nguồn nguyên liệu đã đẩy giá nhân điều tăng lên.
Hai là, nhu cầu cao ở các thị trường mới nổi: Các quốc gia như Trung Quốc và các khu vực khác ở châu Á đang chứng kiến nhu cầu tăng mạnh do tầng lớp trung lưu mở rộng và người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến sức khỏe. Cạnh tranh gia tăng đối với nguồn cung sẵn có đã đẩy giá lên cao.
Ba là, tếu tố kinh tế và môi trường toàn cầu: Sự biến động tỷ giá hối đoái và điều kiện thời tiết bất lợi do biến đổi khí hậu đã khiến chi phí sản xuất trở nên đắt đỏ hơn và khó dự đoán. Năng suất thu hoạch bị ảnh hưởng, làm tăng chi phí chế biến, từ đó dẫn đến giá bán lẻ cao hơn cho người tiêu dùng.
Bốn là, căng thẳng địa chính trị: Một số khu vực, như Trung Đông, đang chứng kiến nhu cầu giảm do bất ổn chính trị. Tuy nhiên, nhu cầu toàn cầu nói chung vẫn mạnh, đặc biệt là ở các thị trường phương Tây, nơi người tiêu dùng chú trọng đến sức khỏe thúc đẩy tiêu thụ.
Mặc dù có nhiều thách thức, triển vọng dài hạn về giá nhân điều cho thấy sự biến động sẽ tiếp diễn, và giá có khả năng duy trì ở mức cao do hạn chế nguồn cung và nhu cầu toàn cầu tăng cao, đặc biệt vào giai đoạn lễ hội cuối năm. Tại Mỹ, nhu cầu tiêu thụ có dấu hiệu phục hồi, tồn kho giảm mạnh sẽ kéo theo nhập khẩu tăng. Đặc biệt, khu vực châu Á sẽ là thị trường trọng điểm của ngành điều do ít bị tác động bởi các cuộc xung đột. Thị trường Trung Quốc đặc biệt ưa chuộng hạt điều của Việt Nam nhờ nguồn cung ổn định quanh năm và chất lượng sản phẩm tốt. EU là thị trường xuất khẩu hạt điều tiềm năng lớn mà bất kỳ nước sản xuất nào cũng muốn thâm nhập. Tuy nhiên, để xuất khẩu hạt điều vào EU, các nước sản xuất và xuất khẩu phải đáp ứng được 9 yêu cầu sau: Chất lượng, an toàn thực phẩm, trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, yêu cầu đóng gói, ghi nhãn, hạt điều hữu cơ, nhãn hữu cơ quốc gia ở Bắc Âu, chứng nhận bền vững, chứng nhận dân tộc. Chẳng hạn như với chứng nhận bền vững, nhiều nhà nhập khẩu của Bắc Âu yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều cần tuân theo quy tắc ứng xử cụ thể của riêng họ. Và hầu hết các nhà bán lẻ châu Âu đều có quy tắc ứng xử riêng hay được ví von là “luật riêng”, đơn cử như Lidl (PDF), REWE, Carrefour (PDF), Tesco và Ahold Delhaize. Nhìn chung, với tất cả các nhóm mặt hàng của Việt Nam khi nhắm vào thị trường Bắc Âu cần nắm rõ xu hướng hiện nay là đều liên quan đến bền vững và sản xuất có trách nhiệm hơn. Xu hướng này liên quan đến nhiều khía cạnh, nhiều vấn đề trong chuỗi cung ứng, bao gồm điều kiện làm việc, sử dụng nước, quản lý chất thải, giảm phát thải…Nếu tuân thủ tốt thì sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam sẽ được các nhà thu mua của Bắc Âu chấp nhận đưa vào kênh phân phối của họ. Ngoài các vấn đề nêu trên ở thị trường Bắc Âu, theo quy định mới EU, từ ngày 3/6/2024, tất cả doanh nghiệp có liên quan tới hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam vào EU đều phải khai báo dữ liệu trước khi hàng đến vào Hệ thống kiểm soát hàng hóa nhập khẩu (ICS2). Hệ thống ICS2 là hệ thống mới về an toàn và an ninh hải quan trước khi hàng đến của Liên minh châu Âu (EU), áp dụng quy trình mới cho nhập khẩu hàng hóa bằng đường biển, đường thủy nội địa, đường bộ và đường sắt tại EU. Chính vì vậy, khi xuất khẩu vào EU thì các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm chắc thông tin quy định mới trong hệ thống kiểm soát nhập khẩu của EU. Như cảnh báo hồi tháng 4/2024 từ Tổng cục Hải quan của Việt Nam, nếu doanh nghiệp Việt Nam không nắm được các quy định này có khả năng phải hứng chịu hậu quả nghiêm trọng, như: Các containers và lô hàng sẽ bị dừng tại biên giới với EU; hàng hoá sẽ không được thông quan bởi Hải quan EU; hoặc các tờ khai không đầy đủ hoặc bị từ chối hoặc sẽ bị cấm vận vì không tuân thủ quy định của EU. Tổng cục Hải quan cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải triển khai khi ICS2 chính thức có hiệu lực. Theo đó, các doanh nghiệp cần phải quyết định tự phát triển hệ thống công nghệ thông tin nội bộ hay sử dụng dịch vụ của một Nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin để gửi dữ liệu ENS (một loại phụ phí kê khai sơ lược hàng hóa nhập khẩu vào EU nhằm đảm bảo tiêu chuẩn an ninh cho khu vực EU) lên hệ thống ICS2. Doanh nghiệp cần phải thỏa thuận sớm với các bên liên quan khác trong chuỗi cung ứng về cách thức nộp dữ liệu ENS.
Trân trọng./.
 

Tác giả: quản trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây