Diễn biến tình hình và xu hướng phát triển thị trường mặt hàng cao su của tỉnh Tây Ninh tháng 8 năm 2024

Thứ ba - 22/10/2024 08:27 132 0
Diễn biến tình hình và xu hướng phát triển thị trường mặt hàng cao su của tỉnh Tây Ninh tháng 8 năm 2024
Tạp chí Cao su Việt Nam dẫn nguồn tin từ Tổ chức Future Market Insights (Thông tin chi tiết về thị trường trong tương lai), cho biết nhu cầu về ngành cao su polyisoprene tổng hợp có thể được thúc đẩy bởi ứng dụng rộng rãi trong sản xuất lốp xe, dây đai, giày dép và phụ kiện y tế như găng tay y tế và bóng y tế. Thị trường toàn cầu dự kiến sẽ mở rộng với tỉ lệ tăng trưởng kép hàng năm là 6,2% từ năm 2022 – 2032. Thị trường Đông Á sẽ tiếp tục thống trị. Từ các yếu tố đó, thị trường cao su polyisoprene tổng hợp toàn cầu dự kiến sẽ đạt 1,3 tỷ USD vào năm 2032. Cao su polyisoprene tổng hợp được sử dụng rộng rãi làm vật liệu cơ bản trong sản xuất lốp xe. Ngoài ra, nhu cầu về cao su polyisoprene tổng hợp đã tăng lên do nhận thức cao hơn của người sử dụng lao động về việc sử dụng găng tay công nghiệp và nhu cầu về găng tay y tế ngày càng tăng. Ngoài giày dép, cao su polyisoprene tổng hợp còn được sử dụng trong sản xuất keo dán và chất trám, dây đai và các sản phẩm khác trong các ngành công nghiệp và xây dựng.
Từ ngày 9-11/9/2024, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) phối hợp với Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững VFCO (Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam) tổ chức lớp tập huấn thực hiện hệ thống trách nhiệm giải trình của PEFC đối với quy định sản xuất hàng hóa không gây mất rừng (PEFC EUDR DDS) tại khu vực Tây Nguyên. Hiện nay, VRG có hơn 120.000 ha cao su được chứng nhận quản lý rừng bền vững VFCS/PEFC và 22 công ty thành viên có chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm PEFC CoC. Đây là nền tảng rất thuận lợi để VRG sớm đáp ứng yêu cầu EUDR và có thể đảm bảo xuất khẩu vào thị trường châu Âu từ ngày 1/1/2025. Ông Vũ Tấn Phương, Giám đốc VFCO cho biết, Việt Nam có diện tích cao su khoảng gần 1 triệu ha, cùng với giá trị xuất khẩu của đạt gần 5 tỷ USD. Tiềm năng của ngành cao su là rất lớn, nhưng muốn xuất khẩu bền vững thì buộc phải thực hiện theo quy định EUDR. Theo VRG, quy định EUDR đối với ngành cao su rất quan trọng. Hiện tại, nếu muốn xuất khẩu cao su vào thị trường châu Âu thì Việt Nam phải đáp ứng được các yêu cầu trong quy định EUDR. Chính vì vậy, VRG quyết tâm thực hiện quy định EUDR để xuất khẩu bền vững. Để thực hiện được quy định EUDR, vào đầu tháng 5, VRG đã tổ chức lớp tập huấn về nhận thức cho các công ty thành viên. Sau đó, VRG tiếp tục ban hành hướng dẫn sơ bộ về quy định EUDR. Hiện một số công ty thành viên của VRG cũng đã bán được sản phẩm cao su thông qua quy định EUDR với giá trị cộng thêm cao hơn thị trường khoảng gần 200 USD/tấn mủ.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tháng 8/2024, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 209.736 tấn, trị giá gần 345 triệu USD, tăng 12,7% về lượng và 12% về trị giá so với tháng trước, còn so với cùng kỳ năm ngoái giảm 5,7% về lượng nhưng tăng 20,2 về trị giá. Tính chung 8 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cao su của nước ta đạt 1,12 triệu tấn, trị giá 1,76 tỷ USD, giảm 7,2% về lượng nhưng tăng 8,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 8/2024, giá cao su xuất khẩu bình quân của nước ta đạt
1.645USD/tấn, giảm nhẹ 10 USD/tấn (0,6%) so với tháng trước, nhưng vẫn tăng
tới 27,4% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân 8 tháng đầu năm 2024, giá xuất
khẩu cao su của nước ta đạt bình quân 1.569USD/tấn, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số liệu tính toán từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 8/2024, kim ngạch xuất khẩu cao su của các doanh nghiệp đăng ký mã số thuế tại tỉnh Tây Ninh đạt 52,29 triệu USD, tăng mạnh 22,7% so với tháng trước và tăng tới 82,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế trong 8 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu cao su của tỉnh Tây Ninh đạt 258,36 triệu USD, tăng 29,3% (tương ứng 58,49 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, Tây Ninh hiện đứng thứ 4 trên cả nước về xuất khẩu cao su, chiếm 14,7% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước, tăng so với thị phần 12,3% của cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, Tây Ninh đang chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực Đông Nam Bộ. Mức tăng trưởng của tỉnh Tây Ninh cũng cao hơn so với mức tăng trưởng hơn 17,8% của toàn khu vực Đông Nam Bộ.
Các doanh nghiệp đăng ký mã số thuế tại Tây Ninh chủ yếu xuất khẩu cao su sang các thị trường chính như: Trung Quốc, Ấn Độ, Campuchia, Hàn Quốc,… Trong tháng 8/2024, kim ngạch xuất khẩu cao su của tỉnh Tây Ninh sang Trung Quốc đạt 29,78 triệu USD, tăng 72,3% so với cùng kỳ năm ngoái; Ấn Độ đạt 7,09 triệu USD, tăng 64,5%; đặc biệt, thị trường Campuchia tăng đột biến 1.146% so với cùng kỳ, đạt 3.530 tấn. Các thị trường khác như Mỹ, Nga, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Tây Ban Nha… cũng tăng rất mạnh từ hai đến ba con số. Tính chung 8 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của tỉnh Tây Ninh với kim ngạch đạt 135,05 triệu USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trong tổng kim ngạch xuất khẩu cao su của toàn tỉnh Tây Ninh thì thị phần của Trung Quốc đã giảm xuống còn 52,3% so với mức 63,3% của cùng kỳ. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu cao su sang thị trường lớn thứ hai của tỉnh là Ấn Độ tăng mạnh 60,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 25,53 triệu USD trong 8 tháng đầu năm. Ấn Độ chiếm 12,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cao su của tỉnh Tây Ninh, cao hơn mức 10,1% của cùng kỳ năm 2023. Đứng thứ ba là Campuchia, với kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đạt 26,46 triệu USD, tăng gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời thị phần tăng từ 6,5% lên 10,2%. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu cao su của tỉnh Tây Ninh sang thị trường Hàn Quốc đạt 18,32 triệu USD, tăng 67,9%; Mỹ đạt 6,9 triệu USD, tăng 112,5%; Nga đạt 6,3 triệu USD, tăng 20,2%; Italia đạt 5,26 triệu USD, tăng 51,9%; Thổ Nhĩ Kỳ tăng 78,6%; đặc biệt thị trường Đức tăng 186,3%... Thống kê cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2024, tỉnh Tây Ninh đã xuất khẩu cao su tới 43 thị trường khác nhau trên thế giới, trong đó 35 thị trường có kim ngạch tăng so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ có 8 thị trường ghi nhận giảm.
Do nhu cầu của Trung Quốc đang chậm lại nên lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu thu về vẫn cao hơn đáng kể cùng kỳ năm ngoái do giá cao su thế giới tăng mạnh và nhu cầu cao từ các thị trường khác, trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung toàn cầu. Trong những tháng cuối năm nay, dự báo nhu cầu cao su của Trung Quốc sẽ cải thiện theo chiều hướng tích cực hơn do sản lượng cao su của nước này bị ảnh hưởng tiêu cực bởi cơn bão Yagi vào đầu tháng 9 vừa qua, trong khi tồn kho cao su trong nước cũng đang có xu hướng giảm sau nhiều tháng giảm nhập khẩu liên tiếp. Điều này sẽ tác động tích cực đến xuất khẩu cao su của Việt Nam nói chung và tỉnh Tây Ninh nói riêng. Trên bình diện thế giới, báo cáo của Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) cho thấy, sản lượng cao su toàn cầu trong tháng 7/2024 đạt 1,29 triệu tấn trong tháng 7, tăng 8,6% so với tháng trước và 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái; tiêu thụ đạt 1,312 triệu tấn, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, sản lượng cao su toàn cầu tăng nhẹ 0,7% lên 7,16 triệu tấn. Trong khi đó, tiêu thụ tăng 1,2% lên 9,02 triệu tấn. ANRPC cũng điều chỉnh dự báo sản lượng cao su toàn cầu năm 2024 xuống còn 14,38 triệu tấn, tăng nhẹ 0,4% so với năm ngoái. Trong đó, Thái Lan giảm 0,5%, Indonesia giảm 5,1%, Trung Quốc tăng 7,3%, Ấn Độ tăng 6%, Việt Nam giảm 2,1%, Malaysia tăng 0,6% và các nước khác tăng 4,9%. Năm 2024, tiêu thụ cao su thiên nhiên toàn cầu dự kiến sẽ tăng 2,3% lên 15,658 triệu tấn. Trong đó, Trung Quốc tăng 3,6%, Ấn Độ tăng 3%, Thái Lan tăng 1%, Malaysia tăng 54,7%, Việt Nam giảm 1% và các nước khác giảm 3,7%.
Trân trọng./.
 

Tác giả: quản trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây