Lễ công bố thành lập Thành phố Tây Ninh: “Thành phố Tây Ninh văn minh, thân thiện”

Thứ ba - 18/02/2014 21:25 788 0
Ngày 14.02.2014, tại Sân vận động Tây Ninh, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Tây Ninh tổ chức trọng thể Lễ công bố Nghị quyết của Chính phủ thành lập Thành phố Tây Ninh trực thuộc tỉnh. Đây là sự kiện chính trị quan trọng và là niềm vui to lớn không chỉ của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thành phố, mà đó còn là niềm vui chung của toàn tỉnh Tây Ninh.

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi lễ.

Tham dự Lễ công bố có đồng chí Phan Văn Khải - nguyên Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Trương Mỹ Hoa - nguyên Phó Chủ tịch nước, đồng chí Hoàng Trung Hải - Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Trương Hòa Bình - Chánh án TAND tối cao, đồng chí Nguyễn Văn Nên - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cùng lãnh đạo các bộ, ngành, các địa phương và đông đảo nhân dân tỉnh tham dự.

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng cùng các cơ quan, ban ngành trung ương và địa phương đã gửi hoa chúc mừng sự kiện chính trị quan trọng, niềm vui to lớn của Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân tỉnh Tây Ninh.

Về phía tỉnh Tây Ninh, tham dự lễ có các đồng chí nguyên là Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Lâu, Nguyễn Thị Minh, Hồ Thanh Tuyên, Lê Thị Bân; đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Phuông, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Lê Minh Trọng, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hùng Việt và hơn 10.000 cán bộ hưu trí, công nhân viên chức, cán bộ - chiến sĩ lực lượng vũ trang, đoàn viên - thanh niên… các cơ quan, ban, ngành tỉnh và thành phố Tây Ninh.

 

 

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thủy báo cáo quá trình chuẩn bị thành lập thành phố Tây Ninh và các phường Ninh Sơn, Ninh Thạnh.

Tây Ninh - vùng đất ở phía Tây Nam của Tổ quốc

Ngay từ giữa thế kỷ thứ XVII, cha ông ta đã đến khai hoang, lập ấp; đã bỏ bao công sức, máu xương để gìn giữ bờ cõi, biên cương với những thành quả lớn lao và sự tích oai hùng gắn liền với 03 anh em “Quan lớn Trà Vong”: Huỳnh Công Giản, Huỳnh Công Thắng, Huỳnh Công Nghệ. Đến mùa thu năm 1836, Phủ Tây Ninh thuộc tỉnh Gia Định được triều đình Huế thành lập. Và từ đây, tên gọi Tây Ninh chính thức xuất hiện với tư cách là một đơn vị hành chính. Dưới sự cai trị của thực dân Pháp, ngày 01/01/1900, Tây Ninh trở thành tỉnh; thị tứ Tây Ninh thuộc xã Thái Hiệp Thạnh trở thành trung tâm hành chính của chính quyền cũ. Cùng với đó, nhiều công sở, đường xá, bến chợ, nhà máy… bắt đầu được xây dựng.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Mặt trận Việt Minh, nhân dân Tây Ninh đã kiên cường đấu tranh chống ách đô hộ của thực dân Pháp, cùng với cả nước làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lịch sử, giành lại độc lập tự do cho đất nước, cho dân tộc. Trải qua 9 năm kháng chiến chống Thực dân Pháp, bất chấp sự đàn áp tàn bạo, các tầng lớp nhân dân vẫn luôn một lòng hướng về kháng chiến; không tiếc công, tiếc của che giấu, nuôi dưỡng cán bộ, bộ đội. Nhiều trận công đồn, diệt ác trên địa bàn Thị xã đã làm cho quân thù khiếp sợ.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thị xã Tây Ninh không được chính quyền cũ đầu tư xây dựng. Trái lại, chúng biến vùng đất này trở thành sào huyệt, là một trong những vị trí tiền tiêu để tổ chức các cuộc càn quét đánh phá Trung ương Cục Miền Nam. Bằng nhiều hình thức đấu tranh sáng tạo, quân dân Tây Ninh đã làm cho kẻ thù không lúc nào cảm thấy yên ổn. Những Dũng sỹ núi Bà Đen, những chiến sỹ biệt động của C2/45 anh hùng… đã làm nên những chiến công vang dội, góp phần đập tan ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Đúng 11 giờ ngày 30/4/1975, lực lượng vũ trang cách mạng Tây Ninh kết hợp với lực lượng nổi dậy tại chỗ đã giải phóng hoàn toàn Thị xã Tây Ninh, kết thúc vẻ vang 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trong niềm hân hoan tỉnh nhà vừa được giải phóng, quân và dân Tây Ninh cùng với cả nước bắt tay vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế. Thế nhưng đến năm 1977, bọn diệt chủng Pôn Pốt-Iêng sary đã ngang nhiên phát động chiến tranh biên giới, trong đó Tây Ninh là một trong những trọng điểm chúng tập trung đánh phá. Pháo của giặc đã bắn vào tận trung tâm Thị xã, khiến các cơ sở sản xuất buộc phải di dời vào sâu trong nội địa. Thị xã Tây Ninh cùng một lúc phải thực hiện hai nhiệm vụ: vừa phải hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển sản xuất nhằm đảm bảo cho đời sống nhân dân, vừa phải chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế với nhân dân Campuchia. Có thể nói, trong những năm đầu sau ngày giải phóng, Đảng bộ và nhân dân Thị xã đã thể hiện rõ tinh thần tự lực, tự cường, quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện để hoàn thành hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.

Năm 2001, đánh dấu một mốc quan trọng trong sự phát triển của thị xã Tây Ninh. Đó là, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46/2001/NĐ-CP điều chỉnh địa giới hành chính huyện Hòa Thành nhằm mở rộng không gian địa lý cho thị xã Tây Ninh. Thị xã Tây Ninh từ chỗ chỉ có 03 phường, 01 xã, đã có 05 phường, 05 xã. Tiếp đó Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 12/7/2002 của Tỉnh uỷ Tây Ninh về xây dựng và phát triển Thị xã ra đời, đề ra những định hướng và giải pháp cụ thể, khả thi nhằm xây dựng Thị xã Tây Ninh thực sự là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học kỹ thuật, … của tỉnh. Cùng với nhiều chủ trương quan trọng khác, có thể nói Nghị quyết này là chủ trương quan trọng nhất thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Ninh, khơi dậy cao trào xây dựng Thị xã Tây Ninh ngày càng hiện đại, khang trang, tạo nền móng vững chắc để trở thành thành phố sau này.

Sau mười năm tập trung đầu tư về mọi mặt, thị xã Tây Ninh đã có những thay đổi cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Giá trị sản xuất những năm gần đây tăng bình quân 15,5%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành thương mại-dịch vụ và giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp; cụ thể: thương mại-dịch vụ đạt trên 57%, công nghiệp-xây dựng đạt trên 38% và nông-lâm-thủy sản chỉ còn dưới 5%. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được tập trung đầu tư khá đồng bộ. Song song đó, thị xã đã xây dựng được môi trường văn hoá ngày càng lành mạnh; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngày càng được đảm bảo; nếp sống văn minh đô thị từng bước được cải thiện; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Hệ thống chính trị được xây dựng vững mạnh. Thị xã Tây Ninh đã nên hình, nên dáng của một đô thị văn minh, năng động và hiện đại, đã thực sự xứng tầm là đô thị trung tâm của tỉnh.

Qua đánh giá toàn diện về kết quả thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 12/7/2002, Tỉnh ủy Tây Ninh đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 12/7/2012 với những chủ trương và giải pháp thông thoáng, quyết liệt, khả thi… nhằm xây dựng thị xã Tây Ninh trở thành Thành phố, không chỉ giữ vai trò là trung tâm chính trị - hành chính mà còn là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học-công nghệ…của tỉnh và khu vực.

Thành phố Tây Ninh, đô thị hiện đại, văn minh và thân thiện

Với những kết quả đầu tư và phát triển toàn diện về chất, ngày 12/12/2012, Bộ Xây dựng chính thức công nhận Thị xã Tây Ninh là Đô thị loại III. Sau 1 năm tập trung xây dựng đồng bộ, khắc phục những khiếm khuyết để đạt đầy đủ mười tiêu chuẩn theo quy định, ngày 29/12/2013, một niềm vui lớn đã đến với đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tây Ninh nói chung, Thị xã Tây Ninh nói riêng: Chính phủ ban hành Nghị quyết số 135/2013/NQ-CP, thành lập Thành phố Tây Ninh thuộc tỉnh Tây Ninh.

 

 

                                                            Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải trao Nghị quyết của Chính phủ thành lập thành phố Tây Ninh                                                              cho Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ và Chủ tịch UBND Thành phố Tây Ninh Trần Hữu Hậu.

Thành phố Tây Ninh được thành lập là dấu mốc trọng đại của gần 180 năm hình thành, xây dựng và phát triển. Đó cũng là kết quả của sự nỗ lực to lớn của toàn tỉnh Tây Ninh nói chung, thị xã Tây Ninh nói riêng.Thành phố Tây Ninh được thành lập sẽ tạo nên động lực mới, thời cơ mới để thu hút các nguồn lực, phát huy những tiềm năng sẵn có, tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ, chất lượng và hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về mọi mặt, để Thành phố Tây Ninh xứng tầm đô thị trung tâm của tỉnh, đô thị vệ tinh của Thành phố Hồ Chí Minh và của toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong tương lai, Thành phố Tây Ninh sẽ được tập trung đầu tư xây dựng để trở thành Thành phố kinh tế - sinh thái, phát triển bền vững.

Với tiềm năng lớn trong phát triển các loại hình du lịch khi kết nối Núi Bà Đen với Hồ Dầu Tiếng, Di tích Quốc gia đặc biệt - Di tích Căn cứ Trung ương Cục Miền Nam, Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát, Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh…; lại nằm trên con đường ngắn nhất nối Thành phố Hồ Chí Minh với Siem Reap (Campuchia), Bangkok (Thái Lan); với vùng Đông bắc Thái Lan, Nam Lào và Đông bắc Campuchia…, Thành phố Tây Ninh có vị trí ngày càng quan trọng trong phát triển thương mại, dịch vụ, nhất là khi Cộng đồng Asean ra đời vào năm 2015.

Cùng với việc phát triển mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động Thương mại - Dịch vụ, Công nghiệp được khuyến khích đầu tư phát triển theo hướng kỹ thuật cao, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp hiện chiếm tỉ trọng thấp trong cơ cấu kinh tế sẽ hướng đến những sản phẩm sạch, sử dụng công nghệ hiện đại trong trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và lưu thông.

Tây Ninh đã triển khai việc lập Quy hoạch phát triển thành phố đến năm 2030 và đang gấp rút hoàn thành quy hoạch các phân khu chức năng. Thành phố Tây Ninh sẽ được đầu tư và quản lý theo đúng quy hoạch để thực sự trở thành một đô thị hiện đại, văn minh và thân thiện; phấn đấu cơ bản đạt các tiêu chuẩn của đô thị loại II vào trước năm 2025.

Song song với việc tập trung các nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế, tỉnh sẽ quan tâm đầu tư mạnh cho giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa và các chính sách tôn giáo, dân tộc. Đặc biệt, việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị của Thành phố, sẽ phải trở thành việc làm hàng ngày của mỗi cơ quan, mỗi tổ chức của mỗi công dân thành phố.

Bảo vệ môi trường phải trở thành nguyên tắc vàng trong phát triển Thành phố tương lai, đi cùng với việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… từ đó, chúng ta làm nên một miền đất trong lành, an toàn, thân thiện cho mỗi cư dân, cho những đối tác, những vị khách khi đến đây sống, làm việc, vui chơi…

Để thực hiện được những định hướng phát triển ấy, bên cạnh sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng, nỗ lực, sáng tạo của đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tây Ninh nói chung, Thành phố Tây Ninh nói riêng còn cần đến sự quan tâm, hỗ trợ và khích lệ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Ban, Bộ, Ngành Trung ương, của các tỉnh thành bạn, các doanh nghiệp, bạn bè trong nước và quốc tế, đồng thời từng bước thu hẹp sự chênh lệch về trình độ phát triển so với các tỉnh, thành phố trong khu vực, để Thành phố Tây Ninh sớm trở thành đô thị loại II như mục tiêu đã đề ra,tiếp tục giành được nhiều thành tựu to lớn, vẻ vang, thật sự xứng đáng là đô thị trung tâm, là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tây Ninh, tự tin sánh bước với các đô thị khác trong cả nước trên con đường hiện thực hoá mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

 

Toàn cảnh Lễ công bố thành lập Thành phố Tây Ninh

(Nguồn: Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Tây Ninh)

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây