Diễn biến tình hình và xu hướng phát triển thị trường mặt hàng rau quả của tỉnh Tây Ninh tháng 7 năm 2024

Thứ ba - 24/09/2024 21:55 132 0
Diễn biến tình hình và xu hướng phát triển thị trường mặt hàng rau quả của tỉnh Tây Ninh tháng 7 năm 2024
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 7/2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 552,26 triệu USD, giảm 17,6% so với tháng trước, nhưng tăng 36,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta đạt 3,88 tỷ USD, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang hầu hết các thị trường lớn tăng trưởng khả quan, ngoại trừ Hà Lan. Số liệu thống kê cho thấy:
+ Tháng 7/2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 330,72 triệu USD, giảm 26,8% so với tháng 6/2024, nhưng tăng 43,4% so với tháng 7/2023. Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 24,9% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ đẩy mạnh xuất khẩu trong các tháng trước đó, đạt 2,49 tỷ USD, tỷ trọng chiếm 64,18% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
+ Tương tự, tháng 7/2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Mỹ giảm 1,5% so với tháng 6/2024, nhưng tăng 41,7% so với tháng 7/2023, đạt 31,85 triệu USD. Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt 189,41 triệu USD, tăng 34,9% so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ trọng chiếm 4,88%.
+ Tháng 7/2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc đạt 26,99 triệu USD, giảm 8,5% so với tháng 6/2024, nhưng tăng 30,5% so với tháng 7/2023. Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc đạt 188,94 triệu USD, tăng 51,1% so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ trọng chiếm 4,87%.
- Đối với thị trường các nước ASEAN, ngành hàng rau quả Việt Nam đã khai thác tốt thị trường Thái Lan, tốc độ tăng trưởng trong tháng 7/2024 so với tháng 6/2024 là 7,3% và tăng 12,8% so với tháng 7/2023, đạt 24,71 triệu USD. Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Thái Lan đạt 122,3 triệu USD, tăng 70,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các thị trường thành viên khác, dù ghi nhận mức tăng trưởng khả quan, nhưng kim ngạch đạt mức thấp. Đơn cử như: Malaysia tăng 4,1%, đạt 32,95 triệu USD; Singapore tăng 6,2%, đạt 23,61 triệu USD; Campuchia tăng 49,4%, đạt 10,65 triệu USD; Indonesia tăng 6,6%, đạt 4,76 triệu USD.Rau quả của tỉnh Tây Ninh xuất khẩu 05 tháng đầu năm 2024 chủ yếu sang thị trường Trung Quốc đạt 9,24 triệu USD, giảm 26,% so với cùn kỳ năm ngoái.
Tính riêng tỉnh Tây Ninh, kim ngạch xuất khẩu rau hoa quả toàn tỉnh trong tháng 7/2024 đạt 1,42 triệu USD, giảm 34,7% so với tháng 6/2024 và giảm 24,4% so với tháng 7/2023. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh Tây Ninh xuất khẩu rau quả đạt xấp xỉ 12,84 triệu USD, giảm 23,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu rau quả của tỉnh Tây Ninh chiếm 1,05% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng của khu vực Đông Nam Bộ (cùng kỳ năm ngoái chiếm 1,67%) và chiếm 0,33% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (cùng kỳ năm ngoái chiếm 0,54%).
Trong 7 tháng đầu năm 2024, Hà Lan là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của tỉnh Tây Ninh, tỷ trọng chiếm 67,61% tổng kim ngạch, đạt 8,68 triệu USD, giảm 30,7% so với cùng kỳ năm 2023. Tính riêng tháng 7/2024, tỉnh Tây Ninh xuất khẩu rau quả sang thị trường Hà Lan đạt 953,7 nghìn USD, giảm 38,7% so với tháng 6/2024 và giảm 29,9% so với tháng 7/2023. Đứng thứ hai là thị trường Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu rau quả của tỉnh Tây Ninh sang thị trường này đạt gần 1,56 triệu USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 12,13% tổng trị giá xuất khẩu rau quả của tỉnh Tây Ninh trong 7 tháng đầu năm 2024. Tính riêng tháng 7/2024, tỉnh Tây Ninh xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt 160,2 nghìn USD, giảm 24,3% so với tháng 7/2024 và giảm 51,3% so với tháng 7/2023. 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của tỉnh Tây Ninh sang một số thị trường tăng mạnh, gồm: Nhật Bản (+60,9%); Đức (+286,5%); Campuchia (+300,3%). Đáng chú, tỉnh Tây Ninh đã thành công bước đầu khi mở rộng thị trường xuất khẩu rau quả sang Pháp, Anh, Canada, Indonesia, Thái Lan. Tuy nhiên, trị giá xuất khẩu rau quả sang các thị trường trên ở mức thấp, chưa tác động nhiều đến tốc độ tăng trưởng của tỉnh. Nhìn chung, xuất khẩu rau quả của tỉnh Tây Ninh vẫn phụ thuộc phần lớn vào thị trường Hà Lan.
Với tốc độ xuất khẩu tăng trưởng 2 con số cho thấy chất lượng rau quả của Việt Nam ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu.
Ước tính, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam tăng trở lại trong tháng 8/2024, mức tăng 35,8% so với tháng trước và tăng 61,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 750 triệu USD. Tính chung 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt trên 4,63 tỷ USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều tín hiệu tích cực cho thấy ngành hàng rau quả Việt Nam sẽ có sự bứt phá mạnh trong thời gian tới. Cục Bảo vệ thực vật đang mở cửa thị trường cho quả có múi, cây dược liệu và sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc. Ngoài ra, chanh leo, nhãn, vải cũng đang đàm phán để xuất khẩu sang Australia; chanh leo, bưởi sang New Zealand.
Ngày 19/8/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức ký kết Nghị định thư quan trọng, mở đường cho việc xuất khẩu dừa tươi, sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc.
Các Nghị định thư được ký kết lần này gồm: Nghị định thư về kiểm tra, kiểm định thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc; Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Trong đó, sầu riêng đông lạnh được xem là sản phẩm ưu tiên với tiềm năng đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu nông sản của nước ta hiện nay. Việc mở cửa chính thức thị trường Trung Quốc cho sản phẩm này dự kiến sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành sầu riêng Việt Nam.
Tuy nhiên, để ngành sầu riêng phát triển, xuất khẩu thuận lợi thì Việt Nam cần ban hành quy chuẩn về chế biến, bảo quản sau thu hoạch để cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu có cơ sở thực hiện. Theo Cục Bảo vệ thực vật, diện tích sầu riêng được cấp mã số vùng trồng mới đạt khoảng 25.000 ha so với tổng diện tích trồng sầu riêng cả nước khoảng 150.000 ha. Việt Nam tiếp tục đề nghị phía Trung Quốc mở rộng thêm mã số vùng trồng. Nhưng ngành sẽ không chỉ tập trung mở rộng vùng trồng và tăng diện tích mà đã đến lúc phải tập trung vào kiểm soát, quản lý chất lượng.
Việc sầu riêng đông lạnh được ký Nghị định thư xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ giúp đa dạng hóa sản phẩm cho ngành sầu riêng; có thêm công nghệ, biện pháp để bảo quản sầu riêng lâu hơn và từ đó giảm sức ép mùa vụ. Các nhà vườn sẽ tập trung hơn vào các sản phẩm quả tươi chất lượng cao để xuất khẩu.
Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của mặt hàng rau quả Việt Nam, trong đó Việt Nam đang là thị trường cung cấp sầu riêng tươi lớn thứ 2 cho Trung Quốc (sau thị trường Thái Lan). Sầu riêng Việt Nam được đánh giá là có lợi thế sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm, đặc biệt khi vào vụ không bị cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan.
Ngoài ra, một lợi thế của sầu riêng Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc là thời gian vận chuyển nhanh và giá thành cạnh tranh. Đây là những yếu tố giúp cho sầu riêng Việt Nam tạo được bước tiến lớn tại thị trường Trung Quốc chỉ sau chưa đầy 2 năm được mở cửa tại thị trường này.
Từ nay đến cuối năm, bên cạnh việc khai thác tốt thị trường truyền thống Trung Quốc, ngành hàng rau quả nước ta có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng lớn như Hàn Quốc. Tuy nhiên, ngành hàng rau quả Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là việc khai thác thị trường EU.
Theo Thống kê của Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) cho thấy, số lượng cảnh báo tồn dư chất cấm, kháng sinh trong sản phẩm nông sản của Việt Nam xuất sang châu Âu (EU) tăng hơn 80% trong nửa đầu năm. Diễn biến bất thường này cảnh báo các doanh nghiệp Việt Nam phải tự kiểm soát ngặt yêu cầu an toàn thực phẩm trước khi xuất sang thị trường "khó tính" như EU.
Hiện tại, 4 mặt hàng nông sản phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt hơn, bao gồm thanh long (30%), ớt (50%), đậu bắp (50%) và sầu riêng (10%). Tình trạng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hàm lượng kim loại nặng… vẫn còn là nút thắt lớn. Một số mặt hàng rau quả của Việt Nam xuất khẩu vào EU như: Ớt, rau húng, quế, thanh long… đã bị cảnh báo nhiều lần về về mặt chất lượng.
Hiện các chế tài xử phạt vi phạm về an toàn thực phẩm, an toàn sinh học của EU ngày càng nghiêm khắc. Hàng hóa bị phát hiện vi phạm các yêu cầu nhập khẩu bắt buộc của EU có nguy cơ bị buộc trả về hoặc tiêu hủy tại chỗ. Đây được cho là hồi chuông cảnh báo về việc tuân thủ các quy định an toàn thực phẩm của nông sản Việt Nam. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn có thể sẽ làm giảm uy tín chung của nông sản Việt Nam tại thị trường EU, cũng như trên thế giới.
Trân trọng./.

 

Tác giả: quản trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây