Thông tư được áp dụng cho các tổ chức, cá nhân mua bán điện từ hệ thống điện quốc gia và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo Thông tư này, giá bán điện bình quân là 1.369 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT), điều chỉnh tăng 65 đồng/kWh (tương ứng tăng 5%) so với mức giá bán điện bình quân 1.304 đồng/kWh như trước đây.
Giá bán lẻ điện dùng cho kinh doanh được quy định lần lượt theo các cấp điện áp trong các giờ bình thường, giờ thấp điểm và gìơ cao điểm. Theo đó, đối với cấp điện áp dưới 6 kV thì giá bán lẻ điện tương ứng trong các giờ trên là 2.074 đồng/kWh, 1.279 đồng/kWh, 3.539 đồng/kWh; với cấp điện áp từ 6 kV đến dưới 22 kV là 2.046 đồng/kWh, 1.225 đồng/kWh, 3.388 đồng/kWh; với cấp điện áp từ 22 kV trở lên là 1.909 đồng/kWh, 1.088 đồng/kWh và 3.279 đồng/kWh.
Cũng theo nội dung của Thông tư, giá bán lẻ điện dùng cho sinh hoạt được quy định theo các bậc thang như sau: Giá cho 50 kWh đối với hộ nghèo và hộ thu nhập thấp, thường xuyên có mức sử dụng điện không quá 50kWh/tháng và có đăng ký với bên bán điện vẫn được giữ nguyên ở mức 993 đồng/kWh như trước đây; với kWh từ 0- 100 đối với hộ thông thường là 1.284 đồng/kWh; với kWh từ 101 đến 150 là 1.457 đồng/kWh; với kWh từ 151 đến 200 là 1.843 đồng/kWh; với kWh từ 201 đến 300 là 1.997 đồng/kWh; với kWh từ 301 đến 400 là 2.137 đồng/kWh; từ 401 kWh trở lên là 2.192 đồng/kWh. Ngoài ra, giá bán lẻ điện dùng vào mục đích sinh hoạt cho các đối tượng mua điện tạm thời và mua điện ngắn hạn theo hình thức sử dụng thẻ trả trước là 1.807 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT).
Ngoài ra, Thông tư còn quy định điều chỉnh giá bán lẻ điện sinh hoạt tại những nơi chưa có lưới điện quốc gia do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt nhưng không được ngoài mức giá sàn 2.054 đồng/kWh và mức giá trần 3.423 đồng/kWh.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng điều chỉnh biểu giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất, cho bơm nước tưới tiêu, cho các đối tượng hành chính, sự nghiệp; giá bán buôn điện nông thôn, giá bán buôn điện khu tập thể, cụm dân cư, giá bán buôn điện cho các khu công nghiệp.
Các điều chỉnh về giá bán điện trong Thông tư này được tính dựa trên các thông số đầu vào cơ bản, cụ thể: Đối với giá than cho sản xuất điện, giá than cám 4b là 750.000 đ/tấn; giá than cám 5a là 620.000 đ/tấn; giá than cám 5b là 581.000 đ/tấn; giá than cám 6a là 521.000 đ/tấn; giá than cám 6b là 457.000 đ/tấn; Giá khí trung bình cho nhà máy điện Cà Mau là 9,338 đô la Mỹ/triệu BTU được tính trên cơ sở giá dầu HFO là 720,96 đô la Mỹ/tấn; Giá dầu (sau thuế VAT): giá dầu DO: 20.897 đ/lít, giá dầu FO: 18.116 đ/kg; Tỷ giá hối đoái giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ: 20.927 đ/đô la Mỹ. Dự kiến, với điều chỉnh tăng giá điện lần này, doanh thu bán điện của EVN dự kiến tăng thêm 3.710 tỷ đồng, tương ứng với sản lượng điện thương phẩm của EVN dự kiến từ 01/7/2012 đến 31/12/2012 là 56,9 tỷ kWh (bao gồm cả sản lượng điện xuất khẩu sang Campuchia), được sử dụng để bù đắp cho tăng giá than và một phần các chi phí còn treo của các năm trước.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2012 và thay thế Thông tư số 42/2011/TT-BCT ngày 19 tháng 12 năm 2011 của Bộ Công Thương quy định về giá bán điện và hướng dẫn thực hiện.
(Vụ Pháp chế - Bộ Công Thương)
Ý kiến bạn đọc