Chuyển đổi số: Cần sự vào cuộc, quyết tâm của cả hệ thống chính trị

Thứ tư - 26/10/2022 14:55 252 0
Việc liên thông giữa người dân và chính quyền, việc phản hồi từ chính quyền đến người dân tốt hơn sẽ tạo động lực để người dân tiếp tục sử dụng các ứng dụng; chính quyền tiếp tục sử dụng các nền tảng, các trục để tạo điều kiện cho việc ứng dụng chuyển đổi số.
Chuyển đổi số: Cần sự vào cuộc, quyết tâm của cả hệ thống chính trị

Để thích ứng với tình hình mới và tận dụng cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, ngày 27.9.2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó, xác định nội dung cốt lõi là thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Trên cơ sở đó, ngày 3.6.2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030. Tại Tây Ninh, Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 26.1.2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 713/QĐ-UBND ngày 29.3.2021 về chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin chung tay

Trên địa bàn tỉnh, đến nay đã triển khai các nền tảng dùng chung như: hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (Cổng dịch vụ công và Một cửa điện tử); hệ thống quản lý văn bản điện tử và điều hành (eGov); hệ thống họp không giấy tờ; hệ thống liên thông dữ liệu từ Trung ương về tỉnh, các hệ thống thông tin của tỉnh (LGSP); hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng kết nối với hệ thống an toàn thông tin quốc gia (SOC); hệ thống giám sát, điều hành thông minh (IOC); trung tâm dữ liệu theo mô hình điện toán đám mây; hệ thống hội nghị truyền hình từ tỉnh tới huyện, xã, huyện tới xã, tới người dùng thiết bị di động (hệ thống phần mềm hiện tại có thể kết nối tới khoảng 1.000 điểm). Tỉnh có “Tây Ninh Smart” là một ứng dụng dùng chung cho toàn bộ hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, đến nay, có hơn 132.000 tài khoản đăng ký.

Ông Nguyễn Công Danh- Phó Giám đốc Trung tâm kinh doanh VNPT Tây Ninh cho biết, thời gian qua, VNPT Tây Ninh triển khai và đạt một số kết quả về chuyển đổi số của tỉnh như: hệ thống giám sát chỉ đạo điều hành đô thị thông minh (IOC) của tỉnh; hệ thống thông tin báo cáo cấp tỉnh hỗ trợ công tác báo cáo chuyên môn của các sở, ngành, Văn phòng UBND tỉnh, hệ thống liên thông được với hệ thống Báo cáo quốc gia; hệ thống quản lý thông tin đất đai VNPT-ilIS tại địa bàn Tân Châu, hiện nay, đang tiếp tục triển khai trên địa bàn huyện Tân Biên; ngoài ra, VNPT cũng triển khai hệ sinh thái không dùng tiền mặt; hỗ trợ cho lĩnh vực giáo dục...

Trong giai đoạn tiếp theo, VNPT đề xuất triển khai nền tảng cửa khẩu số; hệ thống sổ tay điện tử đảng viên phục vụ cho quá trình quản lý, hoạt động của các tổ chức đảng; triển khai các hệ thống dữ liệu chuyên ngành để phục vụ cho Trung tâm điều hành IOC của tỉnh...

Theo ông Phạm Thanh Sơn- Giám đốc Viettel Tây Ninh, qua theo dõi trên hệ thống mạng di động Viettel, người dân tại Tây Ninh có điện thoại thông minh và sử dụng data (dữ liệu) trên mạng di động đạt mức khá trên toàn quốc. Từ đầu năm 2022 đến nay, sử dụng data trên dữ liệu di động tại Tây Ninh đứng thứ 5 toàn quốc, đó là cơ sở đầu tiên cho công dân số, là tiền đề rất lớn cho việc người dân sử dụng các dịch vụ số.

Theo ông, hiện nay còn một số vấn đề như việc tạo các trục liên thông đã có, tuy nhiên, để các nhà mạng, nhà cung cấp dịch vụ, viễn thông và công nghệ thông tin bắt tay thực sự để đưa các dữ liệu liên thông với nhau còn hạn chế.

Bên cạnh đó, việc sử dụng các dữ liệu lớn trong phân tích, đưa ra các quyết định trong định hướng và tham mưu cho lãnh đạo cũng còn một số hạn chế nhất định. Chính vì vậy, đề xuất của Viettel cho tỉnh trong các năm tiếp theo tập trung vào các vấn đề trên. Viettel sẽ đồng hành cùng tỉnh trong việc sử dụng các dữ liệu để hỗ trợ phân tích, đưa ra các quyết định, đơn vị sẽ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông để triển khai.

Về phản ánh của người dân và việc xử lý các phản ánh của người dân, Viettel sẽ tích cực phối hợp trong công tác tuyên truyền; quy trình liên quan đến xử lý phản ánh của người dân cũng được xử lý một cách đồng bộ hơn, tạo sự tin tưởng của nhân dân.

Việc liên thông giữa người dân và chính quyền, việc phản hồi từ chính quyền đến người dân tốt hơn sẽ tạo động lực để người dân tiếp tục sử dụng các ứng dụng; chính quyền tiếp tục sử dụng các nền tảng, các trục để tạo điều kiện cho việc ứng dụng chuyển đổi số.

Làng thông minh - Một hướng chuyển đổi số nông nghiệp

Tại hội nghị quán triệt, tuyên truyền và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về chuyển đổi số năm 2022 được tổ chức vừa qua tại tỉnh Tây Ninh, PGS. TS Thoại Nam- Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến liên ngành, Trường đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh giới thiệu mô hình Làng thông minh- một hướng chuyển đổi số nông nghiệp.

PGS. TS Thoại Nam cho biết, xu thế hiện tại phát triển khoa học kỹ thuật và đổi mới sáng tạo đang ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp. Các quốc gia từ châu Âu đến châu Á hiện nay phải thay đổi một cách căn cơ về lĩnh vực nông nghiệp, một trong những hướng đó là tiếp cận theo mô hình làng thông minh.

Làng thông minh là việc ứng dụng những tiến bộ về khoa học kỹ thuật, đặc biệt là kỹ thuật số, đổi mới sáng tạo để đối phó và giải quyết các vấn đề của địa phương, sao cho đơn vị ở địa phương đó có thể phát triển bền vững dựa trên thế mạnh, kết nối cộng đồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, giải quyết được những vấn đề lớn như biến đổi khí hậu... hướng đến sự thịnh vượng cho khu vực nông thôn.

"Chúng ta có chương trình về đô thị thông minh, vậy tại sao Việt Nam lại không có chương trình về làng thông minh để giải quyết cho khu vực nông thôn! Hướng tiếp cận của mô hình này là từ các mô hình, kinh nghiệm của châu Âu, Hàn Quốc, Ấn Độ và các quốc gia khác; cộng thêm các điều kiện thực tiễn của Việt Nam, từ đó, xây dựng mô hình làng thông minh cho Việt Nam. Về nguyên tắc không có mô hình làng thông minh chung cho tất cả các quốc gia hay tất cả các khu vực của Việt Nam"- PGS. TS Thoại Nam nói.

Mô hình đưa chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo làm chủ lực, xây dựng một hệ dữ liệu trung tâm của làng là dữ liệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích. Ngoài ra là những ứng dụng khác liên quan như: quan trắc môi trường kết hợp tưới tiêu, truy xuất nguồn gốc, sổ tay điện tử để phục vụ cho bán hàng và xuất khẩu; ứng dụng camera có AI cho vấn đề giám sát an ninh ở nông thôn; hệ thống chiếu sáng thông minh hướng tới tiết kiệm năng lượng, có thể sử dụng năng lượng mặt trời... những thông tin này được chia sẻ lại cho cổng thông tin cũng như ứng dụng trên điện thoại di động cho cư dân địa phương để họ tiếp cận thông tin hữu ích liên quan đến môi trường sống, môi trường sản xuất, thông tin về kinh tế thị trường. Từ đó, làm cho người dân có cuộc sống, điều kiện sản xuất, kinh doanh tốt hơn, thu hút, giữ chân được nhiều người trẻ, nhà đầu tư.

Làng thông minh là một đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, đang được triển khai tại 2 hội quán Thuận Tân và Tâm Quê tại xã Tân Thuận Tây, TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp. PGS. TS Thoại Nam chia sẻ: “Việc tiếp cận một hướng phát triển mới cho nông nghiệp của Việt Nam là cần thiết cho các đơn vị, địa phương khác nhau, mong rằng Tây Ninh sẽ có hướng tiếp cận mới về vấn đề này. Việc này sẽ mang lại một luồng gió mới, một cuộc cách mạng mới để phát triển cho lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh nhà”.

Sự vào cuộc, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị

Ông Nguyễn Phú Tiến- Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, Tây Ninh là một trong những tỉnh đi đầu trong việc tập trung triển khai thực hiện chuyển đổi số, điển hình như ứng dụng phục vụ cho phòng, chống dịch Covid-19, phần mềm tiêm chủng, theo dõi xét nghiệm... Trong thời gian tới, ông đề nghị tỉnh tập trung triển khai ứng dụng công nghệ số để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ông nhấn mạnh, lãnh đạo các cấp phải thực sự vào cuộc, quyết tâm, quyết liệt chỉ đạo; khi triển khai cần thận trọng, trên quy mô nhỏ trước, khi thành công, rút kinh nghiệm mới nhân rộng mô hình.

Theo Phó Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số là nhiệm vụ cần sự vào cuộc, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương. Chuyển đổi số là thay đổi mô hình mới, phương thức mới; là chấp nhận cái mới, là cuộc cách mạng về tư duy, nhận thức, quan trọng là vai trò của người đứng đầu phải có khát vọng thay đổi, tiên phong, có quyết tâm chính trị cao.

Để công tác chuyển đổi số đạt kết quả cao, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ yêu cầu các Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, người đứng đầu các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể các cấp trong tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức các hoạt động chuyển đổi số thiết thực tại địa bàn, địa phương phụ trách.

Mỗi cơ quan, tổ chức cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, trong đó, việc xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương có ý nghĩa sống còn, là cơ hội để phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương và nâng cao thứ hạng của tỉnh.

Các cơ quan báo chí, truyền thông phối hợp tích cực với các đơn vị chức năng tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh về ý nghĩa, vai trò, lợi ích và tầm quan trọng của chuyển đổi số, tập trung thường xuyên tuyên truyền các giải pháp đã được triển khai trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của người dân.

Trích theo Trang TTĐT Sở TT&TT Tây Ninh

Tác giả: quản trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây